Tại Đường Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

Người dân phải sống được bằng di sản

15:10 | 25/05/2013

847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Việc bức xúc của người dân là câu chuyện lớn, rất khó, phải tháo gỡ dần dần. Nhiều cái phải có lộ trình, bước đi, nhưng tinh thần là phải làm khẩn trương. Trước mắt phải làm ngay quy hoạch tổng thể, quy hoạch bảo tồn - tôn tạo, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, triển khai ngay dự án giãn dân theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố trong tháng 6/2013” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã kết luận như vậy trong cuộc họp về công tác bảo tồn và quản lý di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm, diễn ra vào sáng 21/5.

>> Bí thư Hà Nội thăm làng cổ Đường Lâm

>> GS Trần Lâm Biền: Cần một cái bắt tay

Bức xúc có thật

Một đại diện cho người dân làng cổ là bà Giang Tú Oanh phát biểu: “Người dân làng Đường Lâm rất tự hào khi đón nhận di tích làng cổ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó cái từ “làng cổ” luôn đè lên đôi vai chúng tôi. Toàn dân bức xúc lâu lắm rồi, do không chịu được nữa mới bùng ra. Vì quy định, nhiều người dân không được sống trong điều kiện sinh hoạt tối thiểu; không được sống tự do trên mảnh đất ông cha để lại. Chúng tôi là con, cháu vùng đất hai vua, làng được trao danh hiệu làng di sản thì tự hào lắm chứ. Nhưng cũng cần phải hài hòa lợi ích, vừa có thể bảo tồn di tích vừa để chúng tôi sống được, chứ bức bối thế này làm sao chịu nổi! Có 8m2 mà vợ chồng cùng hai đứa con vừa làm chỗ ngủ vừa làm bếp nấu ăn, vừa làm nơi để con cái học bài. Mùa rét thì đỡ, mùa hè thì vào nhà mà như chui vào cái lò lửa. Muốn xây nhà mà xin phép cũng không được. Không cơ quan nào đồng ý với thiết kế của dân. Chúng tôi là nông dân, đâu có tiền đi mua ngói, mua gỗ để làm, mà xây tường gạch, xi măng là vi phạm. Vậy phải làm sao?

Nhiều người dân Đường Lâm cho rằng, sự vô lý, bất bình đẳng cứ nối tiếp, kéo dài làm cho “giọt nước tràn ly”. Từ sự thiếu minh bạch, thiếu công khai trong việc thu chi tiền bán vé tham quan làng cổ đến việc bất nhất trong cưỡng chế nhà xây dựng; rồi tình trạng người dân “tay trắng” từ hoạt động khai thác du lịch làng cổ Đường Lâm... đã quá khả năng chịu đựng của người dân. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều hộ gia đình trong làng cùng ký đơn gửi các cơ quan chức năng, xin trả lại danh hiệu làng cổ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lắng nghe ý kiến của người dân làng cổ Đường Lâm

Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thừa nhận: “Sự bức xúc của người dân mà báo chí phản ánh gần đây là có thật. Nhân dân không được hưởng đồng nào từ việc bán vé, việc xây nhà lại gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thủ tục, có xin được cũng không xây được vì giá nguyên liệu theo đúng quy định là rất đắt. Xin kiến nghị các cấp cần phải ban hành ngay một mẫu thiết kế thích hợp cho người dân để họ có thể tuân theo quy định mà vẫn đảm bảo cuộc sống sinh hoạt”.

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là quần thể di tích có mật độ dày đặc với hơn 50 di tích có giá trị, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ cấp tỉnh/thành phố). Hiện nay Đường Lâm còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt (niên đại 200-400 năm), 74 ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thẳng thắn đánh giá về vai trò của Ban Quản lý di tích, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm nhận lỗi vì việc tham mưu đối với các cơ quan quản lý Nhà nước chưa tốt. “Giá như có hội nghị này cách đây 6-7 năm thì tốt quá, sẽ không có chuyện người dân bức xúc như vừa qua”. Về việc thu chi tiền bán vé, ông Sơn cho biết, năm 2012, tiền bán vé thu được 1,4 tỉ đồng đã được Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra. Tiền thu được dành để chi trả lương cho nhân viên, hỗ trợ đảm bảo an ninh, hỗ trợ 13 ngôi nhà cổ, hỗ trợ tu bổ 7 di tích, hỗ trợ xã phối hợp tuyên truyền, quảng bá để bà con chấp hành Luật Di sản.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cũng thừa nhận, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm còn nhiều thiếu sót. Trong đó, tiến độ lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị làng cổ và quy hoạch xây dựng khu giãn dân còn chậm. Trong 8 năm qua, chưa thực hiện giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ (hiện nay có khoảng 320 hộ cần phải giãn dân; dự kiến đến năm 2020 có khoảng 300 hộ nữa cần giãn dân). Đây là vấn đề lớn, cần phải có vốn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức giãn dân, sửa chữa nhà ở, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ; chưa xây dựng được phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch…

Lo cho dân và giữ di sản

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, hiện nay việc tổ chức giãn dân để phục vụ công tác bảo tồn Di tích Làng cổ Đường Lâm đang là vấn đề đặc biệt cấp bách nhằm giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ông Thành kiến nghị các cấp, các ngành thiết kế mẫu nhà phù hợp để nhân dân căn cứ vào đó mà sửa sang những ngôi nhà xuống cấp. Nhanh chóng thực hiện phương án giãn dân để những gia đình trẻ chuyển đến sinh sống.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng cho rằng: “Hiện nay chúng tôi đang rơi vào thế “trên đe dưới búa”. Áp lực từ phía người dân đòi sửa nhà, đòi cải thiện nơi ở, mà đó là nguyện vọng chính đáng; bên trên thì không cho vì quy định của Luật Di sản không cho phép. Đó là những bất cập lớn cần phải tháo gỡ. Chúng tôi thừa nhận đã sai và nhận lỗi vì không tham mưu kịp cho các cấp chính quyền trong thời gian qua, dẫn đến vụ việc như vừa rồi, song đó cũng là lỗi do khách quan, do bất cập trong Luật Di sản khi đưa vào thực tế.

Nghề làm tương ở làng cổ Đường Lâm có thể phát triển thành sản phẩm du lịch

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ với bức xúc của người dân. Ông Tiêu đề nghị, thành phố phải có cú hích ban đầu cho di sản này để có cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở nông nghiệp lấy dịch vụ du lịch là chủ yếu. Trước mắt phải phê duyệt quy hoạch tổng thể, rồi xây dựng quy chế chi tiết cho làng cổ Đường Lâm. Tiếp đến là cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân một cách hợp lý, gắn liền quyền lợi, trách nhiệm của dân với di sản mà họ sở hữu. Có như vậy mới cân bằng lợi ích của người dân giữa bảo tồn và phát triển.

Chia sẻ những khó khăn của người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã xin lỗi và chia sẻ những bức xúc với người dân Đường Lâm. Vì phải làm trách nhiệm với di sản mà người dân phải chịu đựng nhiều khó khăn. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, khác với các di tích thông thường, làng cổ Đường Lâm là một thực thể sống, trong đó hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân cư làng xã và họ hiện vẫn phải tiếp tục sống ở đây lâu dài. Vì thế, phải làm thế nào cho họ thấy được những lợi ích và trách nhiệm để bảo tồn di tích. Không ai khác, chính người dân Đường Lâm phải thấy yêu di sản của mình, họ phải mong muốn gìn giữ và cùng chung tay để bảo tồn. Muốn làm được điều đó thì cơ chế đưa ra phải gắn với quyền lợi của người dân, bảo tồn phải mang lại lợi ích cho dân.

Ông Phạm Quang Nghị lưu ý: “Đã là di tích thì phải bảo tồn theo đúng luật và các quy định, tuy nhiên, với tính chất đặc thù làng cổ, bảo tồn ở Đường Lâm cần phải được xử lý một cách thấu đáo, linh hoạt. Ngay cả việc giãn dân cũng phải tính toán thật kỹ lưỡng, xem dân đã sẵn sàng chưa và ai đi trước ai đi sau. Việc xử lý vi phạm cũng phải linh hoạt, mềm dẻo, bởi vì xử lý cái gì cũng đụng vào tài sản của dân. Quản lý làng cổ Đường Lâm chúng ta không nên quá cầu toàn. Không thể áp dụng hoàn toàn những quy chế, chính sách… cho từng ngôi nhà, từng công trình. Theo tôi, trong phạm vi không gian bảo tồn, những gì có giá trị cao cần cố gắng giữ cho được tối đa yếu tố nguyên gốc. Đối với 1.000 nhà dân có giá trị bình thường cần sớm cho ra một số mô hình, kiến trúc, vật liệu phù hợp để người dân làm theo”.

Đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong làng cổ Đường Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc nhở cơ quan chức năng cần phải trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng đưa ra những đánh giá cụ thể. Công trình nào do người dân tự làm thì phải tự chịu trách nhiệm. Công trình nào có lỗi do chính quyền thì phải cùng nhân dân giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, trong tháng 6/2013 thành phố sẽ hoàn thành phê duyệt quy hoạch Di tích Quốc gia Làng cổ Đường Lâm. Về quy hoạch giãn dân, thành phố đã chấp thuận và đưa ra địa điểm. Tuy nhiên, những tiêu chí để cấp đất cho dân như thế nào thì là do xã và thị xã, phải từ cơ sở. Hơn nữa cần phải có cơ chế tài chính công khai minh bạch trong vấn đề này.

