Tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu

Nhiệm vụ không được phép thất bại

11:00 | 16/04/2020

20,506 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật luôn phải tuân thủ “cuộc chơi” do nhà cung cấp bản quyền đặt ra, đặc biệt là không được phép thất bại. Đó là những yêu cầu cực kỳ khắt khe đối với các nhà khoa học dầu khí.

Đầu tư lớn, lợi ích cao

Theo kinh nghiệm của thế giới, các hoạt động tiết giảm năng lượng có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhà máy khâu sau của ngành Dầu khí lên tới 10-20%. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp kỹ thuật đó cần có những khoản đầu tư lớn hàng chục triệu USD, thực hiện trong nhiều năm.

nhiem vu khong duoc phep that bai
Nhiệm vụ không được phép thất bại

Tại Việt Nam, Nhà máy Đạm Cà Mau đã liên tục thực hiện 8 giải pháp kỹ thuật như cải tạo hệ thống vòi phun tạo hạt, tối ưu hóa cụm nước khử khoáng, tối ưu hóa và nâng công suất Xưởng Ammonia... từ năm 2014 đến năm 2019. Mỗi giải pháp được thực hiện thành công đã thu lợi trực tiếp từ tiết giảm chi phí vận hành ít nhất là 7,48 tỉ đồng, nhiều nhất lên tới 80 tỉ đồng/năm. Tổng năng lượng để sản xuất 1 tấn phân đạm tại nhà máy giảm khoảng 3-7%. Theo ước tính của các nhà khoa học, chỉ cần giảm 1% năng lượng tiêu thụ sẽ đem lại hàng triệu USD lợi nhuận.

Một điều ít người biết là các giải pháp kỹ thuật này muốn đi vào thực hiện không hề đơn giản kiểu “thích thì làm” mà phải có kế hoạch đầu tư, tuân thủ đúng quy định của nhà cung cấp bản quyền.

Theo ông Tuấn Anh, Trưởng phòng Công nghệ Đạm Cà Mau, đội ngũ chuyên gia của nhà máy đã đề xuất 6 giải pháp nâng cao công nghệ nhà máy gồm: Thu hồi khí Vent tại cụm trung áp Xưởng Urea; áp dụng công nghệ Orc để phát điện; thu hồi dòng CO2 trong dòng Permeate Gas và Plash Gas; cải tạo hệ thống trao đổi nhiệt; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào... Các công trình này dự kiến được thực hiện trong tối thiểu 2 năm, có thể làm lợi cho Đạm Càu Mau hơn 110 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật đó đều phải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia của nhà cung cấp bản quyền, như: Haldor Topsoe (Đan Mạch), Snamprogetti (Italia), Toyo Engineering Corporation (Nhật Bản).

Không được phép thất bại

Vào dịp tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2019 của Tiểu ban Lọc hóa dầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa qua, tôi may mắn được đồng hành với chuyên gia Nguyễn Duy Hiếu của Đạm Phú Mỹ, người có trình độ khoa học cao, nhiều năm trăn trở, gắn bó với các nhà máy của PVN. Anh Hiếu khẳng định với tôi: Làm khoa học không phải cứ thông minh, sáng dạ là thành công, mà đó là cả một sự “chiến đấu” bền bỉ, quyết tâm cực kỳ cao độ trong một thời gian rất dài.

nhiem vu khong duoc phep that bai

Các chuyên gia và kỹ sư có nhiều giải pháp kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả cao trong bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau năm 2019

Anh Hiếu cho tôi xem bản báo cáo khoa học của anh chỉ vỏn vẹn 2 trang đánh máy và giải thích: “Năm 2014, lãnh đạo Đạm Phú Mỹ “đặt hàng” anh em kỹ sư phải tiết kiệm 0,5-1% nhiên liệu sản xuất 1 tấn urê. Nhiệm vụ này không hề đơn giản, chỉ giảm 1% nhiên liệu sẽ giúp nhà máy tăng lợi nhuận hàng chục tỉ đồng. Bởi vậy, anh em chúng tôi làm ngày làm đêm và kết quả đạt được là tiết giảm nhiên liệu khá cao, năm 2016 giảm 4,8%, đến năm 2019 giảm tới 7%. Có thể khẳng định, Nhà máy Đạm Phú Mỹ nằm trong Top nhà máy vận hành tiết kiệm nhất trên thế giới”.

Kinh nghiệm anh Hiếu rút ra trong 10 năm vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ chỉ gói gọn trong mấy chữ: “Tiết kiệm từng giây”. Anh Hiếu bảo, một hệ thống vận hành đạt hiệu quả tối ưu là ở tính liên tục, ổn định, đầy tải. Bên cạnh các giải pháp tối ưu hóa dây chuyền công nghệ, quản lý tiêu hao năng lượng hiệu quả và cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ, thì bí quyết là phải rút ngắn thời gian ngừng máy nhất, luôn có phương án dự phòng để không làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống sản xuất khi xảy ra sự cố. Để làm được những điều đó là cả một sự phức tạp, đòi hỏi mỗi nhân sự phải có trách nhiệm, sự phối hợp nhuần nhuyễn và tập trung cao độ. Mỗi chuyên gia, nhóm vận hành phải có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng.

Tại cuộc họp của Tiểu ban Lọc hóa dầu, có một điều được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại trong các công trình khoa học là cần sự ủng hộ của lãnh đạo đơn vị, PVN. Dường như đây là một điều ngược lại với bản chất của người làm khoa học là luôn độc lập, chủ động, sáng tạo? Đem thắc mắc này hỏi anh Hiếu thì anh bật cười rung cả ghế, vỗ vai tôi một cái thật mạnh rồi bảo: “Nhà báo tinh ý đấy nhưng hiểu... sai bét. Thế này nhé, nhà máy nào lúc mới đi vào hoạt động sản xuất cũng khó khăn lắm. Đơn giản là chúng ta thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn lưu động, sản phẩm mới ra thị trường cũng khó bán được giá tốt. Vậy lấy tiền đâu mà nâng cấp với ứng dụng kỹ thuật? Thiết bị mới đều có giá cả triệu USD, để thu hồi vốn phải mất vài năm, đâu có nhanh. Vậy, nếu không có sự ủng hộ của lãnh đạo thì mọi ý tưởng sáng tạo đều là... trên giấy thôi”.

Tôi chợt nhớ tới những lời đầy tâm đắc của ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV PVN, khi nói về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật dầu khí: “Các nhân tố để thành công là sự đam mê, tính ứng dụng và sự ủng hộ của lãnh đạo. Các đơn vị, nhà máy của PVN phải luôn tập trung, dồn nguồn lực để liên tục nâng cao hiệu quả quản trị năng lượng, điều này không chỉ đem lại lợi nhuận cho các đơn vị mà còn là sự sống còn của PVN”.

Ngẫm lại những lời này mới thấm thía rằng, vận hành các nhà máy thuộc khâu sau của ngành Dầu khí sao cho hiệu quả nhất để vươn lên ngang tầm với các nhà máy khác trong khu vực, thế giới là việc mà chúng ta phải tự thân vận động. Chính vì vậy, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành Dầu khí nói chung, các nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến dầu khí nói riêng là “nhiệm vụ không được phép thất bại” mà hàng trăm nhà khoa học dầu khí đang ngày đêm miệt mài thực hiện.

Thành Công

DMCA.com Protection Status