Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Nhiều cơ hội, lắm rủi ro

09:09 | 28/12/2018

490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nước có giao thương lớn với Mỹ - Trung, trong đó có Việt Nam. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, về một số vấn đề liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

PV: Thưa ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những tác động như thế nào tới Việt Nam, nơi cả Trung Quốc và Mỹ đều là những đối tác thương mại lớn nhất?

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam về cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

nhieu co hoi lam rui ro

Trước hết, về những tác động có lợi cho Việt Nam, có thể thấy ngay cơ hội đón nhận những dòng đầu tư và chuyển dịch sản xuất khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ yếu đi, hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế. Việt Nam sẽ là một trong những địa điểm ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, đầu năm 2018, hai “gã khổng lồ” của Nhật Bản là Nitto Denko và Nikon đã rời khỏi Tô Châu. Panasonic, Sharp, Toshiba, Sony, Philips… lần lượt rút khỏi Trung Quốc. Tháng 5/2018, Hãng Philips của Hà Lan đã đóng cửa nhà máy tại Thâm Quyến. Ngày 16/7/2018, Nhà máy Omron của Nhật Bản đã thông báo ngừng sản xuất vĩnh viễn. Brooks Running, một công ty được mệnh danh là “Vua giày chạy bộ chuyên nghiệp” đang cân nhắc bỏ Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam...

PV:Còn từ phía Mỹ thì sao, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Việc áp thuế cao sẽ khiến hàng Trung Quốc vào Mỹ hay từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ giảm. Vì thế, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để bù đắp sự thiếu hụt. Mặt khác, do hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là nông sản, có khả năng thay thế một số hàng hóa tương đồng của Trung Quốc, nên nông sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ.

Việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ yếu đi, hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế. Việt Nam sẽ là một trong những địa điểm ưu tiên hàng đầu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang đến những cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam. Ví dụ, hiện nay gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Hàng Quốc. 7 tháng năm 2018, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ đã đạt hơn 141 triệu USD, tăng 81,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dĩ nhiên, có nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng này nhưng không thể không kể đến sự sụt giảm của ngành gỗ Trung Quốc do bị Mỹ kiện bán phá giá và do thuế xuất khẩu gỗ của Trung Quốc tăng cao. Vì thế, ngành gỗ của Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ước tính việc áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ của Trung Quốc sang Mỹ giảm 7-8 tỉ USD. Nhưng do nhu cầu thị trường không giảm nên Mỹ sẽ phải tìm nguồn cung thay thế. Điều đó sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ.

PV: Ngoài gỗ, các nhóm hàng hóa khác của Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu, thưa ông?

nhieu co hoi lam rui ro
Cá tra xuất khẩu sang Mỹ

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Những nhóm hàng hóa khác cũng có cơ hội xuất khẩu như dệt may, da giày, vali, túi xách, điện tử, đồ chơi trẻ em, thể thao... Đối với những nhóm hàng hóa này, chúng ta có thể giành thị trường Mỹ từ Trung Quốc. Bởi việc áp thuế cao, chiến tranh thương mại, các nhóm hàng này của Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp, thủy sản… sẽ tăng xuất khẩu sang Mỹ. Hiện Mỹ đang là một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 75 triệu USD trong quý I/2018, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, cá tra Việt Nam chiếm 90% thị trường cá tra Mỹ, Trung Quốc chỉ chiếm 10%. Dẫu vậy, Trung Quốc hầu như chỉ xuất khẩu các sản phẩm chế biến sẵn nên giá thành cao gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Khi bị áp thuế quá cao đối với hàng xuất xứ từ Trung Quốc, các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là lựa chọn thay thế.

PV: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, như ông phân tích, dường như sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội nhiều hơn khó khăn?

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Tôi không nghĩ như vậy. Bởi những rủi ro hay những tác động tiêu cực mà cuộc chiến thương mại này mang lại thì có khi còn lớn hơn những cơ hội. Vì ở gần Trung Quốc, hàng dư thừa từ Trung Quốc dễ dàng tràn vào Việt Nam gây khó cho các doanh nghiệp trong nước và tạo sức ép lớn cho thị trường nội địa. Dễ thấy nhất là mặt hàng cơ khí, máy móc thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc sẽ tràn sang và cạnh tranh với hàng Việt Nam, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong khi số doanh nghiệp này chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việc áp thuế cao Trung Quốc sẽ khiến hàng Trung Quốc vào Mỹ hay từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ giảm. Vì thế, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để bù đắp sự thiếu hụt.

Mặt khác, Trung Quốc sẽ đưa hàng giá rẻ vào Việt Nam rồi tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. Nếu doanh nghiệp trong nước ham lợi, chấp nhận cho doanh nghiệp Trung Quốc “rửa nguồn” nhằm lẩn tránh thuế áp cho hàng Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng đến cả quốc gia do Mỹ sẽ giám sát, ngăn chặn hàng xuất từ Việt Nam.

Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam nhìn ra vấn đề này, đã cảnh báo: Không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt hàng “made in Viet Nam” để xuất khẩu dưới hình thức Trung Quốc đưa bán thành phẩm sang Việt Nam gia công, hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam rồi làm ra thành phẩm gắn mác của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Nếu kịch bản đó xảy ra, hàng Việt Nam rất dễ rơi vào tình trạng bất hợp pháp và sẽ bị Mỹ giám sát, ngăn chặn hoặc thực hiện bất kể một biện pháp mạnh nào. Tôi được biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã dự đoán trước và đưa ra cảnh báo ngày 26/9/2018 rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi trong ngắn hạn khi Mỹ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng sẽ có rủi ro nếu hàng hóa đó do Trung Quốc “mượn” nhãn mác Việt Nam để tránh thuế vào Mỹ. Vì vậy, cần cảnh giác với chiêu “núp bóng” của hàng Trung Quốc.

