Nhà ở xã hội: Năm mới, kỳ vọng mới

22:27 | 22/01/2012

343 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2011, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã trải qua một năm đầy biến động thách thức, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội. Bước sang năm 2012, mặc dù được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với các đơn vị ngành xây dựng nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Năm 2012, toàn ngành xây dựng phấn đấu xây dựng 1,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị.

Được biết, trong năm 2012, ngành Xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 19,4m2 sàn/người (tăng 1,1m2 so với năm 2011), hỗ trợ nhà ở cho 66 nghìn hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn. Cụ thể: tại đô thị, ngành Xây dựng phấn đấu đạt đạt khoảng 22,6m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 17,4m2 sàn/người. Đồng thời, ngành cũng phấn đấu đạt tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 78% (tăng 1% so với năm 2011). Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 83,5% (tăng 0,5% so với năm 2011). Phấn đấu sản lượng xi măng đạt khoảng 60-61 triệu tấn.

Năm 2012, người dân đang chờ đợi sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai.

Và để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Toàn ngành Xây dựng cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó tập trung hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định về giấy phép xây dựng, Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư cũ; Nghị định về phát triển nhà ở cho thuê… Hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng; đổi mới hệ thống định mức, đơn giá và suất vốn đầu tư xây dựng công trình phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển.

Hai là, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương, bao gồm: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng vừa đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng, hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng. Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng theo chủ trương của Chính phủ.

Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển đô thị; tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng phát triển bị động, tự phát và thiếu bền vững. Theo đó, cần thống nhất công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị từ Trung ương đến địa phương; tăng cường vai trò, chức năng của Bộ Xây dựng trong việc kiểm tra, kiểm soát đối với công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng như việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án phát triển đô thị, đặc biệt tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…).

Bốn là, đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội; tăng cường quản lý thị trường BĐS, Theo đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; xây dựng các Đề án, văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách cụ thể đối với từng nhóm đối tượng được xác định trong Chiến lược (Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Năm 2012, ngành Xây dựng phấn đấu xây dựng 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Năm là, tháo gỡ các khó khăn cho DN, tập trung nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các DN xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy vai trò chủ đạo của DNNN. Đối với các DN xây dựng, cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt năng lực về tài chính, công nghệ, nhân lực và trình độ quản trị; nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, bảo đảm sản phẩm của mình làm ra phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình, tránh thất thoát lãng phí trong xây dựng. Đối với các DNNN phải thực hiện tái cơ cấu DN; chọn đúng ngành nghề truyền thống, có lợi thế, nâng cao năng lực xây lắp, tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa; chú trọng nâng cao năng lực về vốn, công nghệ và quản trị; kiện toàn đội ngũ nhân lực và chuyên nghiệp hóa để nâng cao sức cạnh tranh.

Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức hoạt động, cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp theo hình thức đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí. Tăng cường tính tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, có tích luỹ để phát triển đối với các đơn vị có thu. Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đào tạo lại, phát triển lực lượng xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng và toàn xã hội; tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 sau khi được phê duyệt, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Bảy là, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và thông tin truyền thông. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế thế giới theo lộ trình của Chính phủ và của Ngành. Tạo điều kiện cho các DN xây dựng Việt Nam mở rộng, tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua các triển lãm, hội nghị, hội thảo quốc tế, tham quan khảo sát ở nước ngoài.

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc