Nhà thơ Phạm Văn Đoan: Hồn quê giữa biển

09:06 | 24/11/2011

1,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi vẫn nghĩ tâm hồn của những người làm việc liên quan đến kỹ thuật máy móc thì thường… cứng. Tôi vẫn nghĩ, thơ của những người làm việc liên quan đến kỹ thuật máy móc thì… khô. Nhưng tôi đã nhầm…

Đâu rồi cái ngày mới gặp
Mây trôi bồng bềnh trên vai
Quên màu thời gian trên tóc
Hồn nhiên mãi tuổi hai mươi

(Hè về)

Tôi thích hình ảnh “Mây trôi bồng bềnh trên vai”. Tôi cũng thích nhạc tính nhẹ nhàng của bài thơ này. Nghe êm ái một nỗi buồn mênh mang… Tựa như gió thu. Tựa như tiếng thở dài khe khẽ… Người ngân lên những câu thơ nghe tình mà thật, thật mà tình đến lạ đó, khó có thể là người khô khan cứng nhắc. Đó hẳn phải là một người làm thơ chuyên nghiệp, viết bằng tay… phải và viết bằng trái tim. Thế nhưng tác giả của những câu thơ trôi như mây bồng bềnh trong lòng người đọc đó lại là dân kỹ thuật đích thực. Phạm Văn Đoan, trước khi về công tác trong ngành dầu khí, năm 1985, là bộ đội Trường Sơn, trong một đơn vị của đoàn 559 danh tiếng.

Nhà thơ Phạm Văn Đoan

Một người lính vừa rũ bụi chiến chinh, lại xông vào một trận chiến khác, không ác liệt sinh tử nhưng cũng là đầu sóng ngọn gió, là mồ hôi nước mắt. Xưa bao quanh bởi rừng. Nay sống chung với biển. Có lẽ, môi trường sống đặc thù cộng với tâm hồn thi sĩ bẩm sinh đã làm nên một Phạm Văn Đoan, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chăng? Tôi biết, trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, lại ở chuyên ngành thơ là việc không dễ dàng. Thơ xưa nay kén người viết, càng kén người đọc. Để được thừa nhận, nhất là bạn thơ thừa nhận vốn dĩ là thử thách không nhỏ. Nói thế để thấy, làm nên “sự nghiệp” tay trái này của anh hiển nhiên không thể thiếu một bản năng thi sĩ.

Ngược dòng thời gian, nhớ lại, Phạm Văn Đoan xuất thân từ quê lúa Thái Bình. Thêm một “lợi thế”. Làng quê dân dã bình yên. Chiến tranh cực cùng khốc liệt. Nghề nghiệp sóng gió liên miên. Hồn thơ trầm tích sâu lắng. Ở giữa các thái cực đan xen, nên thơ của Phạm Văn Đoan cũng là những mảng màu đối lập. Khi khắc khoải xót xa:

Ta sinh ra từ khói bom lửa đạn
Cho công lý, hòa bình, cho độc lập, tự do
Máu chảy xương rơi nào có tiếc gì
Để bây giờ nhìn lại
Bãi chiến trường xưa loang một màu cỏ dai
Những loài cỏ thời đạn bom không thấy

(Lời tâm sự của tấm huy chương)

Hay nghiệt ngã đến đau xót:

Giờ rượu thì sẵn đấy
Mà người xa cứ xa
Lại có lúc thật lãng mạn dịu dàng:
Còn nguyên đấy một con đò
Còn nguyên đấy một bến bờ đợi mong
Còn nguyên đấy một dòng sông
Còn nguyên đấy một nỗi lòng bâng quơ

Hỏi nhà thơ vì sao làm thơ, có lẽ là một câu hỏi vô nghĩa. Nhưng với Phạm Văn Đoan, anh lại có cách trả lời thật dí dỏm:

Vương vào sợi nắng sợi gió
Đọng thành phấp phỏng tim tôi

Hóa ra là vậy! Cứ ngẫu nhiên vậy thôi. Như nắng như gió. Như sự run rẩy của số phận! Số phận “bắt” trái tim của một người làm công tác kỹ thuật, quanh năm mồ hôi trộn lẫn mùi dầu phải lên tiếng. Thành thơ.

