Nhân lên đà tăng trưởng

17:40 | 02/01/2018

519 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 10 năm phấn đấu liên tục, kinh tế nước ta đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đề ra.

Đó là tin vui, tạo nên niềm tin tưởng và động lực mới để các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế của cả nước tiếp tục phấn đấu, duy trì và nhân lên thành tựu đáng tự hào này. Thực hiện được mục tiêu đó, cần có sự nỗ lực không ngừng, chống tư tưởng chủ quan, tự mãn.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, GDP cả năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Quy mô nền kinh tế đạt trên 5 triệu tỉ đồng, GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385USD, tăng 170USD so với năm 2016.

nhan len da tang truong

Đóng góp chủ yếu vào mức tăng 6,81% là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi, tăng 2,9% (cao hơn mức 1,36% năm 2016), góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ 7,44% góp 2,87 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung nền kinh tế

Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 213,77 tỉ USD, tăng 21,1% so với năm trước, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, khi cả nước có khoảng 120.000 doanh nghiệp ra đời với số vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỉ đồng.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của năm 2017 khi đạt gần 36 tỉ USD và vốn thực hiện 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao GDP năm nay lại đạt kết quả ngoạn mục như vậy? Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã trả lời: Đó là kết quả của quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy tích cực vai trò Nhà nước kiến tạo. Các con số biết nói này cũng cho thấy, Chính phủ đã huy động nguồn lực trong khu vực tư nhân vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Một yếu tố khác là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung 9,4% toàn ngành công nghiệp. Dù nền kinh tế còn phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu của nước ngoài, do nhập khẩu hơn 91% tư liệu sản xuất, song vẫn xuất siêu 2,1 tỉ USD nhờ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, GDP nước ta năm nay tăng cao là nhờ khu vực kinh tế tư nhân là chính. Bởi vì vốn giải ngân của Nhà nước năm 2017 không đạt chỉ tiêu, không giải ngân hết nên đầu tư Nhà nước bị hụt. Tuy nhiên, GDP lại tăng trưởng mạnh, xuất nhập khẩu lên đến 400 tỉ USD, nên điều này chắc chắn đến từ kinh tế tư nhân. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, trong năm qua, kinh tế tư nhân đã đóng góp 42,9% tỷ trọng nền kinh tế, tăng thêm 4% so với năm ngoái. Cho nên, đây cũng là điều ấn tượng nhất của khu vực kinh tế tư nhân trong năm qua.

Trên cơ sở thực tiễn vừa qua, các doanh nghiệp tư nhân đã đề ra mục tiêu phấn đấu: trong thời gian tới sẽ đóng góp cao hơn cho nền kinh tế. Cụ thể, năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 đạt 55% và đến năm 2030 chiếm 60-65%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, năm 2018 nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là việc thích ứng cuộc cách mạng 4.0 và kéo gần khoảng cách năng suất lao động với các nước.

Để đạt mục tiêu năm 2018 GDP tăng 6,5-6,7%, lạm phát bình quân 4%, các giải pháp căn cơ vẫn được cơ quan thống kê khuyến cáo là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường kỷ luật tài chính...

Một số vấn đề cần quan tâm để có giải pháp giải quyết kịp thời như: những năm qua, Việt Nam phát triển dựa trên vốn đầu tư, giá công nhân rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên… Mô hình này được nhận định là không còn phù hợp nữa. Dự báo rằng, nguồn vốn vay với những điều kiện ưu đãi sẽ ít dần trong những năm tới. Và năng suất lao động của ta còn quá thấp, so sánh trong khối ASEAN thì chúng ta còn đứng sau cả Lào...

Song song với các giải pháp nêu trên, vấn đề siết chặt chi tiêu công, đầu tư dàn trải cũng cần được kiên quyết duy trì. Tiết kiệm là quốc sách vẫn không thể quên lãng. Những câu châm ngôn của các cụ dạy từ xa xưa vẫn phải thuộc nằm lòng: “Khoai lang bóc ngắn cắn dài” và “Miệng ăn, núi lở”. Kinh tế có tăng trưởng mấy nhưng chi tiêu lãng phí thì không bảo đảm nâng cao được đời sống bền vững.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc