Nhiều CEO ngân hàng đồng loạt từ chức: Bình thường hay bất bình thường?

10:45 | 10/04/2012

529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, hàng loạt HĐQT của các tổ chức tín dụng buộc phải ký quyết định thay thế, hoặc miễn cưỡng gật đầu trước lá đơn xin từ chức từ tay các vị Tổng giám đốc. Liệu có phải ngành ngân hàng tài chính đã hết hot với những “cao thủ” về điều hành có tài và có tiếng?

Tính nhanh từ cuối năm 2011, đầu 2012 đến nay, có thể điểm mặt những Ngân hàng TMCP đã thay thế người điều hành cao nhất. Đó là LienVietPostBank, là Techcombank, là NH TMCP Phương Tây (Western Bank)… Không chỉ chừng đó, một loạt các ngân hàng khác như ABBank, VIB, Maritimebank, BaoVietBank cũng lục đục thay CEO hoặc đang trong quá trình chờ hoàn tất quy trình bổ nhiệm các tân Tổng giám đốc. Điều gì đang xảy ra với hệ thống ngân hàng – tài chính?

Tái cấu trúc toàn hệ thống?!

Trong năm nay, xu hướng sáp nhập, thôn tính các ngân hàng “dưới cơ” được giới trong nghề dự báo sẽ xảy ra ồ ạt, thậm chí trên diện rộng. Theo dự báo của các chuyên gia ngân hàng – tài chính, từ tổng số 43, Việt Nam chỉ còn lại khoảng 15-16 NHTM vào năm 2015. Hay nói cách khác, trung bình cứ 3,5 ngân hàng sẽ gộp lại thành 1 ngân hàng mới.

Tuyên bố tiếp tục sáp nhập ngay 6-8 ngân hàng trong năm 2012 của Thống đốc NHNN là minh chứng hùng hồn cho trào lưu M&A và đổi chủ trong lộ trình tái cấu trúc đã được vạch sẵn cho toàn hệ thống. Nếu thực tế đúng như tính toán, vậy khi 2-3 ngân hàng sáp nhập, số phận các vị CEO “yếu thế” sẽ ra sao? Họ ra đi hay chấp nhận ở lại chỉ ngồi ghế phó, chỉ đơn thuần phụ giúp CEO đối tác? Nhiều người ví TGĐ trong doanh nghiệp cũng như HLV trưởng một CLB bóng đá. Thầy tốt, trò sẽ xả thân vì đại cuộc. Thầy có tầm nhìn, đội nhà có thể ung dung chơi trên nhiều mặt trận. Thầy biết liệu cơm gắp mắm, vạch trước lộ trình cho mùa giải dài hơi thì thành tích tự khắc sẽ tìm đến.

Làm gì cũng vậy, phải có thành tích mới ngồi lại nói chuyện được! Ở ngành nghề khác thì khó bàn, chứ trong ngành ngân hàng – tài chính, vị trí TGĐ luôn là yếu tố quyết định thành bại cho cả một thương hiệu. Trở lại vấn đề số phận các vị CEO hậu M&A, nếu thật sự có “trình”, lại cộng thêm một chút kiêu ngạo, chắc chắn những người bị ép ngồi ghế phụ sẽ ngẩng cao đầu mà ra đi.

Một cổ đông chiến lược, có chân trong HĐQT của Ngân hàng O tâm sự với người viết, nếu A và B, thậm chí C đồng ý về chung một nhà, chắc chắn CEO của ông chủ lực mạnh nhất sẽ cầm trịch tổ chức tín dụng mới. Kể cả hai CEO còn lại có xuất sắc, có danh tiếng đến mấy thì HĐQT mới cũng chỉ dè dặt giao cho vị trí Phó TGĐ. Bởi đơn giản, ông chủ lớn không thể mạo hiểm giao toàn bộ khối tài sản cho CEO Ngân hàng B hay C vốn chẳng hiểu gì về tham vọng, cách quản trị và thói quen kinh doanh của mình.

Bởi thế, động tác từ chức có thể hiểu là cách rút lui tế nhị, rút lui có tính đường lùi. Việc đổi chủ sở hữu và làn sóng mua bán, sáp nhập tại các NHTM là nguyên nhân chính làm nên xu hướng “thay máu” tại các ngân hàng, dù sự thay đổi này đang diễn ra âm thầm trong nội bộ hoặc mới ở dạng tin đồn.

TS Nguyễn Thị Mùi, nguyên thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận định, việc một số NH TMCP thay thế vị trí CEO hoàn toàn có thể giải thích. Sau một thời gian phát triển nóng và ào ạt, các ngân hàng bắt đầu chú trọng đến kỹ năng quản trị. “Quản trị ở đây bên cạnh quản trị nội bộ, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính còn có quản trị rủi ro. Như mọi người cũng biết, nợ xấu trong toàn hệ thống giờ đã trở thành vấn nạn với rất nhiều tổ chức. Việc đưa về những CEO có kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm giúp các NH TMCP thanh lọc tín dụng và phát triển bền vững trước những tác động mạnh của cơn bão tài chính trong nước cũng như thế giới là điều nên làm”, – TS Mùi trả lời báo giới bên lề một Hội nghị tìm kiếm giải pháp vốn cho doanh nghiệp diễn ra cuối tuần trước.

Cùng với định hướng tái cấu trúc toàn hệ thống, bản thân các ngân hàng đã phải có những thay đổi, tự tái cấu trúc chính bản thân mình để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Điều đó có nghĩa rằng, việc sắp xếp, đề bạt, thay đổi nhân sự là một quy luật tất yếu nhằm thực hiện tốt hơn kế hoạch kinh doanh.

Có hay không chuyện CEO nhè… khúc xương?

Ngân hàng làm ăn ngày càng khó, đó là một thực tế không thể chối bỏ, ít nhất đến hết năm 2013. Sau hàng loạt động thái siết chặt chính sách tiền tệ trong điều hành của Chính phủ, thanh khoản hệ thống đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây một năm. Tuy nhiên, với lãi suất cao chót vót, việc hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng “ngủ Đông” chắc cũng không có gì khó hiểu.

Liên quan đến làn sóng thay thế CEO, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, các ngân hàng đang vào “mùa” đại hội cổ đông cũng là sức ép lớn lên HĐQT. Nợ xấu, tính thanh khoản và hiệu quả kinh doanh sẽ là những chủ đề nóng được đưa ra chất vấn trong các đại hội cổ đông. Tăng trưởng nhưng không được vi phạm bất cứ điều gì liên quan đến luật pháp và đạo đức kinh doanh cũng là điều các ông chủ nhận ra sau hàng loạt vụ “xé rào” mất uy tín vừa qua.

Thậm chí theo tìm hiểu của người viết, hiện tại có rất nhiều NH TMCP cho cả cấp Phó TGĐ của mình ngồi chơi xơi nước, với công việc hàng ngày chỉ là gọi điện thúc giục thu hồi nợ xấu. Vấn nạn nợ xấu đang lên đến đỉnh điểm, và đó là lý do các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn nhà băng nếu không chứng thực được minh bạch tài chính và dự án khả thi. Sự thật là không nhiều HĐQT còn mặn mà với ban TGĐ của mình từ cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua.

Về độ dũng cảm của các CEO, đó cũng là một câu hỏi lớn với các ông chủ. Không ai nói ra, nhưng sau những lá đơn từ chức viết vội, cũng khó để xã hội thấy thật sự yên tâm với hệ thống ngân hàng TMCP. Như mọi người thường nói, cuộc cách mạng nào cũng có tổn thất, cuộc phẫu thuật nào cũng có đau đớn. Giờ thì sự lo lắng về một cú va đập đến tình hình nhân sự của lộ trình tái cơ cấu hệ thống đã gõ cửa từng ngân hàng. Thành công hay thất bại sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn sáng suốt của HĐQT và năng lực của các CEO được tuyển chọn. Mà thời điểm hiện tại, chỉ cần sai một ly cũng có thể đi xa nhiều dặm…

Hữu Tùng