Trời xuân phơi phới hong tơ
Cô hàng xóm quẩy đôi vò rượu xuân
Vợ vừa xa, rượu đang gần
Ước gì bí tỉ một lần rồi thôi

Một bài lục bát xinh xẻo, ý nhị. Tôi đồ rằng, đó là lúc Phạm Văn Đoan sống thật với lòng mình nhất, thật với bản ngã đàn ông của mình nhất. Rượu ngon, người thì hơ hớ xuân tình thế kia? Không động lòng mới là lạ. Nhưng lãng tử thi sĩ trong con người kỹ thuật Phạm Văn Đoan dường như cũng còn biết… thẹn. Nên chỉ dám “thèm lén” thế thôi. Ước gì bí tỉ một lần… Ai chẳng ước vậy? Ai chẳng muốn có lần say rượu say em quên nghiêng cả đất trời. Nhưng, đời còn có nghĩa vụ có trách nhiệm có phận sự có những… nguyên tắc. Nên thèm vừa lén dâng lên đã nghe có chút nuối tiếc chừng mực vậy đó. Ước gì… rồi thôi!

Trong những tác phẩm đã ra mắt, trong ba tập thơ đã trình làng, không thể không nhắc tới một mảng đề tài khá sâu đậm. Đó là một đời sống lao động đặc thù khó trộn lẫn trên sóng biển dưới ánh sao đêm. Phạm Văn Đoan là người của ngành dầu khí, chuyện anh cùng nhà thơ Phạm Duy ra tận giàn khoan để đọc thơ, nói chuyện thơ với cán bộ công nhân viên nghe, đã thành cơm bữa. Có đôi khi, biết lãnh đạo Tập đoàn dầu khí rất coi trọng việc phát triển phong trào văn hóa văn nghệ trong toàn ngành, tôi cũng đã từng thắc mắc: có cần thiết phải “tốn kém” thế không? Công nhân thì cần nhất thiếu nhất vẫn là tài chính, là mưu sinh là cơm áo gạo tiền. Sau đọc thơ Phạm Văn Đoan và những nhà thơ dầu khí khác, nghe những nhạc phẩm của các nhạc sĩ dầu khí khác, chợt hiểu. Không phải đó là một cách để an ủi vỗ vễ, để khỏa lấp nỗi cô đơn giữa mênh mông biển cả. Mà cái chính, sâu thẳm tâm hồn của người dầu khí đã là những tâm hồn biển cả, tâm hồn thi ca. Làm thơ viết nhạc, hay làm một thính giả độc giả của thơ nhạc, là một nhu cầu tự thân.Và đó, chính là đất diễn của những cây bút như Phạm Văn Đoan. Thơ là tiếng lòng tìm đến với tiếng lòng. Xuất phát tự trái tim, nhưng nếu được những trái tim khác đón nhận thì sẽ càng thăng hoa, càng bay bổng.

Thơ của Phạm Văn Đoan viết về dầu khí cũng thế. Thực sự thoát khỏi những ám ảnh của máy móc, của gió bụi.

Đêm ở đây dài thế
Ngày ở đây mênh mông
Chiều buông lòng duễnh doãng
Giữa biển rộng trời xanh

Một chữ duễnh doãng nghe thật lạ! Mà diễn tả được một cung bậc tâm hồn của người dầu khí. Nửa yêu mến biển khơi. Nửa chơi vơi đất liền.

… Anh đang ở đây và xin nói thật
Đảo thép như hoang
Toàn cánh mày râu
Gió và nước dẫu lùa vào nhau gào thét
Chẳng làm mỏi mòn khỏi sợi nhớ mong manh
Sắt và thép dẫu giằng ngang cột dọc
Cũng không giam nổi tiếng lòng anh

Thông thường, thơ hay nhạc viết về một ngành nghề nào đó, khó có thể tránh được những lối mòn, hay sự khiên cưỡng. Nhưng đọc thơ của Phạm Văn Đoan, không sao tìm được trong đó sự gượng ép, lên gân hay là mục đích cổ súy tuyên truyền. Chỉ thấy trong đó tiếng lòng chân thành của một nhà thơ. Một nhà thơ viết hoa, biết đập nhịp đập với cuộc đời dẫu bão giông dẫu gió gào dẫu nắng lửa mưa dầm… Một nhà thơ biết yêu niềm vui của đồng nghiệp, biết buồn nỗi buồn của đồng nghiệp. Và hơn hết, biết gọi lên từ đáy thẳm sâu trái tim mình những ca từ rất thơ, giàu hình ảnh và ăm ắp nhạc điệu.

Như hình ảnh một cánh đồng quê bất tận khe khẽ rì rào ca hát khi có gió lùa qua. Giữa ầm ào sóng biển, vẫn có một dòng chảy êm ả mà nên thơ, như thế, Phạm Văn Đoan! Giữa ầm ào sóng biển, vẫn có một hồn thơ như thế, Phạm Văn Đoan.

Thái Linh