Người Việt đổ tiền ra nước ngoài chữa bệnh (Bài 2)

07:00 | 13/04/2015

1,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở bài trước, chúng tôi đã đăng tải ý kiến của một số bệnh nhân khi kể về quá trình điều trị của họ tại Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... Từ những ý kiến ấy, đối với ngành y Việt Nam đó thực sự là những điều cần suy ngẫm “trông người lại ngẫm đến ta”…

>> Người Việt đổ tiền ra nước ngoài chữa bệnh (Bài 1)

Khủng hoảng niềm tin

Có thể thấy khi nhắc đến các bệnh viện ở nước ngoài thì phần lớn bệnh nhân đều rất hào hứng và thỏa mãn về cả chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân - một việc rất hiếm thấy nếu điều trị trong nước. Nhiều bác sĩ Việt Nam cho rằng, không ít bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh là do tâm lý “sính” ngoại, thiếu hiểu biết về y tế trong nước. Thật vậy chăng? Bởi nếu trò chuyện trực tiếp với họ, chứng kiến biểu cảm của họ trên nét mặt mới thấy, những gì họ cảm nhận không phải là ảo tưởng, huyễn hoặc…

Hầu hết những bệnh nhân ra nước ngoài chữa trị đều là những người đã có thời gian không ngắn gắn liền với giường bệnh ở các bệnh viện trong nước nên họ dễ dàng có những so sánh, nhận định một cách khách quan. Mà nếu là những bệnh nhân “đốt cháy giai đoạn” sang thẳng nước ngoài chữa bệnh thì để đi đến quyết định như vậy, họ cũng phải tìm hiểu cặn kẽ chứ không dễ dàng rút hầu bao gấp đến 5-7 lần so với điều trị trong nước để trả cho bệnh viện xứ người.

Khoa Ung bướu của một bệnh viện do Việt Nam liên kết với Singapore được xây dựng như một khu nghỉ dưỡng cao cấp

Hiện nay, các bệnh viện công và tư đều đang nắm giữ một thế mạnh của ngành y tế Việt Nam. Nếu bệnh viện công được đánh giá có chất lượng điều trị tốt thì khối bệnh viện tư có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tốt hơn hẳn. Tuy nhiên, ngay cả khi so sánh những nơi nắm giữ thế mạnh nhất ấy của y tế nội địa với các bệnh viện ở nước ngoài thì nhìn chung, theo các bệnh nhân từng “xuất ngoại” cũng khó bằng. Như trường hợp nhà văn Ngô Thảo đã kể ở bài trước, nếu như Bệnh viện Hữu nghị chỉ chẩn đoán ông bị viêm hành tá tràng thì một bệnh viện ở Singapore đã kết luận ông bị ung thư ruột. Vì là người “ngoại đạo” nên cũng khó xác định kết luận của bệnh viện nào là chính xác, nhưng với hình ảnh phẫu thuật mà bệnh viện ở Singapore cho ông xem, trong đó có cả nhân tế bào ung thư, ông mới thấy thuyết phục. Nhưng quan trọng hơn, tham khảo một số bệnh viện khác, họ cũng chẩn đoán như vậy nên ông tin kết luận của bệnh viện ở Singapore là chuẩn!

Một trường hợp cũng bị ung thư phổi khác và cũng điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị, ông được các bác sĩ ở đây tư vấn với tuổi tác và sức khỏe của ông không nên phẫu thuật cắt bỏ u vì dễ dẫn đến tử vong nhanh hơn so với khoảng thời gian 8 tháng mà họ dự đoán bệnh nhân có thể sống được kể từ khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên, khi sang hai bệnh viện khác có chuyên khoa ung bướu, trong đó có một bệnh viện ở Trung Quốc để tham khảo thì các bác sĩ ở đây lại đưa ra lời khuyên khác hẳn: Với thể trạng đang có, bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u. Và với tâm lý “đa số hơn tiểu số”, bệnh nhân nói trên đã quyết định cắt bỏ khối u, tính đến nay ông đã phẫu thuật được 4 năm!?

Nói chuyện này ra, thực ra để thấy chất lượng điều trị ở trong nước chưa thu phục lòng tin của bệnh nhân hoàn toàn. Họ thường bị đẩy vào tình trạng hoang mang, lo lắng về những quyết định khác nhau của các bác sĩ ở những bệnh viện khác nhau, mặc dù cùng chuyên khoa. Mà điều đáng buồn là chuyện đó xảy ra không phải hiếm mà lại khá… phổ biến. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc họ phải ra nước ngoài chữa bệnh. Như một bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh, khi đi khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy được chẩn đoán ung thư dạ dày phải phẫu thuật ngay. Nhưng khi đi khám tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh thì chỉ là viêm dạ dày. Chẳng biết tin ai, để chắc chắn một lần nữa, ông lại đi khám tại một bệnh viện tư nhân thì kết quả giống hệt Bệnh viện Chợ Rẫy. Bị “khủng hoảng” niềm tin đối với các bệnh viện về chất lượng điều trị, ông đã quyết định sang Trung Quốc để tìm đến kết luận cuối cùng. May sao, các bác sĩ xác định ông không bị ung thư, chỉ cần điều trị tiêu hóa bằng cách uống thuốc là khỏi. Và quả là ông khỏi thật!

60% không muốn điều trị trong nước?

TS Dương Đức Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia nhận xét, trong điều kiện hạ tầng ở nhiều bệnh viện hiện nay, dù chi phí có rẻ đến mấy cũng khó hấp dẫn bệnh nhân khá giả… Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhiều bệnh viện công, công suất sử dụng giường luôn ở mức 90-110%, phải nằm ghép 2-3 người/giường. Vậy với cơ sở hạ tầng như vậy, chắc chắn người đủ điều kiện ra nước ngoài chữa trị không bao giờ lựa chọn đó là nơi gửi gắm sức khỏe, tính mạng của mình. Chưa kể đến thái độ của các nhân viên y tế, được khảo sát gần đây của một tờ báo, có tới 60% trong số 700 bệnh nhân được hỏi không muốn điều trị trong nước vì thái độ của y, bác sĩ đối với bệnh nhân… Còn ngành y tế TP Hồ Chí Minh công bố sau một cuộc điều tra mới đây, có tới 53% không hài lòng với chất lượng phục vụ.

Nhiều người cho rằng, khi đi chữa bệnh, chất lượng điều trị phải đặt lên trên hết, còn những yếu tố “ngoài lề” khác chỉ là thứ yếu. Nhưng đó là một quan điểm hoàn toàn sai bởi chăm sóc bệnh nhân cũng là một cách “trị bệnh” hiệu quả không kém như điều trị bằng thuốc thang, kỹ thuật y tế… Đặc biệt với người trọng bệnh như ung thư thì ngay trong ngành cũng phải thừa nhận, tinh thần của người bệnh quyết định sự sống “ngang ngửa” với chất lượng điều trị. Cho nên với các điều kiện này, những bệnh viện trong nước cũng không đủ hấp dẫn bệnh nhân có tiền ở lại trong nước chữa trị, kể cả những nơi được cho là “nhất” về điều kiện ấy như khu khám dịch vụ trong các bệnh viện công, bệnh viện tư nhân. Không ít bệnh nhân sau khi chữa trị tại một số cơ sở tư nhân nhận xét rằng, các nhân viên y tế ở đây lại được tuyển về từ các bệnh viện công khác nên phần lớn trong số họ, dù đã cố gắng nhưng vẫn mắc lỗi như ở bệnh viện công.

Giải thích về các vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Hà, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai phải thừa nhận, đúng là dịch vụ chăm sóc bệnh nhân của các bệnh viện trong nước còn lâu mới đạt tầm… quốc tế, cơ sở hạ tầng vẫn chưa tiện nghi theo mong muốn của người bệnh… do chi phí đầu tư quá cao… Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khó khăn trên đang dần được giải quyết, như tình trạng quá tải đang được thực hiện quyết liệt để rồi đến nay, không còn nhiều bệnh viện phải ghép bệnh nhân nằm chung. Cơ sở hạ tầng cũng ngày được nâng cao để phục vụ người bệnh tốt nhất trong khả năng có thể. TS Dương Đức Hùng thì thẳng thắn thừa nhận trước báo chí: “Với điều kiện hiện nay, dù biết mười mươi mất một khoản tiền lớn nhưng các bệnh viện trong nước cũng không thể giữ chân người bệnh muốn ra nước ngoài chữa trị vì có quá nhiều cái thiếu ở đây”. Thế nhưng, bên cạnh nguyên nhân chất lượng điều trị, dịch vụ y tế… thì chính cơ chế cũng là một nguyên nhân khiến cho các bệnh viện công không thể đáp ứng bệnh nhân theo kiểu mua - bán, nghĩa là cứ bỏ tiền ra là được hưởng nhiều cái nhất trong điều trị, dịch vụ...

Về chất lượng điều trị thì TS Trần Đình Hà khẳng định, với Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai có thể sánh vai với các quốc gia được đánh giá là phát triển bậc nhất trong khu vực. Bởi nhiều trang thiết bị hiện đại nhất, kỹ thuật y học tiên tiến nhất, phác đồ điều trị mới nhất… Trung tâm Y học hạt nhân của ông đều có. Thậm chí, một số kỹ thuật, chỉ có trung tâm của ông cùng với một số ít bệnh viện  trên thế giới mới thực hiện được. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao trước chất lượng điều trị của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu như vậy, vẫn có bệnh nhân chọn cách ra nước ngoài chữa bệnh thay vì đến đây để điều trị? Theo ông Hà, có thể vẫn là do những nguyên nhân cơ sở hạ tầng, hình thức chăm sóc bệnh nhân…

Như vậy, rõ ràng là đối với những bệnh nhân có khả năng ra nước ngoài điều trị, thì nền y tế trong nước vẫn chưa đủ điều kiện hấp dẫn họ ngay cả khi chất lượng điều trị coi như như sự đánh giá PGS.TS Trần Đình Hà. Vì khi đến bệnh viện, dù trị nội trú hay ngoại trú, chắc chắn tâm lý của bệnh nhân bao giờ cũng mong muốn chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân phải “trọn vẹn đôi đường”, nhất là với những người có kinh tế dư rả. Vì khi đi chữa bệnh, đối với họ chi phí không phải là yếu tố hàng đầu phải cân nhắc, đắn đó mà chính là hai điều kiện vừa kể trên. Nếu thiếu một trong hai điều kiện đó, các bệnh viện trong nước không bao giờ thu hút được họ và càng không bao giờ họ trở thành bệnh nhân của các bệnh viện trong nước khi cả hai điều kiện chất lượng điều trị, chăm sóc toàn diện đều thiếu. Đúng như nhận định của một số đại biểu là lãnh đạo các bệnh viện: “Bác sĩ Việt Nam giỏi không ít nhưng chuyên môn, y đức và cơ sở vật chất ở các đơn vị không đồng đều. Vì vậy, bệnh nhân không an tâm khi điều trị”.

Với sự phân tích trên đây, ngành y tế có thể tìm ra giải pháp khắc phục không những để thu hút được dòng tiền đang bị “thất thoát” ra nước ngoài từ việc chữa trị của nhiều bệnh nhân mà quan trọng là còn khôi phục được niềm tin đang bị khủng hoảng của bệnh nhân “xuất ngoại” nói riêng, của người bệnh nói chung đối với ngành y hiện nay.

Bảng so sánh giá phẫu thuật ở Việt Nam và Singapore:

Ghép thận ở Việt Nam khoảng 200 triệu đồng thì ở Singapore là 765 triệu đồng đến 1,6 tỉ đồng (tùy vào việc có thân nhân cho thận hay không); Phẫu thuật tim hở ở Việt Nam chí phí 60-95 triệu đồng, trong khi ở Singapore 450 triệu đồng; Can thiệp mạch vành và đặt stent có thuốc 65-80 triệu đồng tại Việt Nam, ở Singapore: 350 triệu đồng… Nhưng theo các chuyên gia y tế, mỗi năm người Việt vẫn đổ tiền ra nước ngoài với mức 5 tỉ đôla chứ không phải 2 tỉ đôla như Bộ Y tế ước tính để chữa bệnh.


Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc