Nhiều “phán quan” quá!

07:00 | 27/12/2013

1,983 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không hiểu các tham mưu có “thù hằn” gì với nhà báo mà chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2013 đã có hàng loạt đề xuất xử phạt hành chính nhằm vào báo chí trong các lĩnh vực thống kê; quản lý giá, phí lệ phí, hóa đơn; giáo dục; khí tượng thủy văn…

Năng lượng Mới số 285

Tất cả các văn bản này đều có điều khoản quy định  phạt tiền từ… đến… đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn gốc thông tin khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm. Phạt tiền từ… đến… đồng đối với hành vi làm sai lệch các thông tin đã được cơ quan có thẩm quyền công bố để phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm... Theo đó, các cơ quan báo chí là đối tượng “chịu trận” trong các quy định này.

Thực ra sẽ không có gì đáng phàn nàn khi phàm là đã vi phạm thì bị phạt và đã có khá nhiều báo đài bị phạt tiền triệu. Tuy nhiên, soi kỹ các văn bản, các nhà báo đã “ngạc nhiên chưa” khi thấy chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt báo chí!? Có người lo ngại, nhiều quan xã à uôm lắm, các nhà báo hãy coi chừng!

Hóa ra, có rất nhiều “phán quan” các cấp có quyền xử phạt báo chí. Có thể kể ra người có thẩm quyền xử phạt là chủ tịch UBND các cấp từ xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh đến tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, các thanh tra viên đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành cấp bộ; Chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ... cũng có quyền xử phạt.

Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, chủ tịch xã, phường, thị trấn có quyền phạt đến 5 triệu đồng. Các văn bản chuyên ngành khác như trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; khí tượng thủy văn... đều có quy định chi tiết về thẩm quyền xử phạt báo chí.

Cần thiết phải nhắc lại rằng theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP thay thế một nghị định cũ lại quy định thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc thanh tra chuyên ngành thông tin - truyền thông; Chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông; Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, và chủ tịch UBND cấp huyện trở lên...

Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/1/2014 Nghị định 159 sẽ có hiệu lực song hành với các nghị định chuyên ngành trong lĩnh vực khác cùng xử phạt báo chí. Các chuyên gia pháp luật chỉ ra rằng, trong Nghị định 159 với 38 điều đã quy định mọi hành vi liên quan đến hoạt động báo chí của cá nhân và tổ chức, xuất bản... nếu vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt nhẹ nhất là cảnh cáo và nặng nhất là phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong khi đó, điều 1, khoản 3 Nghị định 159 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản không quy định tại nghị định này mà quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì áp dụng các quy định đó để xử phạt”. Cụ thể, điều 8, Nghị định 159 đã quy định đầy đủ các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; Đăng tin, phát thông tin sai sự thật, đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống... với những mức phạt rất cụ thể. Tuy nhiên, các nghị định nói trên vẫn áp vào để xử phạt là trái với khoản 1, điều 3 Nghị định 159 và các văn bản quy định về xử phạt trong hoạt động báo chí đang giẫm chân lên nhau.

Theo các chuyên gia pháp lý, căn cứ vào đâu để các cơ quan, tổ chức cho rằng hành vi, bài viết, bài báo đó vi phạm hành chính? Ai có quyền kết luận đúng sai? Như vậy, có thể bị xử phạt oan và xảy ra tình trạng khiếu kiện về sau.

Chưa có hoạt động nào mà bị nhiều ngành xử phạt hành chính như lĩnh vực hoạt động báo chí. Vì vậy, cần thống nhất lại các quy định xử phạt để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, giẫm chân lên nhau thể hiện không chuyên nghiệp cảnh báo sẽ có tranh chấp, bên “đòi” xử nhẹ, bên muốn “áp” xử nặng và không biết xử theo “luật” nào.

Trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: Nếu quy định xử phạt báo chí nhiều quá hay lạm dụng quy định xử phạt báo chí sẽ vô hình trung cản trở tác nghiệp của báo chí. Báo chí cần có khoảng rộng để hoạt động, tác nghiệp, nếu đưa tin sai đã có luật Báo chí điều chỉnh, tổng biên tập phải chịu trách nhiệm và cá nhân nhà báo đưa tin sai cũng sẽ bị xử lý, xử phạt theo luật định.

Vì vậy với các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm báo chí cũng thế, nếu không hợp lý, hợp lệ thì các cơ quan soạn thảo, ban hành phải chủ động sửa đổi kịp thời cho phù hợp. Trong trường hợp các cơ quan ban hành không chủ động điều chỉnh, các ủy ban của Quốc hội được giao thẩm tra, thẩm định các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách sẽ yêu cầu báo cáo lại, nếu thấy không hợp lý, hợp lệ, không đúng quy định của pháp luật, thậm chí là vi hiến, thì sẽ yêu cầu bãi bỏ hoặc sửa đổi lại cho phù hợp.

Bảo Dân