Nhập khẩu công nghệ về làm… rác?!

23:29 | 06/07/2012

1,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
3 năm trở lại đây, các mặt hàng như ôtô, điện thoại di động, đồ điện tử luôn chiếm tỉ trọng nhập siêu cao nhất. Nhưng chúng cũng là những mặt hàng nhanh chóng lỗi thời và trở thành… rác khi người Việt Nam thích “chạy đua” theo các sản phẩm công nghệ liên tục phát triển của thế giới.

Hiện nay, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, nhu cầu về mua sắm thiết bị điện, điện tử đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động… ngày càng cao. Thậm chí, người tiêu dùng Việt Nam còn được tiếng “xài sang” khi bất cứ loại “siêu xe” đời mới, hay một chiếc điện thoại di động thông minh, máy tính bảng vừa ra lò trên thế giới đã ngay lập tức xuất hiện tại nước ta. Tuy nhiên, chính tâm lí chạy theo mốt và thói quen tiêu dùng xa xỉ này đã biến Việt Nam trở thành một bãi rác của công nghệ.

Bãi đáp của công nghệ lạc hậu

Từ 3 năm trở lại đây, các mặt hàng như ôtô, điện thoại di động, đồ điện tử luôn chiếm tỉ trọng nhập siêu cao nhất. Nhưng chúng cũng là những mặt hàng nhanh chóng lỗi thời và trở thành… rác khi người Việt Nam thích “chạy đua” theo các sản phẩm công nghệ liên tục phát triển của thế giới. Ngoài ra, nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn bất chấp tất cả các quy định để nhập rác thải điện tử, công nghiệp. Chính vì vậy, lượng rác thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm đều tăng lên nhanh chóng.

Các chính sách phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 đều hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển về công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là những ngành sản xuất “non trẻ”. Trong đó, công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn chủ yếu phải nhập khẩu công nghệ, nhập khẩu linh kiện, lắp ráp các mặt hàng, thiết bị điện tử công nghiệp và tiêu dùng.

Tuy nhiên, thay vì ủng hộ nền công nghệ nội, không ít người tiêu dùng Việt Nam lại có xu hướng chạy theo sản phẩm công nghệ trên thế giới. Bằng chứng là những sản phẩm công nghệ cao như máy tính bảng, điện thoại cảm ứng ngay sau khi ra mắt trên thị trường thế giới đã xuất hiện rầm rộ trên các trang rao bán đồ điện tử theo kiểu “xách tay” hoặc các doanh nghiệp viễn thông trong nước cũng nhanh chóng nhập về để chiều lòng những “thượng đế” xa xỉ.

Nhiều người bỏ ra hàng chục triệu để mua một chiếc điện thoại đời mới nhưng chỉ sử dụng đa phần tính năng cơ bản là “nghe, gọi”, hầu hết các tính năng cao cấp hơn đều không biết sử dụng hoặc khó sử dụng tại Việt Nam. Từ tâm lý của cá nhân đến tâm lý của các doanh nghiệp viễn thông cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp viễn thông bỏ ra cả núi tiền nhập thiết bị và xây dựng hạ tầng công nghệ, bên cạnh đó là thiết bị đầu cuối không hề rẻ rúng…

Nhưng sau khi đưa về Việt Nam những công nghệ này nhanh chóng lỗi thời hoặc không thu hút được đa phần người sử dụng và chấp nhận “cái chết”. Kết quả là công nghệ và hạ tầng công nghệ, cùng với hàng ngàn thiết bị đầu cuối đã bị biến thành… rác.

Tốc độ “xả rác” kinh hoàng nhất vẫn thuộc về ngành viễn thông. Điển hình là các loại công nghệ GPRS, CDMA… Gần đây nhất, khi các nhà mạng ồ ạt tung ra các gói cước 3G khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng và xây dựng hàng loạt các thiết bị hạ tầng 3G thì cũng là lúc thế giới chuyển sang sử dụng công nghệ 4G. Một cuộc chạy đua “ngầm” lại diễn ra giữa các nhà mạng khi họ nhanh chóng công bố các đề án thử nghiệm mạng 4G. Sau khi 3G lỗi thời, không hiểu sẽ có bao nhiêu thiết bị điện tử bị biến thành… rác.

Đa phần những mặt hàng điện tử gia dụng giá rẻ đều có xuất xứ từ Trung Quốc nên thường không bền và nhanh hỏng. Khi đó, những sản phẩm kiểu này bị biến thành rác thải và sự lãng phí trong tiêu dùng đã đẩy Việt Nam đến gần hơn cái đích bãi thải rác công nghệ.

Vài năm gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện hàng nghìn chiếc container nhập chất thải như thùng đựng hóa chất, nhập linh kiện điện tử cũ, ắc quy chì phế thải, vi mạch điện tử… Lực lượng hải quan thiếu trang thiết bị hiện đại để soi và phát hiện hàng vi phạm ngay trên tàu vận chuyển nên khi đã đưa container vào kho thì khó tái xuất được nữa.

Rác thải điện tử bị bỏ qua

Rác thải công nghệ chứa rất nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, mọi quá trình xử lý loại rác này đềy rất thủ công và các văn bản pháp luật về xử lý rác điện tử chưa được ban hành.

Ông Trần Quang Hùng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, các thiết bị điện tử chứa rất nhiều chất gây hại cho sức khỏe con người. Chẳng hạn, trong mạch in có tới 15 loại hóa chất như đồng, chì, sắt, niken, kẽm, sợi thủy tinh (2 hóa chất nguy hiểm nhất là chì và cadmium); pin, ắc quy, ống đèn hình trong monitor hoặc tivi đời cổ cũng có 2 chất rất nguy hiểm là cadmium và ôxit chì; các loại công tắc, màn hình phẳng thì chứa thủy ngân; trong tụ điện, biến thế có PBB và PBDE là 2 chất cực độc; vỏ máy nhựa, chất cách điện trong dây cáp cũng gây tác hại khi phân hủy…

Sáu loại chất cực độc có thể gây ra những căn bệnh nan y cho con người. Cụ thể, chì tác động đến hệ thần kinh, cơ quan tạo ra máu, ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ của trẻ em thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị này; thủy ngân tác động đến da và chức năng sinh sản; Cadmium gây hại gan, thận, làm mềm xương, gây ung thư phổi; crom 6 gây bệnh lở loét, thậm chí là ung thư da; PBB ảnh hưởng tới hệ thần kinh và suy giảm trí nhớ của con người; PBDE gây rối loạn hormon (tương tự độc tính có trong chất độc da cam), sinh ra những dị tật.

Nhập khẩu hàng công nghệ cũ từ nước ngoài, về làm rác...!

Theo ông Hùng, “bản thân rác thải điện tử không độc hại nhưng sẽ gây hại cho con người và môi trường khi bị xử lý, tháo dỡ, tái chế không đúng cách”. Thống kê của một tổ chức quốc tế cũng cho biết trung bình mỗi năm 1 người Việt thải ra 1kg rác thải điện tử, nếu nhân với 90 triệu dân thì tổng lượng rác điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Trong 10-15 năm tới, con số này sẽ đạt tới 7-8kg/năm khi các sản phẩm công nghệ của thế giới càng ngày càng phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Vụ phó Vụ Công nghệ Thông tin cho biết, có những làng nghề ở Bắc Ninh chuyên xử lý rác thải điện tử với qu mô lớn, nhiều hộ gia đình giàu có nhanh chóng nhờ việc phân kim, tái chế rác. Tuy nhiên, họ lại đổ hoàn toàn các loại rác thải sau phân kim ra ngoài môi trường hoặc xử lý bằng những hệ thống rất thô sơ dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chú trọng đến lĩnh vực quản lý rác thải điện tử. Liên quan đến rác thải điện tử, ở Việt Nam, đến nay chỉ có Thông tư số 30/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương “Quy định tạm thời về hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử”. Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm thải bỏ”.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các cơ chế, cam kết về tài chính để đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng “CNTT xanh” trong các ngành công nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất cần tuân thủ các văn bản pháp luật về môi trường, ứng dụng các biện pháp sản xuất sạch, các giải pháp bảo toàn và sử dụng năng lượng; sử dụng các công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường. Hơn hết, từng người dân cần thay đổi thói quen khi lựa chọn sản phẩm và dịch vụ, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có thể tái chế…

Phan Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc