Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/9/2022

19:45 | 10/09/2022

5,933 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EU nhất trí về 4 giải pháp cấp bách về giá năng lượng; EU không đạt đồng thuận áp giá trần khí đốt của Nga; Đức thất vọng vì các nước láng giềng từ chối chia sẻ khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 10/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/9/2022
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU tại Brussels, Bỉ, ngày 9/9/2022. Ảnh: TTXVN

EU nhất trí về 4 giải pháp cấp bách về giá năng lượng

Tại cuộc họp bất thường hôm 9/9 ở Brussels, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về 4 giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao. Dự kiến, các Bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào cuối tháng này để thông qua các biện pháp cụ thể.

Giải pháp thứ nhất được EU nhất trí là về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác. Giải pháp thứ hai là giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện. Hiện EC có nhiệm vụ đưa ra một đề xuất chính thức để giới hạn thu nhập của các nhà sản xuất điện.

Giải pháp thứ ba là sự can thiệp "tạm thời và khẩn cấp" vào thị trường khí đốt, với "mức giá trần" do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất. Cuối cùng, các bộ trưởng đề nghị EC trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU và để giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng.

EU không đạt đồng thuận áp giá trần khí đốt của Nga

Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), bà Kadri Simson, ngày 9/9 thông báo rằng các bộ trưởng năng lượng của EU không đạt đồng thuận về việc áp mức giá trần với khí đốt của Nga.

Theo bà Simson, trong tuần tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các đề xuất mới để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt sau khi Nga đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream 1. Bà cũng cam kết sẽ tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với các quốc gia đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Quan chức EU cũng cảnh báo rằng việc áp đặt biện pháp giới hạn giá với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nguồn năng lượng mà khối này đang đẩy mạnh nhập khẩu để bù đắp nguồn cung khí đốt thiếu hụt từ Nga, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Trước đó, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, cũng nêu quan điểm tương tự, khi cho rằng nếu áp giá trần với LNG, nhiều khả năng các nhà cung cấp nguồn năng lượng này sẽ rời bỏ thị trường châu Âu.

Mỹ ban hành hướng dẫn liên quan đến kế hoạch áp giá trần dầu Nga

Bộ Tài chính Mỹ ngày 9/9 ban hành hướng dẫn mới liên quan đến kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga, cho biết các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải sẽ không phải chịu trách nhiệm về thông tin giá dầu sai lệch do người mua và người bán dầu Nga cung cấp.

Hướng dẫn cũng cho biết, những người mua dầu mỏ của Nga với giá cao hơn mức giá trần mà cố tình cung cấp tài liệu sai lệch có thể bị điều tra vì vi phạm lệnh trừng phạt. Các chính phủ tham gia áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga sẽ chia sẻ thông tin để hỗ trợ quá trình điều tra này.

Bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nói rằng mức giá trần nên được ấn định cao hơn chi phí sản xuất biên của dầu mỏ Nga và cân nhắc đến các mức giá "lịch sử" đã được thị trường chấp nhận. Theo bà, trong những tuần tới Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu xuất khẩu của Nga và "xúc tiến các chế tài" cụ thể về cách thức triển khai thực hiện.

Đức thất vọng vì các nước láng giềng từ chối chia sẻ khí đốt

Trong báo cáo gửi đến các nhà lập pháp tại Uỷ ban Khí hậu và Năng lượng của Quốc hội Đức (Bundestag) hôm 8/9, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho rằng một số quốc gia láng giềng của Đức - bao gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan - đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng về thỏa thuận khí đốt song phương.

Báo cáo cho biết động thái từ chối chia sẻ khí đốt giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức, vì EU không thiết lập được một khối ứng phó với khủng hoảng khí đốt bền vững dưới hình thức các thỏa thuận song phương.

Theo ông Habeck, lý do chính khiến Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan ngần ngại chia sẻ khí đốt với Berlin là vì họ không muốn phải bồi thường cho bên cung ứng trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức. Ông Habeck cũng nhấn mạnh Berlin đang đàm phán với Italy và Cộng hòa Séc nhưng hiện không có kỳ vọng về tiến triển nào từ các cuộc đàm phán các thỏa thuận song phương.

Ba Lan muốn mua điện từ nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 9/9 đã bày tỏ quan tâm đến việc mua điện từ nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi của Ukraine. Phát biểu họp báo chung sau cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Ukraine, ông Morawiecki nêu rõ: "Chúng tôi có thể sử dụng một phần điện từ Ukraine. Tôi đã được Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẽ sớm sẵn sàng bán điện từ Khmelnytskyi (nhà máy điện hạt nhân)”.

Hiện Ukraine đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu (EU) để tăng cường dòng tiền mặt cho các công ty năng lượng của mình, vốn bị ảnh hưởng do sụt giảm sử dụng kể từ khi nổ ra cuộc chiến hồi tháng 2. Ở chiều ngược lại, dòng điện từ Ukraine cũng sẽ giúp EU đối phó với tình trạng giảm nguồn cung khí đốt từ Nga.

Cho đến nay, Ukraine đã bán điện cho Hungary, Slovakia và Ba Lan (khoảng 200 MW). Trong thời gian tới, nước này có thể cung cấp thêm cho Ba Lan 1.000 MW điện từ nhà máy Khmelnytskyi qua đường dây điện kết nối hai nước. Hệ thống đường dây điện này đã không hoạt động từ những năm 1990 nhưng dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào cuối năm nay sau khi được nâng cấp.

EU tung 500 tỷ USD trợ cấp năng lượng

Chính phủ Anh vừa xác nhận kế hoạch trợ cấp chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong mùa đông này. Các nhà phân tích cho biết kế hoạch của Anh có thể lên tới 150 tỷ bảng (172 tỷ USD). Cộng với các dự định chi tiêu được thông báo gần đây ở các nước EU, tổng số tiền châu Âu tung ra đã lên tới hơn 500 tỷ euro (500 tỷ USD), theo CNN.

Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, tháng trước cho biết EU và Anh đã cam kết chi 280 tỷ euro (280 tỷ USD) để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng tăng vọt. Các động thái hỗ trợ xuất hiện từ tháng 9/2021, nhưng phần lớn được tung ra sau khủng hoảng Ukraine, do xung đột khiến giá khí đốt và dầu mỏ tăng vọt.

Hôm 4/9, Đức công bố gói 65 tỷ euro (65 tỷ USD) giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp trang trải chi phí năng lượng. Áo hôm 7/9 thông báo sẽ đóng băng giá điện từ tháng 12 năm nay đến tháng 6/2024 bằng gói trợ giá 4 tỷ euro (4 tỷ USD).

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status