Nhà khoa học nặng lòng với biển

06:47 | 24/04/2012

1,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đời thường, tôi vẫn hay gọi ông là “Gấu Trúc dịu dàng” mà chẳng bao giờ thấy ông phật ý. Chỉ cười hiền khô. Phó viện trưởng Viện Hải dương học Việt Nam Võ Sĩ Tuấn sở hữu một dáng người cao lớn, nhưng tác phong làm việc, cung cách nói chuyện thì vô cùng thân thiện, phóng khoáng và gần gũi.

Câu chuyện về biển với PGS. TS Võ Sĩ Tuấn dường như là một đề tài bất tận. Dọc theo những con đường xanh mát bóng cây, dọc theo các khu trưng bày mẫu sinh vật biển nằm trong khuôn viên của Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa), TS Tuấn chỉ nói về một thứ: đại dương, nhất là về san hô, chuyên ngành mà ông đã đeo đuổi nghiên cứu gần trọn một đời người. Điều bất ngờ là, Võ Sĩ Tuấn không phải ngay từ đầu đã chọn công việc này, cơ quan này để lập chí lập nghiệp.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học Việt Nam

Quê bố Bình Định, quê mẹ Hà Tĩnh, dòng Ngàn Phố của thi ca, với một thời bé con tránh bom sơ tán ngay trong những cánh rừng quê ngoại, cũng là con sông đã nuôi lớn trong tâm hồn thơ trẻ của Võ Sĩ Tuấn những ước mơ bay bổng, lẫn khả năng thích ứng cao để đến khi nhập thế, dù tự bản thân quyết định hay do số phận tình cờ đưa đẩy thì anh cũng đã đi và đi đến tận cùng lối rẽ đó của cuộc đời mình.

Học chuyên văn (Trường Năng khiếu Hà Tĩnh), những tưởng, Võ Sĩ Tuấn sẽ đi theo nghiệp văn chương, nhưng lúc thi đại học, tình cờ thế nào lại được chọn vào học ngành sinh học (Đại học Tổng hợp Hà Nội), tốt nghiệp, run rủi thế nào lại vào tít tận Nha Trang công tác (Viện Hải dương học Việt Nam) rồi ở lại đó cho đến tận bây giờ.

Hồn nhiên như cỏ cây bên bờ sông Ngàn Phố, Võ Sĩ Tuấn chẳng mấy mảy may tính toán thiệt hơn khi chọn nghề lập nghiệp. Âu cũng là bởi nghề đã chọn ông. Chọn một nhà khoa học có lối sống giản dị chân tình trong đời thường, nhưng cực kỳ nghiêm túc khắt khe trong nghiên cứu khoa học.

Khéo dung hòa công việc với tình yêu thiên nhiên đã cháy bỏng trong ông từ những ngày ăn nắng thở gió ở Hà Tĩnh nên càng ngày ông càng thấy gắn bó với nghề nghiệp của mình hơn. Có gắn bó, có niềm say mê, tự khắc thành công cũng sẽ đến, dù công việc đòi hỏi phải đêm hôm vất vả, rồi cả những chuyến thực địa triền miên khắp dọc dài đất nước, như ông lý giải.

San hô ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tận diệt

Một thế giới đầy màu sắc và sống động dưới đáy đại dương, cho dù không phải là lựa chọn ban đầu của cậu học trò chuyên văn Trường năng khiếu Hà Tĩnh nhưng lại đã gắn bó với ông gần trọn cuộc đời. Sau mấy chục năm công tác ở Viện Hải dương học, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao như: Tìm hiểu rạn san hô và rừng ngập mặn, Rạn san hô ở Côn Đảo, Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam, Giám sát rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam… Và khoảng hơn 60 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực sinh thái rạn san hô, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sinh vật, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển…

Khiêm tốn cho rằng bản thân mình chẳng có gì đặc biệt, nhưng những lát cắt của quãng đời cống hiến cho ngành hải dương học cũng như kinh tế biển Việt Nam của PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đã góp thêm một lời khẳng định về khí chất một nhà khoa học chân chính: đã không làm thì thôi, làm là làm đến nơi nơi chốn.

Hiếm thấy ai “yêu” đại dương, “yêu” san hô như TS Tuấn. Dành mấy chục năm để nghiên cứu về san hô, ông có thể nói hàng giờ về cấu tạo từng loại, có thể nhớ từng thói quen, tập tục của chúng. Với sự trìu mến của một cha đối với con, một người bạn đối với bạn tâm giao tri kỷ. Và, bởi thế, càng canh cánh trong lòng lắm nỗi âu lo…

San hô, là bộ mặt của đại dương, là chiếc áo đầy sắc màu của thiên nhiên mà không một bàn tay nào của con người có thể dệt nên. Theo TS. Tuấn, rạn san hô chính là biểu hiện đầy đủ của hệ sinh thái ven biển, là nền, lá chắn cho hệ sinh thái ngoài khơi. Nếu cứ nổ mìn trên biển và tấn công san hô như hiện nay thì các loài thủy sản khác sẽ hết nơi trú ngụ và sinh sản.

Điều tra gần đây của Viện Hải dương học cho thấy một diễn biến xấu đã và đang xảy ra đối với hệ sinh thái ven bờ ở các tỉnh Nam Trung Bộ là cùng với việc hàng loạt rạn san hô bị xóa sổ thì những thảm cỏ ven biển (có chức năng cân bằng sinh thái biển) cũng đột nhiên biến mất. “Một khi san hô bị tận diệt, đến lúc đó, đừng mơ tới chuyện làm du lịch biển, bởi không ai dại dột bỏ tiền để lặn xuống một đáy biển trơ trụi”, TS. Tuấn trăn trở.

Một góc Bảo tàng Hải dương học

Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Những cây san hô được bày bán khắp các trung tâm du lịch biển Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu… với sự phong phú về chủng loại, màu sắc. Thật là nghịch lý, khi các nhà khoa học của Viện Hải dương học đang ngày đêm nghiên cứu vai trò của san hô với sinh thái biển, tìm cách bảo vệ nó, nuôi sống nó thì ngay tại Nha Trang, không xa cổng Viện Hải dương học, có đầy các cửa hàng bày bán la liệt san hô.

Điều đáng nói, san hô được bày bán không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tại chỗ, mà còn cung cấp cho các nhà buôn san hô mỹ nghệ ở TP HCM và cả xuất khẩu. Một số khu bảo tồn thiên nhiên biển như: Hò Mun (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), cũng bị dân khai thác san hô đột nhập vào. San hô sống thì làm đồ mỹ nghệ, san hô chết thì trở thành nguyên liệu cho các lò nung vôi, xây đầm nuôi tôm.

Bên trong Bảo tàng Hải dương học

Một điều chua xót khác là “Chúng ta đã có kế hoạch thành lập 16 khu bảo tồn biển, một vài khu bảo tồn biển như Hòn Mun, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc đã có những chương trình đáng ghi nhận như bảo tồn rùa biển, bò biển, rạn san hô. Nhưng phải nói thật, trong những năm qua, các khu bảo tồn biển của chúng ta sống nhờ vào sự trợ giúp của quốc tế. Tài chính của nhà nước chỉ đủ để duy trì bộ máy hành chính chứ không dành cho công tác bảo tồn. Các khu bảo tồn nếu sống dựa vào các dự án quốc tế, thì khi dự án hết nghĩa là hết nguồn sống”.

Thoáng một nét buồn lướt qua đôi mắt luôn nheo lại như cười của “Gấu Trúc”. Là một người con sinh ra trên mảnh đất văn nho, lại gắn bó suốt cả cuộc đời với biển xanh lộng gió, nên nỗi xót xa trong lòng TS Tuấn dường như cũng xót xa gấp hai lần.

Bởi thế, nên dạo gần đây, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn sắm thêm cái máy ảnh tốt và luôn đem theo bên người, kể cả trong những chuyến thực địa. Ông muốn ghi lại vẻ đẹp kỳ thú và sâu thẳm của đại dương, những khoảnh khắc tĩnh lặng mê hồn có một không hai ở độ sâu 20, 30, 40m, sau những giờ lặn khảo sát… Hy vọng, một phần nào đó có thể trả món ân tình của đại dương, nơi đã cho ông một sự nghiệp, nơi đánh thức trong ông niềm đam mê, nơi vẫn còn cần ở ông rất nhiều nỗ lực để gìn giữ, bảo vệ, ngợi ca và cống hiến.

Chia tay tôi, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn tủm tỉm cười tiết lộ: Con trai ông, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan) cũng trở về và nhận công tác tại Viện Hải dương học, cùng với rất nhiều cán bộ trẻ khác ở Viện đã và đang theo chân bố viết tiếp câu chuyện về sóng, về gió, về mênh mang đại dương với những lời thì thầm bất tận của san hô, của tôm cua cá…

Lê Chi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc