Nhận diện điểm "nóng" tỷ giá

11:00 | 11/07/2013

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Diễn biến tỷ giá trong những ngày gần đây có nhiều diễn biến rất khó lường, tăng “nóng” có đáng lo ngại?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Không thấy áp lực lên tỷ giá.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, trước những diễn biến tích cực về tăng trưởng của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, các thành viên Chính phủ đã đánh giá rất cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ giá, thị trường tiền, ngoại hối. Và để tiếp đà tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đặt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến trên những thị trường này, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng…

Giới chuyên gia khi nói về tỷ giá đã nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà nền kinh tế đặt ra cho ngành ngân hàng và thực tế nó luôn chịu sức ép lớn từ cán cân thanh toán và lực cầu thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân xuất nhập khẩu.

Có thể thấy điều này qua con số sau: Trong tháng 5, nhập siêu của nước ta lên tới 1,9 tỉ USD và nếu tỷ giá được điều chỉnh thì chắc chắn, số tiền để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bỏ ra sẽ tằng. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá và cụ thể là thời điểm điều chỉnh tỷ giá sẽ có những tác động vô cùng lớn đến nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng.

Và đây chính là nguyên nhân khiến giới chuyên gia tỏ ra lo lắng trước những diễn biến tăng “nóng” của tỷ giá. Theo ghi nhận trên thị trường, giá USD hiện được các ngân hàng thương mại niêm yết ở mức 21.036 – 21.246 đồng/USD và mức giá này không thay đổi trong nhiều phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, trên thị trường tự do, mức giá này lại đang có xu hướng tăng mạnh, dao động quanh mức 21.830 đồng/USD, tăng khoảng 100 đồng/USD so với cuối tuần trước.

Với mức giá niêm yết như trên, giá USD trên thị trường tự do đang cao hơn giá USD niêm yết của các ngân hàng là 600 đồng/USD.

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, bên cạnh yếu tố là nhu cầu vàng nhập khẩu vẫn còn cao thì còn do yếu tố tâm lý của giới đầu tư. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu khi đưa bình luận về hiện tượng này đã thẳng thắn khẳng định là chưa thấy có tác động tích cực hay áp lực đáng kể nào lên tỷ giá USD.

Đưa quan điểm trước diễn biến tỷ giá những ngày gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định sẽ không nâng tỷ giá trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Diễn biến tỷ giá đang bị chi phối bởi yếu tố tâm lý.

Ông Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, cán cân thanh toán quốc tế diễn biến thuận lợi, nhập siêu chỉ ở mức 1,4 tỉ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong khi đó chỉ riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đã ở mức 5,7 tỉ USD, các nguồn thu ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư gián tiếp vẫn tiếp tục ở mức cao và dự kiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 thặng dư ở mức 5 tỉ USD. Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng và doanh số giao dịch với khách hàng cũng không có đột biến.

“Như vậy, có thể thấy diễn biến tỷ giá những ngày gần đây đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ, và có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ. Tất nhiên, không loại trừ khả năng một số đối tượng kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính” – ông Hưng nhấn mạnh.

Nói về chính sách điều hành tỷ giá thời gian tới, ông Hưng cho biết: Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 đã giao Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định mức biến động tỷ giá trong cả năm 2013 chỉ từ 2 – 3%. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.

Đối với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát nhằm kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường tiền tệ ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đối với điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, với quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước đang ở mức cao như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Thanh Ngọc