Nhà máy Điện Fukushima hiện nay ra sao?

08:00 | 17/03/2018

2,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
7 năm sau thảm họa sóng thần ập vào nước Nhật tháng 3-2011, công việc tháo dỡ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn đang tiếp tục được tiến hành và trong năm nay, quá trình này đã bước vào giai đoạn quan trọng, bắt đầu loại bỏ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại một trong các lò phản ứng.

Lần đầu tiên loại bỏ thanh nhiên liệu

Lõi của các lò phản ứng hạt nhân từ số 1 đến số 3 đã bị tan chảy vào thời điểm xảy ra tai nạn và luôn cần phải được làm lạnh liên tục. Nhà khai thác Tepco đang không ngừng cố gắng xác định vị trí của phần nhiên liệu bị nóng chảy này cùng với phần sót lại của nó đang bị phân tán trong các lò phản ứng. Sau khi tìm được, họ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lấy số nhiên liệu đó ra khỏi lò.

nha may dien fukushima hien nay ra sao
Ảnh chụp Nhà máy Điện Fukushima ngày 10-3-2018

Nhưng công ty này đã tuyên bố, họ có thể bắt đầu việc lấy nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng số 3 vào giữa năm 2018. Cuối tháng 2-2018, họ đã xây dựng một mái che phía trên hồ chứa, để tránh việc rò rỉ chất phóng xạ trong khi xử lý các phần nhiên liệu còn lại trong lò phản ứng.

Trong quá trình tháo dỡ nhà máy, việc xử lý này rất mất thời gian và đặc biệt đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Vì vậy, cần 30-40 năm để hoàn thành xong công việc này. Theo dự kiến, phải đến tận năm 2023 mới hoàn thành việc tháo dỡ lò phản ứng số 1 và số 2.

Hiện nay, người ta phải dùng tới các robot điều khiển từ xa để tiến hành việc loại bỏ các đống đổ nát và quan sát bên trong các lò phản ứng.

Do phần lõi của lò phản ứng số 4 không bị tan rã, nên việc loại bỏ nhiên liệu còn sót lại trong hồ chứa này đã hoàn thành xong vào cuối năm 2014. Lò phản ứng số 5 và số 6 không bị ảnh hưởng gì nhiều sau thảm họa, nên cũng không gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết vấn đề về nguồn nước bị ô nhiễm

Một lượng nước khổng lồ đã được sử dụng để làm nguội các lò phản ứng, đó là còn chưa tính đến lượng nước mưa rơi xuống khu vực nhà máy đã bị nhiễm phóng xạ. Nên hiện nay, tổng cộng có khoảng 1 triệu m3 nước đang được tích trữ tại khu vực này, chủ yếu là trong 1 nghìn thùng chứa và khối lượng nước này đang tăng lên mỗi ngày.

nha may dien fukushima hien nay ra sao
Vào ngày 31-1-2018, đội ngũ nhân viên của Công ty Tepco đã tiến hành việc tháo bỏ các lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima, 7 năm sau vụ tai nạn

Theo ông Naohiro Masuda, người chịu trách nhiệm việc tháo dỡ nhà máy, Công ty Tepco đã thành công trong việc giảm nhịp độ tăng khối lượng nước bị nhiễm phóng xạ xuống 4 lần “khoảng 100 tấn/ngày”.

Từ giữa năm 2017, một bức tường băng đã được xây dựng bao quanh nhà máy để tránh cho các nguồn nước chung quanh không bị nhiễm phóng xạ khi tiếp xúc với các thiết bị trong nhà máy. Để hạn chế việc rò rỉ các chất phóng xạ lan ra ngoài, một bức tường chống thấm cũng đã được xây dựng từ năm 2016 trên bờ biển, còn phần đất của nhà máy đã được bê tông hóa hoàn toàn.

Nước bị nhiễm phóng xạ đã được xử lý một phần nhưng hiện vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào để loại bỏ một trong các đồng vị phóng xạ là tritium. Theo kiến nghị do một số chuyên gia đề xuất, về sau người ta có thể đổ khối lượng nước nhiễm phóng xạ này ra biển.

Việc lưu trữ các chất thải rắn của nhà máy

Công ty Tepco dự kiến họ sẽ phải lưu trữ đến 750.000m3 chất thải rắn từ đây đến năm 2029, trong số đó có một phần là chất thải bị nhiễm phóng xạ, so với mức 350.000m3 theo dự trù của năm ngoái. Điều quan trọng là họ sẽ phải làm rõ đặc tính của từng loại rác thải rắn mà họ định lưu trữ vì thành phần và mức độ phóng xạ chứa trong đó sẽ rất khác nhau. 8 nhà kho dùng để tạm lưu trữ chất thải rắn đã được xây dựng xong và nhà kho thứ 9 cũng đã được khởi công xây dựng vào tháng trước. Các cơ sở lưu trữ khác hiện đang được lên kế hoạch.

Cải thiện các điều kiện làm việc của các công nhân tại nhà máy

Mỗi ngày có khoảng 6.000 người đang làm việc tại Nhà máy Fukushima, con số này đã giảm đi so với những năm trước. Theo Công ty Tepco, các điều kiện làm việc của hàng nghìn công nhân tại khu vực này đang dần được cải thiện tốt hơn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12-2017, có 58 công nhân đã bị nhiễm xạ ở mức 20 millisieverts (mSv), mức giới hạn cho phép hằng năm đối với những người làm việc trong các nhà máy hạt nhân, theo ước tính của công ty. Và trong khoảng thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, con số này là 216 người. Vì vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là, trong nhiều thập niên nữa, Công ty Tepco sẽ cần rất nhiều nhân viên có trình độ cao để làm việc tại nhà máy, nhưng với giới trẻ Nhật Bản hiện nay, đa số họ lại không muốn làm việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, theo lời khẳng định của ông Naohiro Masuda, nhu cầu về nhân công của Công ty Tepco vẫn “ổn định”.

Nhật Bản tưởng niệm 7 năm thảm họa hạt nhân, sóng thần

Ngày 11-3-2018, Nhật Bản kỷ niệm 7 năm xảy ra vụ động đất kinh hoàng kéo theo sóng thần và thảm họa hạt nhân khiến hàng nghìn người chết. Như mọi năm, buổi lể tưởng niệm được tổ chức tại thủ đô Tokyo, với sự tham gia của Thủ tướng Shinzo Abe, Hoàng tử Akishino, con út của Vua Akihito và Hoàng hậu Kiko, đại diện cho Hoàng gia Nhật Bản, cùng với những người sóng sót sau thiên tai. Người dân sống gần các khu vực bị ảnh hưởng của hai vụ thảm họa ở phía Bắc Nhật Bản cũng dành 1 phút để mặc niệm những nạn nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Shinzo nói: “Tôi xin gửi lời chia buồn tới những người đã bị mất đi người thân và bạn bè trong thảm họa”. Tổng cộng đã có 18.434 người thiệt mạng hoặc mất tích trong trận động đất với cường độ 9 độ Ritcher và trận sóng thần xảy ra 7 năm trước. Sau đó, có hơn 3.600 người, đa số là những người dân sống tại vùng Fukushima chết do bệnh tật và tự sát.

Đây được xem là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ sau vụ Tchernobyl ở Liên Xô năm 1986. Mặc dù, tai nạn hạt nhân xảy ra tại Nhà máy Fukushima không gây tử vong trực tiếp cho ai, nhưng nó đã khiến 73.000 người dân đang sống tại khu vực đó phải sơ tán đi nơi khác để tránh bị nhiễm phóng xạ.

Duy Hưng