Người nặng lòng với dòng điện sáng nông thôn

08:23 | 27/11/2019

566 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuối năm 2018, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh - Đặng Văn Dình đến tuổi nghỉ hưu. Hơn 40 năm công tác, với anh là một chặng đường dài theo đuổi ước mong đưa điện về nông thôn từ thuở niên thiếu.

Thực hiện ước vọng

Ấp Ba Càng, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là nơi Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh - Đặng Văn Dình sinh ra và lớn lên. Cũng như bao vùng quê xa xôi, vùng căn cứ cách mạng, ấp Ba Càng những năm của thập niên 70 khó khăn bao điều. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề nông sinh nhai, nhưng với phương thức sản xuất “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nên cuộc sống rất khó khăn, thường thiếu ăn vào mùa giáp hạt.

Người nặng lòng với dòng điện sáng nông thôn
Ông Đặng Văn Dình

Gia đình Đặng Văn Dình cũng không thoát khỏi tình cảnh chung của bao gia đình trong ấp. Không điện, thiếu đường, thiếu trường, nên con đường học vấn của cậu bé Dình rất “gập ghềnh” cho dù bản thân rất nỗ lực, hiếu học. Anh kể: “Bước vào lớp 6, tôi cảm nhận được cái cảnh hắt hiu đèn dầu leo lét về đêm của gia đình và cả xóm. Cả 7 năm học từ lớp 6 đến lớp 12, tôi phải tranh thủ học bài vào ban ngày, còn buổi tối chỉ thắp đèn học không quá 1 giờ vì dầu hỏa lúc đó đắt như “tôm càng”.

Cảm nhận sự thiệt thòi, thiếu thốn của người dân vùng quê bao nhiêu, càng dấy lên trong lòng cậu thiếu niên Dình niềm ao ước sau này được trở thành một kỹ sư điện bấy nhiêu. Tuy nhiên, đường đến giảng đường đại học đối với con nhà quê, gia cảnh nghèo lúc bấy giờ không dễ dàng. Vì thế, năm 1977, anh thanh niên ở vùng quê Ba Càng phải gác lại ước mơ đại học, để học lớp sơ cấp điện và vào làm việc tại Sở Điện lực Cửu Long.

Làm nhân viên kỹ thuật, hầu như các công trình đưa lưới điện về miền quê không thiếu dấu chân anh. Đầu đội trời, chân lội sình, treo mình chơi vơi trên độ cao của trụ điện là bao sự nhọc nhằn, nhưng cứ mỗi vùng quê bừng sáng là lòng anh lại sáng lên “niềm vui mới quên đi hết mọi vất vả". Anh kể, kỷ niệm không quên đối với anh ngày đầu thi công công trình đường điện hạ thế về ấp Giồng Ké, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, Cửu Long vào năm 1989. Buổi tối của ngày đầu tiên nhà dân có điện, cả ấp sáng choang, tiếng nói cười rộn rã như ngày hội. Xúc động nhất là hàng chục người già, trẻ kéo nhau đến xem ti vi như đi xem hát bội ở nhà ông Sáu Trung, nơi chúng tôi gửi nhờ vật tư thiết bị. Chỉ là chiếc ti vi trắng đen phát chương trình cải lương, vậy mà cả chục năm trời người dân nơi đây không được thụ hưởng chỉ vì không có điện. Nhìn mấy đứa trẻ ngồi im phăng phắc xem tivi, không còn sự hiếu động vốn có của con nít, lòng anh vui đến khó tả và nhớ về những ngày tháng thiếu thời của mình khát khao về nguồn điện sáng.

Sáu năm công tác bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, anh được lãnh đạo đơn vị ghi nhận về phẩm chất đạo đức và năng lực làm việc. Năm 1983, anh được lãnh đạo tạo điều kiện thi vào Đại học Bách Khoa ngành hệ thống điện. Sau 5 năm, vừa làm, vừa học, anh có tấm bằng kỹ sư điện đúng với niềm mong ước mà ngày trước chưa thực hiện được.

Trình độ chuyên môn được nâng cao đã tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ, để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều công trình đưa lưới điện về các ấp, các xã nông thôn đều được anh góp sức thi công bằng kinh nghiệm thực tế của một cán bộ kỹ thuật và bằng kiến thức khoa học của một kỹ sư, đảm bảo an toàn, chất lượng. Năm 1992, khi tỉnh Cửu Long chia tách, anh được phân công làm Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - Vật tư, Sở Điện lực Vĩnh Long. Năm 2002, theo yêu cầu công tác cán bộ, anh được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh.

Theo đuổi dòng điện sáng nông thôn

Đảm nhận vai trò lãnh đạo quản lý, trong bối cảnh tỉnh Trà Vinh mới tái lập đang rất cần đầu tư phát triển lưới điện vượt bậc để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn này, Công ty Điện lực Trà Vinh cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề và tình trạng tai nạn lao động xảy ra liên tiếp.

Trăn trở về công tác an toàn lao động trong toàn đơn vị, anh đề xuất với ban lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho anh em công nhân; xây dựng nội quy sinh hoạt an toàn, kiểm tra các phương tiện bảo vệ cá nhân hàng ngày trước khi ra hiện trường; thực hiện việc báo cáo và kiến nghị công tác an toàn hàng tuần, hàng tháng. Nhờ vậy, công tác an toàn trong toàn Công ty từng bước đi vào nề nếp, có hiệu quả.

An toàn trong lao động phải đi đôi với hiệu quả sản xuất là mục tiêu anh luôn đặt ra trong suốt quá trình công tác. Ở cương vị lãnh đạo, không chỉ nói mà phải để tất cả anh em trong đơn vị được mục sở thị thì mới tạo được niềm tin, đoàn kết mạnh mẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong hành trình 41 năm gắn bó với ngành Điện, điều mà anh để lại tình cảm trân trọng đối với tất cả đồng nghiệp là tâm huyết thắp sáng dòng điện cho vùng nông thôn. Anh nói “ Nông thôn mà có điện sớm một ngày là cuộc sống của người dân sớm cải thiện một ngày, trẻ nhỏ được học hành, mở mang tri thức một ngày,…”.

Hơn 16 năm công tác tại Trà Vinh, dù ở cương vị lãnh đạo nhưng hầu như không có công trình đưa điện về nông thôn nào vắng mặt anh. Hàng loạt các công trình như: Kéo điện vượt sông Tiền đưa điện lưới về 2 xã cuối cùng của tỉnh Trà Vinh (cù lao Hòa Minh và Long Hòa); kéo điện vượt sông Hậu cấp điện cho 2 ấp cù lao Tân Quy và Tân Quy 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer;… đều có anh chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện của tỉnh Trà Vinh từ 8,6% năm 1992, đến nay đã tăng lên trên 98,8%.

Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh - Nguyễn Thanh Long nói về anh bằng tất cả tình cảm quý trọng: “Ở cương vị nào, anh Dình cũng lao động, làm việc bằng tất cả trách nhiệm. Tấm lòng luôn vì cuộc sống người dân nông thôn của anh đã lan tỏa mạnh mẽ, giúp toàn thể đơn vị năng nổ, vượt khó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Với những đóng góp cho ngành Điện, nhiều năm qua, Phó Giám đốc Đặng Văn Dình đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và các bằng khen của bộ, tỉnh và ngành Điện. Nhưng với anh, hạnh phúc nhất là niềm mong ước góp sức đưa dòng điện sáng về quê Ba Càng, các vùng nông thôn trong tỉnh Trà Vinh đã thành hiện thực. Ngày nghỉ hưu anh không còn phải nặng lòng với dòng điện sáng nông thôn.

Đặng Huy Hoàng

Tác phẩm "Người nặng lòng với dòng điện sáng nông thôn" của tác giả Đặng Huy Hoàng đã đạt giải Ba tại cuộc thi viết "Gương sáng tiêu biểu ngành Điện" năm 2019.
Nghề của ba
Những “người lính" thời bình trong sắc áo cam
Chuyện nữ công nhân vận hành…
Cố lên, để sớm có điện!
Những cống hiến lặng thầm

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps