Người mẹ của những số phận thiệt thòi

08:50 | 15/06/2011

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ của thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, Thanh Trì (Hà Nội). Nhìn bề ngoài, Trung tâm Dạy nghề Quỳnh Hoa dường như có vẻ xa lạ, vắng vẻ. Nhưng khi đặt chân vào đây mới thấy được sự ấm cúng, gần gũi khác thường.

Tấm lòng "Mẹ” Hoa

Vừa mới đặt chân vào khu làm việc của trung tâm, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi được tận mắt thấy cả thảy 40 người, mỗi người một công đoạn, tỉ mẩn dán ghép từng chi tiết vào từng phần của mỗi bức tranh, mỗi con giống thành những sản phẩm xinh xắn và rất bắt mắt. Những sản phẩm đó sau khi hoàn thiện đều được để trong gian tủ trưng bày, chờ ngày xuất xưởng. Hơn nữa, chúng tôi còn bắt gặp được ở đây chính là tình cảm của những người có số phận thiệt thòi cùng sống và làm việc trong ngôi nhà của người phụ nữ, người “mẹ” Đoàn Thị Hoa. Người mà tất cả những người khuyết tật ở đây gọi trìu mến: “Mẹ” Hoa.

 

Chị Đoàn Thị Hoa bên sản phẩm do những người khuyết tật làm

Kể về quá trình thành lập trung tâm, chị Hoa cho biết: Năm 2002, chị theo dạy học ở các lớp trẻ tình thương của Hội Từ thiện thành phố Hà Nội. Tiếp đến, năm 2006, chị vào các tỉnh phía nam tham quan mô hình dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Những chuyến đi thực tế đó làm chị cứ ám ảnh mãi hình ảnh những đứa trẻ thiếu may mắn nhưng lại khát khao được lao động và đặc biệt là các em rất cẩn thận, kiên trì. Chị đã mang ý tưởng thành lập trung tâm dạy nghề trình bày với ông Nguyễn Khánh Thiện – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Hà Nội. Nhưng đáp lại nhiệt huyết của chị chỉ là lời hứa giúp về tinh thần chứ về kinh tế thì không thể, bởi trung tâm cũng đang phải trải qua thời kỳ rất khó khăn. Vì vậy, chị đành phải về nhà thuyết phục chồng và các con, rồi đi vay mượn khắp xóm làng để xây 2 dãy nhà tạm trên mảnh đất phía trước nhà. Một dãy nhà dùng làm xưởng, còn một dãy nhà dùng để làm chỗ ở cho các cháu.

Ròng rã mấy tháng trời, một mình chị phải vật lộn nào là lo kinh phí để xây nhà xưởng, nào là đi tìm các nhà hảo tâm tài trợ, rồi tìm kiếm ngành nghề sao cho phù hợp với người khuyết tật. Chị Hoa tâm sự “dù mệt mỏi, vất vả một chút, nhưng công trình hoàn thành đúng dự kiến là tôi vui lắm rồi”. Và rồi, ngày 28-8-2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa chính thức được ra đời. Và ngay trong ngày ra mắt đầu tiên đã có 15 em từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam tìm đến xin học.

Tuy nhiên để có được như ngày hôm nay, chị Hoa đã phải trải qua rất nhiều sóng gió. Đầu tiên là những lời thị phi cay nghiệt của những người hàng xóm khi họ thấy “mẹ” đưa đón mấy chục em tàn tật đến trung tâm. Em thì bại liệt, em khèo tay, em thiểu năng… Nhiều người còn nói rằng, “cái ngõ đang đẹp thế này tự dưng lại đem một đống người “không ra gì” về xóm”, hoặc “chắc bà này có ý đồ gì đây, người bình thường còn chẳng làm được gì mà đây lại toàn người khuyết tật…”.

Cứ như thế, hàng trăm, hàng ngàn lời đồn thổi cũng từ đó mà bung ra khiến chị đau lòng, nản trí. Nhưng rồi, nhờ sự động viên của những người thân và hy vọng từ chính những người khuyết tật đã khiến cho chị quyết tâm hơn, phải làm bằng được, chứ không đầu hàng. “Mình làm bằng tâm thì chẳng có gì phải ngại, miễn sao các cháu có công ăn việc làm là được rồi”, chị Hoa tâm sự.

Tiếp đến là việc làm thế nào để dung hòa được những con người vốn có sự tự ti rất lớn cũng khiến chị Hoa mất khá nhiều công sức. “Hơn 40 đứa, mỗi đứa một tính cách, chỉ cần nói nặng một câu là sẵn sàng bỏ đi ngay, phải động viên an ủi vỗ về như trẻ lên 3 ấy chứ”, chị Hoa cho biết. Cứ mỗi lần những đứa “con” của mình ốm, sốt hoặc lên cơn, chị Hoa như ngồi trên đống lửa, nhiều đêm thức trắng để chăm chút cho chúng.

Thời gian đầu, tất cả các em học nghề may, nhưng nhiều em không thể theo kịp. Chị Hoa lại phải trăn trở tìm những ngành nghề khác sao cho phù hợp với sức khỏe của từng em. Đang loay hoay thì chị Nguyễn Thu Trang ở xã Cự Khê, Thanh Trì trước đây từng làm ở một vài cơ sở thủ công chuyên bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài đến trung tâm và bàn với chị Hoa và hướng dẫn các em làm những con giống lõi gỗ, vỏ bằng giấy màu. Thật bất ngờ, chỉ sau vài ngày hướng dẫn, các em trong trung tâm đã làm được những con giống đầu tiên tương đối hoàn thiện và không hề kém cạnh với những người đã làm lâu năm.

Một niềm vui nữa đến với các em ở trung tâm đó là sự góp mặt của 4 cô giáo đến tình nguyện xin được giúp đỡ. Cô Đoàn Minh Diệp vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, cô Trần Minh Hoa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang cũng tình nguyện về đây dạy các cháu may, thêu. Cô Nguyễn Thị Minh, bỏ cửa hàng may ở quận Hoàn Kiếm để về đây dạy cho các cháu nghề may, đan lát. Cô Nguyễn Thị Lan thì tranh thủ lúc rảnh rỗi ghé qua giúp trung tâm đưa hàng. Rồi bà Soạn ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), nghe tin chị Hoa mở trung tâm từ thiện, bà đã đến xin ở và giúp đỡ các cháu. Hàng ngày bà giặt giũ, nấu cơm cho lũ trẻ mà không đòi hỏi một chút quyền lợi nào.

Ươm mầm tình yêu cho những người đồng cảnh ngộ

Trong lúc trò chuyện cùng chị Hoa, chúng tôi được chị giới thiệu “trung tâm đã có 4 đôi nên duyên vợ chồng rồi đấy nhé. Nhà báo thấy mình “mát tay” không”. Như để minh chứng, chị Hoa dẫn chúng tôi đến gặp anh Trần Văn Tưởng và chị An Thị Kim Tiền, cả 2 đều bị liệt 2 chân và đây cũng chính là cặp vợ chồng đầu tiên của trung tâm và hiện giờ anh chị đã có 1 cháu trai 2 tuổi rất bụ bẫm khỏe mạnh.

Anh Tưởng tâm sự : “Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ đây là một giấc mơ. Bởi trước khi vào đây tôi chỉ nghĩ mình sẽ có cơ hội được học nghề và làm việc với những người đồng cảnh ngộ như mình, nhưng không thể ngờ tôi đã có một mái ấm, một gia đình đúng nghĩa, có vợ, có con”. Ôm cậu con trai vào lòng, chị Tiền nhớ lại, ngày đầu khi 2 đứa đến với nhau, chúng tôi cũng gặp phải rất nhiều lời dị nghị của mọi người, nhất là gia đình 2 bên. Mọi người bảo 2 đứa liệu có nuôi nổi mình không mà lo chuyện gia đình…

Khi chúng tôi hỏi, hiện cuộc sống của gia đình anh chị thế nào? Anh Tưởng vui vẻ cho hay: Hiện thu nhập của 2 anh chị trong trung tâm cũng được 2,5 triệu/tháng, nhờ tiết kiệm và giúp đỡ của “mẹ” Hoa và các bạn trong trung tâm nên cũng không quá túng thiếu. Kể từ ngày anh chị có cháu Trần Thanh Phong, mọi người trong trung tâm luôn coi là “báu vật”.

Gần chỗ vợ chồng Tưởng và Tiền là cặp đôi Dương Văn Minh và Nguyễn Thị Thương. “Hai đứa yêu nhau cũng được hơn 3 năm rồi đấy, mới hôm rồi gia đình 2 bên đã đến trung tâm đặt trầu cau và nhờ tôi đứng ra tổ chức cho 2 em nó. Chắc cuối năm là chàng đưa nàng về dinh đấy”, chị Hoa tâm sự.

 

Nụ cười hạnh phúc của đôi bạn Dương Văn Minh và Nguyễn Thị Thương

Nở những nụ cười bẽn lẽn, thẹn thùng, Thương tâm sự với chúng tôi: “Em quen anh ấy từ những ngày đầu gặp nhau, mặc dù bị liệt cả 2 chân nhưng anh ấy lại là người rất khéo léo, ăn nói nhẹ nhàng và hay giúp đỡ người khác. Hơn nữa chúng em là những người đồng cảnh ngộ nên cũng dễ hiểu nhau hơn. Chỉ hy vọng 1 điều là làm sao có được sức khỏe để sống bên nhau trọn đời anh ạ”.

Chị Hoa còn bật mí cho chúng tôi “sắp tới trung tâm sẽ xây thêm 5 căn phòng dành cho những đôi uyên ương và cũng là chỗ để cho nhiều cháu thi thoảng xuống thăm bạn bè có chỗ ăn, chỗ nghỉ”…

Chia tay những người trong Trung tâm Quỳnh Hoa khi ánh nắng của những ngày đầu hè đã khuất sau rặng tre, bóng tối đã dần dần phủ xuống trên mọi ngả đường. Trên đường về thành phố, chúng tôi cứ nghĩ mãi câu nói của chị Hoa – người “mẹ” hiền của hơn 40 số phận thiệt thòi: “Dù sao sống trên đời cũng cần có một tấm lòng”.

Nguyễn Bắc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc