Người phát ngôn của Chính phủ nói về sự cố lớn nhất trong lịch sử ngành điện

16:02 | 26/05/2013

459 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người phát ngôn của Chính phủ và đại diện Bộ Công Thương lên tiếng về vụ mất điện ở 22 tỉnh thành miền Nam mới đây.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, sự cố trên xảy ra khiến cả... Thủ đô Phnom Penh của nước bạn Campuchia cũng bị mất điện.

“Vì bạn nhập khẩu điện của ta nên cũng bị ảnh hưởng phần nào, không biết có vấn đề gì không. Phía ta phải giải thích rằng 22 tỉnh, thành của Việt Nam cũng mất điện hoàn toàn là sự cố ngoài mong muốn”. Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, để khắc phục tình trạng rã lưới không hề đơn giản. Riêng về hậu quả, đến bây giờ cũng chưa tính toán được chính xác là bao nhiêu, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội.

“Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời đương nhiên sau mỗi sự cố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, trong trường hợp này là Bộ Công Thương, báo cáo. Bộ Công Thương đã có báo cáo. Đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương và ngành điện tích cực tìm các nguồn vốn đầu tư nhanh, bởi nếu không đầu tư nhanh, kịp thời, đất nước thiếu điện thì công nghiệp không phát triển. Điện như thức ăn của công nghiệp”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Điện như thức ăn của công nghiệp!"

 

Hiện chúng ta đã có Luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp. Như vậy trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang chắc chắn sẽ được chỉ đạo xem xét nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự. Theo sơ bộ báo cáo của Bộ Công Thương, ngoài lý do mang tính sự cố, cũng còn lý do mang tính kỹ thuật là đất nước của chúng ta trải dài, số mạch điện 500kV nối vào còn ít. Tới đây ngành điện phải tăng cường đầu tư thêm các đường dây 500kV dẫn vào lưới này, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.

Theo giải thích từ Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đây là sự cố lớn nhất trong lịch sử ngành điện. “Điều đầu tiên chúng tôi có thể thấy là tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Sự cố tương tự không chỉ xảy ra ở nước ta mà cũng đã xảy ra ở một số nước phát triển hơn nước ta rất nhiều. Không có cách nào khác, chúng ta sẽ phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam. Vì hiện nay, khu vực phía Nam có nhu cầu về tiêu dùng điện cao hơn; Tập trung đẩy nhanh triển khai một số công trình đường dây 500kV đã được phê duyệt; Tăng cường trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện” - Thứ trưởng Lê Dương Quang bổ sung ý kiến của Bộ trưởng Vũ Đức Đam.

EVN đang quản lý hàng chục nghìn km đường dây, vì vậy với lực lượng mỏng của EVN thật khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Trong Nghị định 106/2005/NĐ-CP đã nêu rõ trách nhiệm của các địa phương, sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.

 

Tùng Lê (ghi)

  • el-2024