Nhật Bản sắp tái khởi động điện hạt nhân

06:23 | 08/10/2017

2,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa ở Nhật Bản, có 2 tổ máy phát điện đã được tiến hành tất cả các kiểm tra an toàn cần thiết cho lần khởi động lại tiếp theo, theo quyết định của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (AEC) thông qua vào ngày 4/1/2017.
nhat ban sap tai khoi dong dien hat nhan
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa.

Tổ máy số 6 và số 7 của nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa với lò phản ứng ABWR được đưa vào hoạt động từ năm 1996 và 1997.

Với kết quả kiểm tra, các tổ máy này được cấp giấy chứng nhận đáp ứng các yêu cầu an toàn cao mới, kể cả trong trường hợp thiên tai.

Việc kiểm tra và cấp chứng nhận này là trường hợp đầu tiên sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 hồi tháng 3/2011, khi các lò phản ứng hạt nhân thuộc sở hữu của Công ty điều hành Tokyo Electric Power (TEPCO) cũng đã được kiểm tra như vậy.

Tuy nhiên, triển vọng cho việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa vẫn còn chưa chắc chắn. Sở dĩ như vậy là do sau khi trở thành Thống đốc hạt Niigata vào năm 2016, ông R. Oneyama đã tích cực phản đối việc nối lại hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Và giờ đây, ông R. Oneyama có cho phép khởi động lại nhà máy điện hạt nhân hay không là điều mà dư luận và giới chuyên môn rất quan tâm.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa nằm ở hạt Niigata trên bờ biển phía Tây của đảo Honshu, gồm có 7 lò phản ứng hạt nhân, trong đó 5 lò phản ứng BWR-5 công suất 1.100 MW và 2 lò ABWR công suất 1356 MW.

Ngày 16/7/2007 đã xảy ra một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter khiến chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với nhà máy Kashiwazaki - Kariwa, sau đó các lò phản ứng đã bị chặn hoạt động.

Vào đầu tháng 5/2009, sau một loạt các hoạt động khôi phục và xây dựng công trình nhằm mục đích cải thiện khả năng chống động đất của nhà máy điện hạt nhân, tổ máy số 7 ít bị tổn thương nhất đã được đưa vào chế độ tái hoạt động thử nghiệm. Vào tháng 8/2009, tổ máy số 6 được tái hoạt động, trong tháng 5/2010 thì đến lượt tổ máy số 1 tái hoạt động.

Nhưng sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1, nhà máy Kashiwazaki - Kariwa lại phải dừng hoạt động một lần nữa.

Mặc dù tâm trạng chung của xã hội Nhật Bản là không đồng tình với nhà máy điện hạt nhân, đất nước này vẫn không thể từ bỏ điện hạt nhân. Nếu từ bỏ điện hạt nhân, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính mà Nhật Bản đã cam kết thực hiện theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Không có điện hạt nhân cũng có thể dẫn tới việc tăng giá điện từ các nguồn khác, sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước khi xảy ra vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 vào tháng 3/2011, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% trong cán cân năng lượng của Nhật Bản.

Do các nhà máy điện hạt nhân bị tạm thời ngưng hoạt động, Nhật Bản đã phải chuyển gánh nặng chính (trong cung cấp điện) sang cho các nhà máy nhiệt điện, tăng nhập khẩu than, và điều đó cũng có nghĩa tăng phát thải khí nhà kính.

Hiện tại, Nhật Bản có 5 lò phản ứng tại 3 nhà máy điện hạt nhân: lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Ikat, hai lò số 1 và 2 của nhà máy điện hạt nhân Sendai, lò số 3 và 4 tại nhà máy điện hạt nhân Takahama.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng trong tương lai gần sẽ tiếp tục tái khởi động một phần các nhà máy điện hạt nhân. Vào năm 2019, 19 lò phản ứng có thể được khởi động lại.

Bá Thủy

RT

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc