Người “thổi hồn” cho than

11:39 | 25/05/2013

1,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xuất thân từ công nhân mỏ than, mấy chục năm ngụp lặn trong than và đam mê đến trọn đời cũng là nghệ thuật từ… than. Ông là một nghệ nhân hiếm hoi đã dày công thổi hồn vào những vỉa than đá vô tri, biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc giá trị. Yêu than đến nhiệt thành và đắm đuối, mê mẩn với cả bụi than mù mịt công trường thì có lẽ Tâm Nhâm là số 1.

Khai phá chất liệu than cho ngành mỹ thuật

Tôi hình dung khu xưởng nhà nghệ nhân Tâm Nhâm phải đặt ở mặt đường để trưng bày vô số tác phẩm của ông. Nhưng sự thực là, tôi đã phải leo gần 200m mới lên tới được nhà ông. Nhà ông tọa lạc trên một sườn núi cả vài hécta. Ấy là ngôi nhà yên tĩnh, được bao bọc bởi một rừng cây, thoáng đãng như chốn ẩn dật của một cư sĩ. Trong sân, một người đàn ông râu tóc xồm xoàm, miệng rít thuốc, tay cầm chổi... ra đón tôi trong tiếng cười xuề xòa: “Vào đây, vào đây. Mấy ông em được giới thiệu hôm nọ, tớ quên đấy”. Thú thực, lần đầu tiếp xúc, người lạ sẽ nghĩ Tâm Nhâm hơi “khác người” ở cái sự xuề xòa, ngạo nghễ lại còn... “chảnh”, bất cần của người nghệ sĩ. Về sau mới biết, ẩn sau vẻ kỳ dị là bản chất hiền lành, vui tính vốn có của một người thợ mỏ từng làm việc tại mỏ Cọc Sáu, Cẩm Phả.

Xưởng chế tác của ông Tâm Nhâm thực ra là gian nhà cấp 4 tuyềnh toàng. Nhìn la liệt những tượng, ban đầu tôi cứ tưởng ông chỉ chuyên tạc tượng chân dung, trong đó chủ yếu tượng picasso. Nhưng trông kỹ thì thấy rằng, tác phẩm của ông không chỉ có chân dung, mà còn rất nhiều tác phẩm bố cục.

Các giải thưởng dành cho ông từ trước đến nay đều thuộc mảng này. Các tác phẩm như: “Tình yêu”, “Kéo lưới”… và hàng loạt tác phẩm bố cục khác như “Đại ngàn”, “Bóng nguyệt”, “Tắm”, “Suy tư”, “Mẫu tử”, “Sóng” v.v… là những tìm tòi, sáng tạo với sự khái quát cao về ý tưởng và những triết lý sâu sắc các bậc tri thức, văn nghệ sĩ lớn. Hình tượng của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái được xây dựng sống động, giàu biểu cảm. Tượng đặt ở nhiều nơi, các bức tượng của ông ít đặc tả chi tiết nhưng ta vẫn nhận ra các nhân vật với tư tưởng, tính cách nổi bật thông qua các điểm nhấn là những khối tròn, mang tính khái quát rất cao với đủ thần thái, cung bậc cảm xúc.

Tôi không có sự am hiểu tinh tường về nghệ thuật, nhưng dễ thấy, ở mỗi tác phẩm của Tâm Nhâm có thể khiến bất cứ ai cũng cảm nhận được cái thần, cái đẹp ngay trước mắt. Có điều, nhân vật của ông đều là những người có nội tâm phong phú, ẩn chứa một sức sống mãnh liệt không phải ai cũng có thể hiểu được. Tượng chân dung là mảng đề tài chủ yếu trong sáng tác của Tâm Nhâm. Ông khái quát được hình tượng chân dung Bác Hồ nhân hậu, uyên bác; tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vầng trán cao, toát lên mưu lược; những người thợ mỏ lại khắc khổ, nghiệt ngã, thăng trầm như cuộc đời họ.

Mỗi tác phẩm của ông là sự khám phá, chinh phục bản thân hay những bài học mang tính triết lý, thâm thúy, đậm ngôn ngữ lập thể của những nhà điêu khắc, danh họa vĩ đại như Florence, Picasso, Van Gogh. Ông cho tôi xem một số tượng Picasso rồi giải thích: “Muốn làm toát lên điều đó qua bức tượng, nếu để ý, cậu sẽ thấy nhiều bức tượng chân dung của tôi, các nhân vật thường bị che đi, chỉ còn một mắt… Tôi muốn nhấn mạnh rằng, với người nghệ sĩ, có một con mắt khác, đó là con mắt nhìn từ bên trong, từ nội tâm”.

Thấy tôi băn khoăn, ông Nhâm giải thích thêm: “Với tượng chân dung thì than là chất liệu có khả năng chuyển hóa những trạng thái tình cảm, xúc cảm tinh tế nhất của nhân vật! Thế nhưng, không chỉ tượng chân dung, tượng bố cục được làm từ than cũng có những điểm nổi trội mà nhiều loại chất liệu khác không đạt tới. Nhất là khi nó được sáng tác với phương pháp trừu tượng, lập thể. Tôi đi theo phương pháp trừu tượng, lập thể vì thấy nó rất hợp với điêu khắc, nhất là với điêu khắc than. Nó bắt mình vượt không gian, chắt lọc lấy cái tinh túy của nội tâm”.

Năm 2004, lúc ấy Tâm Nhâm đã quá nổi tiếng với bộ sưu tập gồm 56 bức danh họa Picasso tạc bằng than đá. Có thể nói, bộ tác phẩm này đã làm rạng danh tên tuổi Tâm Nhâm. Đây là cả một quá trình sáng tạo, đã truyền lửa và hồn cho những tảng than vô giác, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sinh động. Ý tưởng để tạo nên 56 bức chân dung danh họa Picasso của Tâm Nhâm có từ khoảng năm 1990, đó là lần đầu tiên ông được tiếp xúc với những tác phẩm của Picasso thông qua một vựng tập do Liên Xô ấn hành mà ông tình cờ xem được tại quầy sách ngoại văn của TP Hạ Long.

Ông tâm sự: “Tôi đã say sưa ngắm những phiên bản lập thể của Picasso. Những mảng màu, những nét vẽ đối lập và sắc cạnh, tạo cho tôi một ấn tượng rất mạnh mẽ. Tôi đã liên tưởng đến khuôn mặt của ông được thể hiện theo nhiều góc cạnh trên những khối than mà tôi sẽ tạc trong tương lai. Bất giác tôi thốt lên: Trời ơi! Ông ấy có một sức mạnh nào đó rất lạ để càng ngắm càng mê, giá mà ta có thể tạc tượng chân dung ông ấy nhỉ”.

Không đủ tiền để mua quyển “vựng tập Picasso”, nhưng trong đầu ông đã ghi rất trọn vẹn hình ảnh của người danh họa tài ba này, ông nghĩ rằng, mình sùng bái ông, xem ông là thần tượng và ta sẽ ghi khắc để sau này tạc tượng ông trên than đá.

Kỷ niệm của lần gặp gỡ đó đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị cảm xúc đến tận bây giờ. Cũng từ đó đến nay, ông là người Việt Nam duy nhất điêu khắc chân dung và thể hiện của danh họa Picasso bằng than đá, được giới phê bình mỹ thuật đánh giá là hiện tượng điêu khắc của Việt Nam.

Ý chí vượt lên số phận

Tâm Nhâm không nhận mình có năng khiếu, nói đúng hơn là vận may không đến bẩm sinh từ một đứa trẻ sinh ra thiếu tháng. Lúc mới sinh, sau một trận sốt, hai chân của ông gần như bại liệt hoàn toàn. Cả tuổi thơ của Tâm Nhâm chỉ đứng nhìn bạn bè cùng lứa vui chơi quanh xóm, còn mình thì tủi thân ngồi một chỗ đẽo bi ve, con quay làm trò chơi.

Có lẽ, quy luật bù trừ đã dồn lên đôi tay của Tâm Nhâm như có mắt, thấy cái gì Tâm Nhâm cũng phải “mắt nhìn, tay sờ soạng” rồi bắt đầu “ngấm” vào tư duy. Hình khối cầu của viên bi là một ví dụ. Năm 7 tuổi, mặc dù nhà nghèo, bị dị tật nhưng Tâm Nhâm đã nổi tiếng khắp vùng Cẩm Phả bởi tài đẽo bi ve từ đá xanh để bán. Từ những 5 hào, 1 đồng kiếm được từ bán bi, Nhâm càng hăng máu mài, đục và chính từ sự hăng say mài, đục ấy mà đã làm nên bàn tay tài hoa của nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm sau này.

Nhờ chịu khó rèn luyện chân của ông dần dần hồi phục. Lên 10 tuổi, Tâm Nhâm đã gò lưng trên núi bãi thải ở công trường khai thác than để tìm kiếm những viên than kíp-lê (than cứng altraxit) để đúc đồ mỹ nghệ như: gạt tàn thuốc lá, hòn chặn giấy, con sứ điện cao thế chỉ bằng con dao của thợ xây.

Trưởng thành, Tâm Nhâm khi đó đã là một chàng công nhân của tổ sản xuất mỹ nghệ của mỏ than Cọc Sáu. Bằng con đường tự học, ông đã tốt nghiệp phổ thông, đạt tay nghề bậc 7. Mỏ Cọc Sáu, ngoài ông còn có nhiều công nhân mỏ nay đã thành tài như NSND Quang Thọ, các nhà văn Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Sơn Hà, Vũ Thảo Ngọc v.v… rồi có những người được mỏ trả lương chỉ để viết như nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp vậy. Tâm Nhâm cũng sống và sáng tác trong sự quan tâm săn sóc ấy. Năm 2004, ông được Tổng giám đốc Than Việt Nam Đoàn Văn Kiển “xin” ông về văn phòng tổng công ty làm việc với chế độ đặc biệt.

Tác phẩm có giá trị đầu tiên mà ông bán được khi đó là một con sư tử có giá 15 đồng (số tiền khá lớn lúc đó). Tâm Nhâm run rẩy nhận ra than còn có thể trở thành một chất liệu đáng quý cho các tác phẩm nghệ thuật đích thực hơn là đồ mỹ nghệ. Và Tâm Nhâm bắt đầu hành trình tìm kiếm khắp các nẻo đường mỏ những hòn than làm chất liệu cho nghệ thuật tạo hình.

Ông vẫn thường tâm sự: “Yêu than và hiểu than chưa đủ, phải có tay nghề chế tác và cái tâm của người con chịu ơn quê hương. Than giòn và dễ gãy, có khi chạm nhẹ cũng hỏng. Phải nâng niu và “chiều” cái thói “chảnh” của than thì mới có một tác phẩm hoàn chỉnh”. Nhưng thời ấy, cái nghèo đeo bám mãi những người thợ mỏ. Nghèo cả về vật chất lẫn học vấn. Tâm Nhâm cũng rơi vào áp lực: là người đàn ông mạnh mẽ mà không thể mang lại cho vợ con cuộc sống no đủ. Đúng lúc đó, ông được cử đi học tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Và nghệ thuật đã thức tỉnh chàng công nhân “quê kệch” quen ăn to nói lớn trở thành một nhà điêu khắc tượng than hàng đầu Việt Nam.

Nhưng yêu than là một chuyện, hiểu than, chinh phục than, chia sẻ được cảm xúc với than rồi từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị lại là một chuyện hoàn toàn khác. Chất liệu than đá, một chất liệu “đánh đố” và làm đau đầu rất nhiều người làm điêu khắc, nói gọn là chưa có tiền lệ và rất ít người sử dụng được nó, chứ đừng nói đến yếu tố nghệ thuật chứa đựng bên trong. Tất cả các tác phẩm điêu khắc của Tâm Nhâm được chế tác từ than kíp-lê (altraxit) loại than đá có độ biến chất cao nhất trong quá trình biến chất của than. Màu đen hơi xám hoặc xám đen. Vết vạch đen nhung có màu ánh kim, rất cứng và giòn rất “khó tính”. Theo lời ông nói, cái khó ở điêu khắc than là tài ứng biến, khả năng sáng tác trong mỗi một hòn than để đạt được hiệu quả của mỗi tác phẩm nghệ thuật. Mấu chốt là sự ứng tác ví dụ một phác thảo của mình trên giấy nhưng trong hòn than lại chưa phù hợp thì không thể chinh phục được tác phẩm.  Từ nhỏ ông đã luôn bị ám ảnh bởi sức hút ấy, nhưng đến giờ chưa thể lý giải được vì sao.

Sau này, khi đã được trang bị những kiến thức cơ bản về Mỹ thuật rồi thì mới dần “vỡ ra”… Chính là than, chứ không phải là một chất liệu nào khác, mới có khả năng chuyển hóa những trạng thái tình cảm, xúc cảm tinh tế nhất. Có lúc, nhiều khi cầm hòn than trong tay, tôi bật khóc vì bất lực. Tôi tự động viên phải học, phải làm, làm thật nhiều để chinh phục than. Than khó tính và luôn thách thức. Nhưng cũng chính từ sự khó tính, luôn thách thức ấy đã thôi thúc con người nghệ sĩ trong tôi, để cuối cùng, tôi đã “gặp” được than, đó chính là may mắn nhất của đời tôi”.

“Than là ý nghĩa sống còn của cuộc đời tôi”

Ở một mặt khác, than không chỉ là năng lượng mà nó còn đựng một sức sống mãnh liệt, một nội tâm chờ đợi mà chính Tâm Nhâm là người đã đánh thức. Ông hiểu được than là chất tự nhiên, nó có những kết cấu như kim cương. Bản thân than có màu sáng ánh bạc, có gì đó sâu thẳm. “Mới đầu thì không cảm nhận được gì nhưng càng tiếp xúc ta càng thấy nó gần gũi và nó như là sự sống, là hơi thở. Than là ý nghĩa sống còn của cuộc đời tôi”. Tâm Nhâm cho rằng, Than không chỉ là miếng bánh niêu cơm mà nó còn là một ước vọng đối với đời ông: “Gia đình tôi đã sống ở đây ngót nghét 100 năm. Mọi con đường dẫn đến mỏ tôi đều thuộc như in, từ gương tầng, máng, vỉa, rồi những lò hun hút xuyên lòng đất những dòng than lấp lánh chảy dài trên những đường băng. Yêu than và hiểu than đã nói được gì đâu? Mà phải chinh phục, thổi vào than một linh hồn mới có cơ may chế ngự được than”.

Phải vậy, yêu than là một lẽ, biến than thành tác phẩm nghệ thuật là một lẽ khác. Ông có tài hòa quyện cả hai lẽ đó thành sự thăng hoa. Nhiều người nói ông là người có tài bẩm sinh nhưng ông cho rằng không hoàn toàn đúng như vậy. “Tuy tôi được thừa hưởng truyền thống của một gia đình thợ mỏ nhưng nếu không được gắn bó với vùng than, không có tình yêu với than, không gắn bó với những người thợ mỏ và không kiên trì học tập, nghiên cứu thì tôi khó có được những thành quả như ngày hôm nay”, Tâm Nhâm chia sẻ.

Tính đến thời điểm này Tâm Nhâm đã có trên 4.000 tác phẩm điêu khắc, trong đó có gần 1.500 tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Chỉ riêng điều đó đã làm nên chất liệu nghệ sĩ tên tuổi ông. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật coi ông là “hiện tượng điêu khắc hiện đại của Việt Nam”; Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng mới công nhận ông đã xác lập kỷ lục: “ Người tạc chân dung Picasso bằng than đá” nhiều nhất Việt Nam. Hiện, tác phẩm của ông còn 4… kho, với khoảng 400 bức. Ngoài khả năng “đục đẽo”, Tâm Nhâm còn là tác giả của 500 bài thơ, 13 cuốn nhật ký, 1 cuốn tùy bút, 1 cuốn tiểu thuyết, 15 truyện ngắn...

Với nhiều cống hiến, đóng góp xuất sắc của mình, ngành than luôn trân trọng ông như một “bảo bối” và dành một biên chế đặc biệt, tạo điều kiện khuyến khích cho ông tiếp tục phát huy những giá trị vốn có. Ở Tâm Nhâm, ta thấy một tình yêu hết sức đặc biệt, nghệ sĩ ở bản chất cao nhất của sáng tạo là người sáng tạo ra chất liệu hoặc nâng cao giá trị của chất liệu qua những tác phẩm của mình. Để có được sự khác biệt, độc nhất ấy đầu tiên phải kể đến tình yêu của Tâm Nhâm dành cho than và sự biết ơn dành cho quê hương mình, như chính lời tâm sự: “Tôi yêu vùng đất này, yêu từng vỉa mạch của tầng mỏ, từ hơi thở của than, cái nồng cháy của đá, thậm chí đến cả cái bụi bặm của than tôi cũng say mê”.

Nguyễn Tâm Nhâm (Tâm Nhâm) sinh năm 1956 tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Năm 2005, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - VIETBOOKS đã công nhận ông là người tạc chân dung Picasso bằng than đá nhiều nhất Việt Nam. Trong đó, có 33 bức tượng tròn và 14 bức chân dung hai mặt.  Đến nay, Tâm Nhâm đã có đến 56 bức tượng về Picasso, hoàn toàn tạc bằng than kíp-lê (altraxit) trong vòng 15 năm.

Theo đánh giá của các nhà phê bình nghệ thuật, trong khoảng 100 năm, các tác phẩm của Tâm Nhâm đã không phụ thuộc vào các tiền đề nghệ thuật Việt Nam. Khi nhận xét về Nguyễn Tâm Nhâm, nhà phê bình mỹ học Phan Cẩm Thượng đã từng nhận xét: “56 bức tượng Picasso đã giúp Tâm Nhâm đi lại trong thế giới than đá nhiều chiều, nhiều hướng, cốt tìm ra mình, ra người, không phụ thuộc vào trật tự có trước”; “Trong 100 năm qua, Tâm Nhâm chưa thua kém bất kỳ một nhà điêu khắc nào”.

GS.TS Nguyễn Ngọc Dũng - một trong những nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu Việt Nam - trong bài viết của mình đã khẳng định: Nguyễn Tâm Nhâm là hiện tượng của điêu khắc hiện đại Việt Nam.


Phóng sự của Mạnh Kiên