Nhìn nhận khách quan về điện hạt nhân

10:11 | 12/09/2020

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ý kiến phản biện dưới đây là của Jean-Marc Jancovici - một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Năng lượng và Khí hậu tại Pháp. Ông là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tác giả của hàng loạt các công trình nghiên cứu về năng lượng và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là thành viên tích cực trong các ủy ban khoa học quốc tề về phát triển năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu...

Nói về môi trường, chắc chắn chúng ta phải nói tới khí CO2 được thải ra từ các quá trình sản xuất. Điều đáng ngạc nhiên là, trong quá trình sản xuất điện hạt nhân, lượng khí CO2 thải ra tính trên đơn vị một kWh là cực kỳ thấp. Thực tế, bản thân các phản ứng hạt nhân không tạo ra khí CO2. Khí CO2 chỉ được sinh ra trong quá trình khai thác và làm giàu Uranium, hoặc trong việc sử dụng vật liệu xây dựng các nhà máy điện.

Các phản ứng hạt nhân giải phóng một nguồn năng lượng cực lớn từ một lượng Uranium rất nhỏ. Năng lượng giải phóng từ 1 gam Uranium được đánh giá tương đương với việc đốt 1 tấn dầu. Chính điều này dẫn đến việc lượng khí thải CO2 trên đợn vị một kWh tính cho cả một chu kỳ sản xuất điện hạt nhân là rất thấp: 6 gam CO2/kWh. Con số này ở điện gió là 10 (tính cho cả xây dựng và lắp đặt), điện mặt trời là 50 (tính cả cho sản xuất và lắp đặt). Với các nhà máy nhiệt điện khí hiện đại nhất, lượng khí thải CO2 vẫn ở mức 400 gam/kWh. Với các nhà máy nhiệt điện than, con số này là 800 đối với các nhà máy có trang thiết bị hiện đại nhất và 1.000 cho các nhà máy được trang bị ở mức trung bình.

Đại bộ phận người dân cho rằng, các khí thải thoát ra từ "ống khói" nhà máy điện nguyên tử là tác nhân tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm trái đất nóng lên. Trên thực tế, phần thoát ra từ các ống khói nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn là hơi nước bốc lên từ hệ thống làm mát. Chúng cũng tương đương với việc nước bốc hơi tự nhiên từ các đại dương chiếm 2/3 diện tích trái đất từ ngàn đời nay và hoàn toàn không thể là tác nhân của biến đổi khí hậu.

Diện tích đất sử dụng trong sản xuất điện hạt nhân tính trên tổng sản lượng điện cũng ở mức thấp nhất trong tất cả các dạng năng lượng điện. Một tính toán nhanh cho thấy, để sản xuất ra cùng một sản lượng điện, diện tích lắp đặt pin mặt trời sẽ lớn gấp 500 lần diện tích các nhà máy điện hạt nhân tại Pháp. Thực tế, việc lắp đặt mạng lưới pin mặt trời tại Pháp đã dẫn tới tình trạng phá rừng tự nhiên, lấy đất xây nhà máy.

Hãy làm thêm một phép tính nữa để so sánh với thủy điện. Hồ chứa nước của đập Guri tại Venezuela có diện tích 4500 km2 (bằng với diện tích của một tỉnh ở Pháp) có công suất tương đương 6 lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 (EPR) với tổng diện tích nhỏ hơn từ 2.000 đến 3.000 lần (trên dưới 2km2). Khi cần giải phóng mặt bằng trên một diện tích đất cực lớn để xây dựng các nhà máy điện, đó là lúc mà hệ sinh thái sẽ bị mất cân bằng nghiêm trọng.

Năng lượng tái tạo không đồng nghĩa với việc các thiết bị dùng để khai thác năng lượng này không có tác động xấu đến môi trường. Một số luận án tiến sỹ mới đây tại Pháp đã chứng minh rằng: Việc xây dựng các trạm điện gió khổng lồ khiến cho loài dơi không thể tiếp tục sinh sống trong bán kính ít nhất 1km. Các trạm điện gió thường được đặt trên một trụ bằng bê tông cốt thép gần mặt đất. Điều này ngăn cản thực vật phát triển xung quanh các trạm điện gió.

Tất cả các nhà máy điện đều cần sử dụng nhiều loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, bê tông,… Nhu cầu vật liệu xây dựng tính theo một 1 kWh của điện hạt nhân thấp hơn đến hằng trăm lần so với điện gió, hay điện mặt trời. Điều này rất dễ hiểu vì sản xuất điện hạt nhân hoàn toàn được kiểm soát và rất ổn định, ngược lại, với điện gió hay mặt trời, công suất phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Điện hạt nhân rất nguy hiểm? Sự thật có phải như vậy? Theo ghi nhận của Liên Hợp Quốc, tai nạn hạt nhân lớn nhất lịch sử được ghi nhận ở Chernobyl (Ukraina). Theo ước tính của Jancovici, con số tử vong trực tiếp và gián tiếp ở Chernobyl rơi vào khoảng vài ngàn người. Trong khi đó, tai nạn thủy điện lớn nhất lịch sử được ghi nhận ở Trung Quốc vào những năm 1970, khiến 20.000 đến 100.000 người chết. Tại châu Âu, đập Vajont-Longarone tại Italia bị vỡ năm 1963 giết chết 2.000 người và phá hủy nhiều làng mạc.

Sản xuất điện hạt nhân kéo theo rác thải phóng xạ cần xử lý? Điều này đúng, nhưng cần phải nói rằng: Rác thải luôn có mặt ở mọi dây chuyền công nghệ sản xuất điện, không có nguồn năng lượng nào mà không tạo ra rác thải.

Sản xuất điện hạt nhân cần một lượng Uranium rất nhỏ, chính vì vậy số lượng rác thải cũng hạn chế. Rác thải hạt nhân có chứa chất phóng xạ, cần được xử lý một cách thận trọng, an toàn. Điều đó đúng và trên thực tế, nếu xử lý tốt, rác thải hạt nhân còn ít gây thiệt hại cho môi trường hơn nhiệt điện sử dụng năng lượng hóa thạch hòa tan vào không khí sau khi cháy, hay các dạng năng lượng sạch (gió, mặt trời) đòi hỏi cả một dây chuyền sản xuất công nghiệp và lắp đặt.

Tại Pháp, rác thải hạt nhân được xử lý và chôn sâu dưới lòng đất. Theo Jancovici, đây là một biện pháp rất "tự nhiên", bởi lẽ, việc chôn vùi xuống lòng đất sâu chất phóng xạ đã có từ hai tỷ năm trước với bằng chứng là các mỏ Uranium tìm thấy tại Oklo (Gabon) bắt nguồn từ những phản ứng hạt nhân tự nhiên thời đó, tương đương với các phản ứng hạt nhân mà con người sử dụng ngày nay.

Những lập luận thẳng thắn cùng các số liệu phân tích mang tính thuyết phục cao do một chuyên gia năng lượng sạch nổi tiếng là Jean-Marc Jancovici đã buộc giới cầm quyền Pháp phải có sự lựa chọn vô cùng khó khăn, khi các chính phủ từ thời François Hollande đến Emmanuel Marcon đều tỏ rõ quyết tâm cắt giảm điện hạt nhân, tiến tới chỉ còn chiếm khoảng 50% tổng sản lượng quốc gia đến cuối 2035.

Liệu việc cắt giảm này chỉ đơn thuần là một lựa chọn chính trị mà các ứng cử viên tổng thổng Pháp hướng tới để tranh thủ số phiếu bầu từ những cử tri "xanh", rồi sau đó bắt buộc phải thực hiện khi đã trúng cử hay thực sự còn có những nguyên nhân khoa học sâu xa nào khác? Điều này có lẽ chỉ sáng tỏ khi có thêm những ý kiến phản biện từ các chuyên gia tầm cỡ như Jean Marc Jancovivi./.

LƯỢC TRÍCH VÀ DỊCH: TS. NGUYỄN HỮU HÀ

Theo Năng lượng Việt Nam

Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 5]Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 5]
Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng nào cho tương lai?Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng nào cho tương lai?

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc