Người Thầy đầu tiên

14:50 | 20/11/2020

300 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hồi bé, mỗi dịp 20/11, vẫn nhớ cái cổng tróc lở vôi vữa nhà tôi chen kín từng đoàn học sinh các lớp cấp 1, cấp 2 thập thò chờ đến lượt để vào thăm thầy Hiệu trưởng.

(Kính tặng Bố)

Món quà tặng Thầy đôi khi là cuốn các-nê, quyển vở ô-li cài cây bút bi, thậm chí vài gói kẹo xanh đỏ mua từ phố huyện bọc trong giấy báo. Bố là nỗi khiếp nhược của mấy trăm Học sinh lẫn Giáo viên trong cái trường THCS của cả xã về độ nghiêm túc đến khắc kỷ, nên việc đến nhà ổng là nỗi ám ảnh của đa phần những đứa trẻ sáng đi học chiều về chăn trâu như bọn tôi. Vậy nên chỉ có mấy đứa học giỏi, cán bộ lớp mới dám ngồi tiếp chuyện cùng Thầy, số còn lại dấm dúi thì thầm chen nhau ở 2 cái giường đặt kế 2 bên bàn tiếp khách. Xong màn chào hỏi thăm nom, khi về, cả lũ ùa ra sân chen nhau chạy thình thịch.

Là Hiệu trưởng suốt vài ba thập kỷ (bao nhiêu năm tôi chả nhớ), kiêm Giáo viên dạy Vật lý cấp 2 và môn Chính trị. Giờ lên lớp truy bài của ông là “cơn ác mộng” của bọn vừa dốt lại vừa lười. Lớp tôi có vài đứa học giỏi mà đến tiết ổng còn run cầm cập thì thầm: “Hôm nay có giờ thầy S. đấy”. Nhưng suốt mấy chục năm đi dạy, bố vẫn thường kể với chúng tôi: “Chưa bao giờ bố đuổi học bất cứ đứa học sinh nào, dù chúng nó hư hỗn dốt lười đến đâu. Vì nếu bị đuổi học, chúng nó sẽ đi về đâu, làm gì, mỗi buổi sáng chúng nó ngơ ngác ra sao khi nhìn bạn bè hối hả đến trường?”

Hai chị gái nối nghiệp Bố làm Giáo viên cấp 1, nhớ lần bà chị mới ra trường, buổi đứng lớp đầu tiên run quá về nhà ngồi kể chuyện rồi khóc với Bố. Bố dỗ dành một hồi xong dặn: “Con phải nhớ, làm Thầy không hẳn chỉ là đi dạy. Dạy cấp 1 lại càng khó hơn, người ta bảo “dạy dỗ” cơ mà, vừa dạy phải vừa dỗ các em, các cháu nữa con ạ”.

Có lần thấy tôi gặp chuyện mà “nộ khí xung thiên”, ông đợi cho thằng con dứt cơn rồi bảo tôi ngồi xuống, nhỏ nhẹ: “Người ta nói nóng nảy là cái dở nhất của người quân tử. Con nhìn mà xem, cả đời có thấy bố cãi nhau to tiếng với ai bao giờ không?”

Giờ mỗi dịp 20/11 về, nhà vẫn nhiều hoa tươi, quà tặng do các con, học trò cũ và đồng nghiệp kiêm lính cũ đến vấn an ông. Nhớ có lần đúng dịp này mà bố vừa ốm dậy, trời mưa, đường làng nhiều đoạn lầy lội như miếng ruộng vụ chiêm. Có anh học trò cũ đậu ô-tô từ cổng làng rồi lội bộ vào thăm “Thầy giáo S.”. Đến nơi, bố cố gượng dậy. Anh đỡ vai, cúi xuống ân cần:

- Thầy còn nhớ em không?

Mắt mờ, tay run, tai điếc, bố chỉ khẽ cười hỏi đi hỏi lại:

- Thế cháu là con cái nhà ai?

Xưa, “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An quan niệm đời người có 3 bậc Bề trên cần hết lòng thờ phụng là Quân, Sư, Phụ (Vua, Thầy và Cha). Thời nay không còn Vua, Thầy và Cha của bọn con dồn vào mỗi một người...

Cứ mỗi lần về quê gặp Bố, thi thoảng lại nhớ về hình ảnh Bố oai nghiêm trong bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn thẳng nếp, mái tóc bồng bềnh, đôi mắt kính khẽ nheo nheo đứng đọc Diễn văn trong những ngày lễ trọng. Phía dưới là hàng trăm con người, giáo viên lẫn học sinh, xếp hàng đều chằn chặn dưới nắng sân trường bát ngát tháng 5. Dứt lời Thầy là những âm thanh trầm hùng của giàn trống Thiếu nhi bùng lên rộn rã. Giờ vẫn nụ cười hồ hởi ấy, nhưng Bố cười đôi khi để khỏa lấp cuộc hội thoại vì chẳng nghe thấy gì, chiếc mũ bê-rê che đi mái đầu trắng xóa, đôi bàn tay đầy nốt đồi mồi lần lần thành ghế mỗi lúc ngồi xuống hoặc đứng lên. Thời gian quả thực là nghiệt ngã…

Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới Papa, người Thầy đầu tiên của con. Con đã làm Papa buồn đến ngần nào…

Lê Hồng Lam

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.