Người chuyên vai phản diện

10:34 | 17/05/2011

756 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ Nguyễn Hải sinh năm 1958, hiện là trung tá, Phó trưởng Đoàn kịch nói Công an Nhân dân, đã 20 năm trong nghề diễn viên. Là chiến sĩ công an, nhưng anh lại vào các vai tội phạm rất thành công.

Anh đã khẳng định tên tuổi với những vai phản diện ấn tượng trong các bộ phim: “Chuyện làng Nhô”, “Cổ cồn trắng”, “Cái chết con thiên nga”, “Bí mật cuộc đời”, “Chạy án”…, ngoài ra còn phải kể đến sự tham gia của anh qua các vở kịch “Ông không phải là bố tôi”, “Khoảnh khắc mong manh”, “Cuộc chia tay lần cuối”, “Quả báo”, “Đối đầu”, “Quyết định sinh tử”…

Anh hình như đến với nghiệp diễn viên hơi muộn?

- Có lẽ tại duyên trời, phận đời đưa tôi đến với nghề. Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, tôi vào học Trường ĐH Mỏ – Địa chất. Ngày ấy học khó, ở khổ và xa xôi tít trên Mỏ Chè (Đồng Hỷ – Bắc Thái)… Lớp tôi nhiều bạn tìm đường rẽ, bây giờ ai cũng khá cả: Người thì quan chức, bạn thì giàu sang…, ấy vậy mà tôi lại sợ mang tiếng nhiều lẽ, là vì bố mẹ tôi thương tôi lắm, chắt chiu từng xu cho con ăn học nên tôi không dám bỏ học đi tìm đường khác cho riêng mình, thế là cứ trăn trở trong lòng.

Nguyễn Hải trong vai Tổng Giám đốc trong phim "Chạy án"

Nhiều lần các đoàn văn công về biểu diễn cho sinh viên xem, không tối nào tôi không đến xem, kể cả bỏ ăn, đến thật sớm, ngồi thật gần để nhìn cho rõ diễn viên. Rồi mê say đến độ, hễ có dịp là “chuồn” đi xem dù có xa 30-40 cây số, mà ngày xưa toàn đi bộ thôi, nghèo lắm, xe đạp cũng không có, cũng làm gì có xe ôm. Mê kịch quá, nên năm 1979 chuẩn bị tốt nghiệp đại học, tôi vừa làm đồ án tốt nghiệp vừa ôn thi vào ĐH Sân khấu điện ảnh mới được thành lập. Năm 1981, tôi vào học khóa 1, lớp diễn viên, khoa Biểu diễn.

Các đạo diễn luôn mời anh vào các vai phản diện, có phải do ngoại hình của anh phù hợp với những vai như thế hay tại “tạng” anh có năng khiếu mạnh hơn về diễn xuất?

- Tại sao? Tại sao tôi lại phải trả lời thay cho các đạo diễn? Họ thấy thích thì chọn, thấy ai đủ bản lĩnh nghề nghiệp thì chọn… Ý đồ của đạo diễn biết sao được? Tôi thích nhìn nhận mình là đàn ông thực sự, còn con người tôi thì bố mẹ sinh ra, trời cho “khuôn mặt gồ ghề góc cạnh, đôi mắt đâu có to mà lại ti hí lá răm, lúc nói cũng long lên (bởi tôi nóng tính đấy thôi), cười tít có đuôi… dáng đi khuỳnh khuỳnh ngang tàng, tác phong lúc nào cũng vội” (đây là lời một đạo diễn thành danh nhận xét về tôi). Ngoại hình tôi như vậy đấy. Thật tình, không biết do ngoại hình hay không mà tôi hay được đạo diễn “ưu ái” cho những vai phản diện rất hay…

Tôi tham lắm, vai gì cũng muốn được thể hiện, nhưng cố gắng đừng lặp lại những gì mình đã làm, người khác đã làm. Dù vai dài, ngắn, dù chính diện hay phản diện, thì tâm lý diễn xuất có vai trò cực kỳ quan trọng: Diễn phải có “hồn”, tức là có nội tâm nhân vật, có chiều sâu…, về khoa học đòi hỏi phải có kỹ thuật diễn xuất khá vững vàng, về mặt pháp lý phải luôn làm chủ hành vi của mình.

Anh có học hỏi được nhiều từ các thế hệ diễn viên đàn anh không và đó là những ai?

- “Phi học hành bất thành tử tế”, “Phi học bất thành nhân” là câu mà người bạn đời của tôi hay đùa, cô ấy là người dạy tôi thường xuyên đấy. Tôi mang ơn “bạn ấy” (học cùng lớp mà) mỗi lần tôi diễn đều đi xem, dù công việc bận lắm vậy mà chẳng bỏ rơi tôi trên sàn diễn bao giờ đâu. Tôi học các đàn anh đàn chị, học đồng nghiệp nhiều lắm chứ… bởi cách diễn của mỗi diễn viên đều có mặt mạnh yếu riêng, ít ai mạnh cả mọi mặt lắm.

Anh có thấy chán khi luôn bị “khuôn” vào các vai phản diện?

- Nếu chán thì chẳng nhận làm nữa, nhưng mà cũng hơi buồn vì chẳng đạo diễn nào dám cho tôi làm vai chính diện nữa. Có lúc tôi đùa mà bắt vạ đạo diễn – NSND Lê Hùng vì chính ông dạy tôi, cho tôi vai chính diện đầu tiên khi về Đoàn kịch Công an Nhân dân, rồi lại chính ông đẩy tôi sang đóng vai phản diện và tôi bị “đóng đinh” với nó.

Đóng các vai phản diện nhiều thế anh có sợ khán giả “ngán” thấy mặt mình?

- Đây là điều tôi sợ lắm chứ. Bạn xem cái mặt có quan trọng không, quan trọng lắm chứ! Nhân gian mà nói “ghét cái mặt” là nói yêu, còn khán giả mà chán cái mặt thì thôi rồi, bởi lẽ lối diễn, cách diễn nếu cũ quá, không sáng tạo. Tôi sợ nhất là mình không đủ sức sáng tạo để làm mới hình ảnh của mình. Không để khán giả chán thấy mặt mình là “nhiệm vụ tối cao” cực kỳ quan trọng đối với tôi mỗi khi biểu diễn.

Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, anh hài lòng điều gì nhất?

- Về nghệ thuật chưa hài lòng gì cả, chỉ tạm bằng lòng với những gì mình có.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo LĐ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.