Người Việt dùng hàng Việt: Tuyên truyền còn nhiều bất cập

10:03 | 02/12/2011

442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Thành phố Hà Nội rất quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, tuy nhiên công tác thông tin tuyên truyền cấp cơ sở thiếu tính hiệu quả. Khâu giao ban giữa Ban chỉ đạo và hệ thống cơ sở chưa được thường xuyên, khung chương trình chung cho công tác tuyên truyền còn thiếu.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang ngày càng chú trọng hơn đến thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Năm 2011, Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 57 chợ nông thôn; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Cuộc vận động được lồng ghép với nhiều chương trình như: bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ khuyến mại….Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã tạm ứng 475 tỉ đồng cho 13 doanh nghiệp để dự trữ và bán 10 nhóm hàng bình ổn giá. Toàn thành phố có 653 điểm bán hàng bình ổn giá.

Các phiên chợ hàng Việt Nam, chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất thường xuyên được tổ chức. Tính đến tháng 11/2011, Thành phố đã tổ chức được 11 phiên chợ hàng Việt, 4 phiên chợ Tết và 10 chuyến bán hàng lưu động tại 19 huyện, thị xã; 02 phiên chợ hàng Việt tại khu công nghiệp Nội Bài và khu công nghiệp Quang Minh; 92 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành trong đó có 16 chuyến bán hàng chính sách tập trung tại các xã vùng xa khu trung tâm.

Trong năm qua, tại Hà Nội đã diễn ra 80 hội chợ, triển lãm thương mại với 8.792 gian hàng, thu hút 6.859 doanh nghiệp tham gia và 20.156 lượt khách tham quan. Trong đó có một số hội chợ, triển lãm thương mại có quy mô lớn như: hội chợ khuyến mại, hội chợ Doanh nghiệp vì người tiêu dùng Việt Nam.

Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra việc niêm yết giá, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường; ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam để tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.

Tính đến tháng 11/2011, Hà Nội đã kiểm tra 3.598 vụ, xử lý 3.388 vụ, với tổng số tiền thu phạt hơn 26,6 tỉ đồng; trong đó phạt vi phạm hành chính hơn 8,7 tỉ đồng, hàng hoá tịch thu sung công quỹ gần 12,4 tỉ đồng, hàng hoá tiêu huỷ hơn 5,4 tỉ đồng.

Những nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong việc thực hiện Cuộc vận động này rất đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác thông tin tuyên truyền chưa được thực hiện một cách hiệu quả.

Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhận định, cuộc vận động có thành công hay không là ý thức do từng người dân trong cộng đồng khi tiêu dùng mua sắm. Vì vậy nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đóng vai trò quyết định cho sự thành công của cuộc vận động

Công tác giao ban giữa Ban chỉ đạo và thông tin tuyến cơ sở như phòng văn hóa các quận, huyện; đài phát thanh phường, xã chưa được thường xuyên. Đa phần hệ thống thông tin tuyến cơ sở cho biết về chủ chương, đường lối họ nắm bắt được nhưng triển khai cụ thể còn lúng túng. Chưa biết tuyên truyền sâu theo nội dung nào, tuyên truyền những gì, thời gian nào cho phù hợp? Thời lượng phát sóng thông tin về cuộc vận động còn ít nên chưa phát huy tính hiệu quả cao.

Nhiều nơi công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, một số người dân hiểu sai về cuộc vận động. Có sự nhầm lẫn về các chương trình hội chợ hàng Việt Nam với chương trình hội chợ thương mại (có cả hàng nội và hàng ngoại) dẫn đến thắc mắc tại sao hội chợ hàng Việt có cả hàng Trung Quốc, Thái Lan. Chưa kể đến việc một số hội chợ tổ chức thiếu chu đáo, một vài tư thương lợi dụng đưa cả hàng nhái, hàng kém chất lượng tham gia các hội chợ, một số nơi còn bày bán các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc gây bức xúc, mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Theo ông Trần Xuân Tuyển, phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh, do chưa có khung định hướng cụ thể cho công tác tuyên truyền nên việc tuyên truyền cấp cơ sở còn yếu kém. Số lượng người dân hiểu về hàng nội địa còn ít, các phiên chợ hàng Việt vẫn còn nhiều hàng hóa kém chất lượng. Người dân đến thì đông nhưng chủ yếu tham quan, lượng người mua hàng không cao.

Ông Phạm Thế Hùng, phòng Văn hóa – Thông tin quận Long Biên cho biết, trong 77 nội dung tuyên truyền hàng tháng, phòng có nhiều bài tuyên truyền theo chuyên đề cho các thương hiệu mạnh trên địa bàn như: May 10, gạch Thạch Bàn…Tuy nhiên số lượng bài tuyên truyền về cuộc vận động còn rất ít. Do chưa có nhà văn hóa, đài phát thanh, phòng văn hóa chủ yếu sử dụng tin bài cập nhật trên các báo điện tử. Ông Hùng đề xuất ngoài việc tuyên truyền, Ban chỉ đạo nên hỗ trợ về hình ảnh (đĩa hình, pano, áp phích…), có hình ảnh thống nhất để khi triển khai tính tương tác cao hơn.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội cho rằng, để việc tuyên truyền cuộc vận động đạt hiệu quả, mỗi địa phương cần áp dụng những hình thức phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Các đơn vị thông tin cơ sở cần chủ động kết nối với ban chỉ đạo bằng nhiều hình thức, chủ động cập nhật bản tin nội bộ. Hiện nay, mỗi địa phương trong từng giai đoạn cụ thể có nội dung quan trọng phải tuyên truyền. Tuy nhiên cần quan tâm phân bổ thời lượng các chương trình cho đều, tránh quá tập trung vào một hai chương trình. Bà Oanh Lưu ý các đơn vị thông tin cơ sở về thời lượng, thời gian tuyên truyền cho phù hợp với sinh hoạt của người dân để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả tốt nhất.

Minh An