Từ chối đăng kiểm khi chủ xe chưa nộp phạt

Người sai, xe chịu

17:08 | 28/09/2017

359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xung quanh việc Cơ quan Công an đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) từ chối đăng kiểm cho phương tiện cơ giới chưa nộp phạt vi phạm giao thông, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng xuất hiện quan điểm không ủng hộ.

Quá nhiều người trốn nộp phạt

nguoi sai xe chiu
Ông Bùi Danh Liên

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm gần 16.000 ôtô vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía Cơ quan Công an. Trong khi đó, năm 2016, đơn vị này chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm của 2.800 trường hợp. Những trường hợp bị đề nghị từ chối đăng kiểm là các xe bị “phạt nguội” qua camera và bị Cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt.

Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số các xe bị đề nghị, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 5.500 xe chấp hành nộp phạt để được tiếp nhận đăng kiểm.

Còn theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội, hiện có hàng ngàn trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ được camera ghi hình và CSGT đã gửi giấy phạt đến chủ phương tiện, nhưng người vi phạm vẫn không đến nộp phạt. Trên cơ sở đó, đơn vị này đã gửi danh sách các xe vi phạm tới Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị từ chối kiểm định.

Các trung tâm đăng kiểm không được phép kiểm định các xe ôtô trong danh sách “đen” của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Khi có xe đến kiểm định, các trung tâm đăng kiểm phải tra cứu xem xe có nằm trong danh sách “đen” không và hướng dẫn chủ xe cách giải quyết.

Thiếu tá Nguyễn Minh Thúy - Đội phó Đội Chỉ huy điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Đội đã phát hiện, xử lý 3.557 trường hợp ôtô vi phạm qua camera, gửi thông báo tới Cơ quan Đăng kiểm 1.189 trường hợp đề nghị từ chối kiểm định. Những trường hợp vi phạm “trốn” nộp phạt đa số là các trường hợp do chủ xe mua bán, chuyển nhượng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nhưng cũng có nhiều chủ xe cố tình chây ì không đến nộp phạt, khi đến lần đăng kiểm định kỳ tiếp theo bị dừng đăng kiểm mới chấp hành nộp phạt.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, các chủ xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ, sau khi chấp hành nộp phạt phải gửi biên lai đến Cơ quan Đăng kiểm để được dỡ cảnh báo trên hệ thống. Nếu không, việc đăng kiểm sẽ không được chấp nhận.

Chưa thực sự thuyết phục

Từ chối đăng kiểm các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ đốc thúc việc hoàn tất các khoản phạt mà lái xe đã vi phạm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc này chưa thực sự thuyết phục. Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc đăng kiểm là để xác nhận phương tiện có đủ điều kiện lưu hành hay không. Nếu có việc từ chối đăng kiểm từ Cơ quan Công an thì nên có văn bản quy định của liên ngành bao gồm: Cục Đăng kiểm và Công an cũng như quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Tuy nhiên, kể cả khi có văn bản liên ngành thì cũng cần có những quy định cụ thể thì mới thực hiện được việc từ chối đăng kiểm xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông.

nguoi sai xe chiu
Đăng kiểm viên khám xe tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ

Ngoài ra, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nhấn mạnh, cần giảm khó khăn, phiền hà cho chủ phương tiện. Bởi lẽ, việc xử lý xe vi phạm thuộc thẩm quyền của lực lượng CSGT, còn đăng kiểm xe là của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đây là việc của 2 cơ quan khác nhau. Nếu sau này có những văn bản liên ngành thì cũng cần xây dựng hệ thống, sử dụng công nghệ để quản lý cơ sở dữ liệu trên toàn quốc phục vụ việc xử lý vi phạm tránh mất thời gian cho cơ quan quản lý và các chủ phương tiện” - ông Bùi Danh Liên nói.

Nhiều địa phương chưa xử lý xe vi phạm

nguoi sai xe chiu
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý các xe vi phạm

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 8-2017, cả nước đã xử lý vi phạm đối với 19.200 phương tiện cơ giới. Trong đó, thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là trên 18.100 xe, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 3 đơn vị và từ chối cấp phù hiệu là trên 1.100 xe.

Lũy kế đến hết tháng 8, cả nước có tổng số gần 803.000 trường hợp vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân là 0,106 lần/1.000km, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, có 5 địa phương gồm: Bình Thuận, Điện Biên, Sóc Trăng, Sơn La và Trà Vinh chưa thực hiện xử lý vi phạm hoặc có xử lý nhưng số lượng phương tiện bị xử lý rất ít.

Thiên Minh - Đức Trọng