PV: Nhưng có một thực tế là chúng ta đang nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Theo ông, hàng hóa Việt Nam sẽ có những bất lợi gì khi xuất khẩu sang Mỹ?

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thì Mỹ sẽ có chế tài với hàng hóa được sản xuất bằng nguyên phụ liệu Trung Quốc. Điều này sẽ rất bất lợi cho nhiều hàng hóa của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta nhập rất nhiều nguyên phụ liệu của Trung Quốc như nguyên phụ liệu dệt may chẳng hạn. Một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho biết, gần đây đã có sự dịch chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Số lượng các đối tác Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Như vậy là dự đoán của chúng ta đã bắt đầu diễn ra.

PV: Còn phía Trung Quốc, theo ông, cuộc chiến thương mại có gây khó khăn cho Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Việc giảm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ khiến sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên vật liệu từ Việt Nam mà còn làm hàng xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc khó khăn. Vì cuộc chiến thương mại nên Trung Quốc khó xuất khẩu, phải tăng tiêu dùng nội địa, dẫn đến giảm nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Để giảm nhập khẩu, Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp, rào cản thương mại với hàng hóa Việt Nam.

Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cảnh báo: Không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt hàng “made in Vietnam” để xuất khẩu dưới hình thức Trung Quốc đưa bán thành phẩm sang Việt Nam gia công, hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam rồi làm ra thành phẩm gắn mác của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đáng quan ngại hơn về dài hạn, do Mỹ có chính sách hướng nội nên sau Trung Quốc, Việt Nam có thể là nước tiếp theo bị Mỹ xem xét khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt tương đối cao.

PV: Vậy thưa ông, Việt Nam phải làm thế nào để tận dụng được những cơ hội và vượt qua khó khăn trước những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch: Theo tôi, các giải pháp phải được xây dựng từ Nhà nước và doanh nghiệp.

Nhà nước cần chủ động, theo sát diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, phân tích và dự báo một cách chi tiết, cụ thể những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp, từ đó đưa ra các giải pháp cho từng kịch bản như điều chỉnh lãi suất, thuế xuất nhập khẩu… cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt đường biên giới cũng như hoạt động nhập khẩu để giảm thiểu gian lận trong nhập khẩu, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới uy tín hàng hóa của Việt Nam.

Phải xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu vào một thị trường. Ví dụ, về cao su, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam có thể mở rộng sang thị trường Ấn Độ. Chủ động ứng phó với các biện pháp bảo hộ thương mại từ Mỹ.

Cần có các giải pháp để giữ vững các thị trường truyền thống như EU, Đông Âu, khai thác những lĩnh vực còn khả năng phát triển. Tích cực khai thác những lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết…

Các doanh nghiệp cần bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang và cần chủ động tìm hiểu thông tin, cảnh báo sớm những diễn biến về chiến tranh thương mại để có giải pháp ứng phó. Doanh nghiệp phải sẵn sàng điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách linh hoạt nhất có thể; nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra.

Một giải pháp nữa không thể không chú trọng là lựa chọn những sản phẩm phù hợp với trình độ, kỹ năng của doanh nghiệp cũng như những sản phẩm có khả năng cạnh tranh về giá, có thương hiệu lớn để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu.

Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh là các doanh nghiệp cần thận trọng liên kết hay làm “cầu nối thương mại” giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với thị trường Mỹ để hạn chế rủi ro không đáng có.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TS Võ Thị Vân Khánh, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Tài chính: Mỹ và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam

nhieu co hoi lam rui ro

Sau Trung Quốc, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam và Việt Nam chiếm 1,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hằng năm của Mỹ. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện, thủy sản, gỗ...

Mỹ và EU dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Mỹ xuất siêu sang Việt Nam về dịch vụ và xếp thứ 8/112 nước có FDI ở Việt Nam với 815 dự án, tổng vốn hơn 10 tỉ USD. Hơn 1,5 triệu Việt kiều ở Mỹ chiếm hơn 40% tổng kiều hối về Việt Nam hằng năm. Hơn 31 nghìn sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Mỹ.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Với dung lượng thị trường lớn, nhu cầu cao, Trung Quốc đang nhập khẩu hầu hết các loại nông sản của Việt Nam như nhãn, vải, dưa hấu, thanh long… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 48 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,63 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 31,08 tỉ USD. Cả năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc có thể chạm mốc 100 tỉ USD.

Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam và vì vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, bên cạnh những cơ hội, chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn.

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, GDP của Việt Nam giảm 0,03% năm 2018, sau đó mức giảm tăng lên 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt giảm là 0,12% vào giai đoạn 2020-2021. Mức tác động sẽ giảm dần sau đó.

Tú Anh

nhieu co hoi lam rui roMỹ hỗ trợ thêm 4,9 tỷ USD cho nông dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại
nhieu co hoi lam rui roKinh tế Trung Quốc ảm đạm giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại
nhieu co hoi lam rui roGóc nhìn chuyên gia: Lo nguy cơ hàng hoá, đầu tư Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
nhieu co hoi lam rui roChủ tịch Amcham: Việt Nam đang có lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
nhieu co hoi lam rui roKinh tế Việt Nam tiến thoái lưỡng nan vì căng thẳng Mỹ - Trung