* Ý kiến chuyên gia

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên:

“Thời gian qua, Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách cho Đường Lâm, nhưng vẫn chưa cụ thể và chi tiết. Vì vậy, tới đây cần đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch tổng thể, làm cơ sở phê duyệt dự án thành phần, trong đó ưu tiên cho hai dự án gồm “bảo tồn khẩn cấp” và “giãn dân”. Bên cạnh đó, vì đây là 1 trong 5 ngôi làng cổ đặc biệt trên thế giới và duy nhất ở nước ta nên Hà Nội cần tính đến cơ chế đặc thù”.

 

 

PGS.TS Đặng Văn Bài:

“Những vướng mắc của Đường Lâm đang gặp phải giống như các vướng mắc của nhiều nước có làng cổ và được công nhận. Hãy gần dân hơn nữa để cảm thông. Tôi nghĩ cái cần giữ ở Đường Lâm là cảnh quan sinh thái, nhân văn của một làng cổ nông nghiệp. Lâu nay chúng ta mới chỉ chú trọng đến bảo tồn. Còn nguyên nhân bức xúc của bà con là nguyện vọng chính đáng không được giải quyết, không thể nhân danh bảo tồn mà để người dân sống khổ. Mình không thể yêu cầu dân phải thế này, thế kia mà phải hướng dẫn cho người dân cách làm, phải hỗ trợ để người dân tồn tại, sống được cùng di sản”.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Lưu Minh Trị:

“Làng cổ Đường Lâm là một viên ngọc quý, đang phục hồi và có sức sống. Điều này được thể hiện qua việc rất nhiều du khách đến tham quan, du lịch đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho những gia đình ở đây. Theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế đặc biệt để bảo vệ những ngôi nhà di sản ở Đường Lâm. Cùng với đó, phải có quy chế thông thoáng, tạo điều kiện cho dân sống được với di sản. Những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Những ngôi nhà bình thường cần tạo điều kiện cho người dân cơi nới lên tầng 2 nhưng buộc phải có mái ngói và xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định”.

Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Lưu Trần Tiêu:

“Không phải xếp hạng di tích để rồi làm khó cho dân. Đã là di tích thì cấp tỉnh, quốc gia đều phải tôn trọng như trong Luật Di sản quy định. Tôi thông cảm với bức xúc của người dân nhưng trong di tích ai cũng xây nhà cao, cửa rộng liệu du khách có tìm đến nữa không? Để giải quyết vấn đề này, cách tốt nhất là gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với di tích. Cần phải sớm thực hiện việc giãn dân. Ở làng cổ chỉ nên để mỗi hộ có 4 nhân khẩu. Phần sinh sôi thì cho giãn dân ra chỗ khác nhưng vẫn phải có mối liên hệ với gốc tích của họ. Di sản phải sống với người dân, người dân phải là hơi thở của di sản. Giữ di sản chính là phải ưu tiên cho chính người dân sống ở trong đó”.

Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn:

“Bức xúc của người dân ở đây là có thật. Chúng tôi thừa nhận đã sai và nhận lỗi vì đã không tham mưu kịp cho các cấp chính quyền trong thời gian qua, dẫn đến vụ việc như vừa rồi, song đó cũng là lỗi do khách quan, do bất cập trong Luật Di sản khi đưa vào thực tế. Tôi tin rằng, sau buổi tiếp xúc của Bí thư Thành ủy thì bà con đã hiểu hơn và tin tưởng vào sự tháo gỡ của các cơ quan quản lý trong thời gian tới”.

Ngay sau khi các hộ dân ở làng cổ Đường Lâm gửi đơn xin trả lại bằng di sản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thẩm định Quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Quy hoạch xây dựng khu dãn dân và Điều lệ quản lý quy hoạch, trình UBND TP phê duyệt trong tháng 6/2013.

Ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, công tác quản lý, bảo tồn Di tích Làng cổ Đường Lâm tuy có cố gắng nhưng còn nhiều hạn chế, đó là: Chưa hoàn thiện quy hoạch và các chính sách cho việc bảo tồn; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp…

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đây là mô hình bảo tồn làng cổ đầu tiên, chưa có tiền lệ nên rất khó khăn; đồng thời công tác chỉ đạo của UBND thị xã Sơn Tây, UBND xã Đường Lâm còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt; chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa các sở, ban, ngành thành phố; ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của một số ít người dân chưa cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cùng lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về công tác bảo tồn di tích.


Nhật Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc