Xung quanh vụ tòa báo ở Pháp bị khủng bố:

Nhận diện nhóm chủ mưu tấn công Charlie Hebdo

07:00 | 19/01/2015

1,646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen (AQPA) hôm 14/1 lên tiếng nhận trách nhiệm chủ mưu cuộc thảm sát tòa báo Charlie Hebdo ở Pháp hồi tuần trước. Lịch sử phát triển của AQPA cho thấy thất bại không chỉ của chính quyền trung ương Yemen, mà còn của cả phương Tây.

Nhận diện nhóm chủ mưu tấn công Charlie Hebdo

Nasr al-Ansi, chỉ huy al-Qaida tại bán đảo Arập, nhận trách nhiệm tấn công tờ báo Charlie Hebdo

Al-Qaeda nhận trách nhiệm

Cuộc tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp ngày 7/1 là để báo thù việc tờ tuần báo này đăng hình hí họa về Nhà tiên tri Mohammed, điều bị coi là sỉ nhục người theo Hồi giáo. Điều này được đưa ra trong một đoạn video do Nasr al-Ansi, một chỉ huy cao cấp của Al-Qaeda tại Yemen (AQAP) đưa ra trên trang Twitter của nhóm. Video này là lời xác nhận chính thức về cuộc tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, dù rằng một thành viên khác của AQAP hôm 16/1 đã xác nhận với báo chí rằng họ chỉ huy cuộc tấn công.

Trong đoạn video dài 11 phút, al-Ansi nói rằng AQAP “chọn mục tiêu, chuẩn bị phương cách và tài trợ cuộc tấn công” nhắm vào tờ tuần báo, dù rằng không đưa ra bằng chứng rõ rệt nào.

Al-Ansi cũng cho hay lệnh thi hành cuộc tấn công do người lãnh đạo tổ chức al-Qaeda là Ayman al-Zawahri đưa ra. Al-Zawhari là kẻ lên thay thế sau khi Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ hạ sát.

Washington coi AQAP là một trong những nhánh nguy hiểm nhất của al-Qaeda. AQAP từng tổ chức nhiều cuộc tấn công bất thành vào mục tiêu ở Mỹ. Những cuộc tấn công này gồm có vụ đưa một tay khủng bố mang chất nổ giấu trong quần lót, lên phi cơ bay về Detroit năm 2009. Một vụ khác trong năm 2010 liên quan đến việc giấu chất nổ vào các ống mực dùng trong máy in lên máy bay tới Mỹ.

AQAP là ai?

Yemen, 26 triệu dân, nằm ở cực nam bán đảo Arập. Nước này từng được mệnh danh “vùng đất Arập hạnh phúc” chính là nơi AQPA đã phát triển và trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất của tổ chức Al-Qaeda trong vài năm gần đây.

Trước khi thống nhất hai miền Nam Bắc vào năm 1990, Yemen-vùng đất cũ của đế chế Ottoman (giải thể năm 1962) - gồm hai quốc gia. Miền Bắc nằm dưới sự lãnh đạo của lực lượng Cộng hòa, được Ai Cập hỗ trợ. Miền Nam là thuộc địa của Anh cho đến năm 1967, rồi nằm dưới sự bảo trợ của Liên Xô. Cuộc thống nhất năm 1990 không mang lại được cho đất nước một sự hàn gắn vững chắc. Năm 1994, lực lượng ly khai miền Nam nổi dậy không thành, bị các nhóm quân sự miền Bắc, được các nhóm thánh chiến ủng hộ - trong đó có nhiều chiến binh trở về từ Afghanistan-đàn áp trong máu.

Chính quyền trung ương-dưới bàn tay sắt của nhà độc tài Saleh, cầm quyền từ 1978-với sự hậu thuẫn của tinh thần bộ lạc và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, đã biến vùng đất lành này thành một trong những quốc gia nghèo nhất của thế giới Arập, trong những năm 1990-2000.

Cuộc cách mạng năm 2011 trong phong trào Mùa Xuân Arập đã buộc Tổng thống Saleh phải rời khỏi quyền lực. Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Hadi đã không thể tạo được một sự đoàn kết dân tộc. Căng thẳng xã hội tại Yemen một phần bắt rễ trong sự phân hóa sâu sắc giữa hai cộng đồng chính: nhóm cư dân theo hệ phái Hồi giáo Sunni (chiếm 56% dân cư) và những người Zaydis-một nhánh ly khai khỏi hệ phái Shia (với 42%) dân số. Nhánh Zaydis ủng hộ cuộc nổi dậy của sắc tộc Houthi, chống lại chính quyền. Lực lượng này đã xâm chiếm thủ đô Sanaa mùa thu năm 2014. Sự liên kết của người Zaydis với sắc tộc miền cực bắc khiến căng thẳng giữa hai hệ phái Hồi giáo tại Yemen gia tăng trở lại. Đây là bối cảnh của sự nở rộ của chi nhánh AQPA của Al-Qaeda, được coi là “một trái bom nổ chậm tại miền nam bán đảo Arập”.

Vụ khủng bố tại Paris được coi là một hoạt động gây tiếng vang quốc tế lớn nhất của nhánh Al Qaeda bán đảo Arập. Sau cái chết của Bin Laden năm 2011, và các cuộc không kích dữ dội của Mỹ, rất nhiều người cho rằng lực lượng AQPA không còn đáng kể. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia, “với sự kiên nhẫn lớn và hoạt động có phương pháp, AQPA đã tái hồi phục sau mỗi lần bị tấn công, đa dạng hóa các mục tiêu, nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn”.

Trong những năm 1980, chính quyền Yemen dựa vào lực lượng thánh chiến để đàn áp các cuộc phản kháng trong nước, đặc biệt trong cuộc nội chiến đẫm máu chống lại phong trào ly khai miền Nam. Sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, chính quyền Yemen lựa chọn cộng tác hoàn toàn với Washington để chống khủng bố. Lực lượng thánh chiến tưởng như tuyệt diệt cho đến biến cố ngày 3/2/2006, với việc 26 can phạm lãnh đạo hàng đầu Al-Qaeda bất ngờ tẩu thoát khỏi nhà tù Yemen. Kể từ đó, trong bối cảnh chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, Al-Qaeda gia tăng tuyển mộ các thành viên cho cuộc thập tự chinh chống phương Tây.

Al-Qaeda đã lợi dụng không khí hỗn loạn chính trị trong “cuộc cách mạng 2011” để mở rộng ảnh hưởng. Hiện tại AQPA, một mặt tuyên bố trung thành với Al Qaeda, mặt khác kêu gọi liên minh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq. Theo giới quan sát, lịch sử phát triển của Al-Qaeda tại Yemen cho thấy thất bại không chỉ của chính quyền trung ương nước này, mà còn là thất bại của cả phương Tây.

Nh.Thạch

tổng hợp