Người bị bệnh tiểu đường có ăn cam được không?

09:31 | 27/04/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ðối với bệnh nhân tiểu đường, biện pháp tốt nhất giúp duy trì mức đường huyết an toàn là dùng thuốc, năng vận động và ăn uống có kiểm soát. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng người bị tiểu đường cần tránh ăn các loại trái cây giàu đường - điển hình như cam. Vậy điều này có đúng không?
5 tác động tích cực của tập thể dục đối với bộ não5 tác động tích cực của tập thể dục đối với bộ não
Những lợi ích sức khỏe không ngờ từ quả dâu tằmNhững lợi ích sức khỏe không ngờ từ quả dâu tằm
Người bị bệnh tiểu đường có ăn cam được không?
Ăn cam ở mức độ vừa phải tốt cho sức khỏe bệnh nhân tiểu đường.

Trên thực tế, các chuyên gia sức khỏe cho biết cam là thực phẩm có thể bổ sung vào chế độ ăn “thân thiện” đối với bệnh nhân tiểu đường. Khi ăn vừa đủ, loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao này rất tốt cho sức khỏe của người bệnh với những lợi ích nổi trội, gồm:

+ Không làm tăng vọt chỉ số đường huyết (GI, tốc độ mà thực phẩm ảnh hưởng đến mức đường huyết sau khi ăn). Theo các chuyên gia, tiêu thụ thực phẩm có GI thấp giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể. Trái lại, tiêu thụ thực phẩm có GI cao - như trái cây sấy khô, ngũ cốc ăn sáng và bánh mì - dễ làm đường huyết tăng nhanh. Nhờ có GI thấp, cam khiến mức đường huyết trong cơ thể tăng chậm nên loại trái cây này thích hợp cho người mắc bệnh tiểu đường.

+ Cung cấp chất xơ giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết. Cụ thể, chất xơ làm chậm tốc độ gia tăng đường huyết sau bữa ăn bằng cách trì hoãn quá trình làm trống bao tử và rút ngắn thời gian thức ăn di chuyển trong đường tiêu hóa. Theo một đánh giá đối với 15 nghiên cứu tiến hành trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, tiêu thụ chất xơ giúp làm giảm đường huyết lúc đói và hemoglobin A1C - một dấu hiệu cho thấy khả năng điều chỉnh mức đường huyết của cơ thể. Một quả cam cỡ vừa chứa 4gr chất xơ.

+ Giúp bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất có lợi. Thông thường, một quả cam cỡ vừa cung cấp khoảng 91% nhu cầu vitamin C, 12% nhu cầu folate và 6% nhu cầu kali mỗi ngày. Trong đó, vitamin C cũng là một chất chống ôxy hóa giúp chống lại tình trạng căng thẳng (stress) ôxy hóa trong cơ thể, thường xuất hiện đường huyết tăng cao, dẫn tới tổn thương tế bào và sinh bệnh. Trong khi đó, lượng kali và folate trong cam có thể cải thiện tình trạng kháng insulin, kiểm soát đường huyết và các bệnh lý về mắt do tiểu đường gây ra.

+ Bổ sung flavonoid tự nhiên. Chất chống ôxy hóa này có nhiều lợi ích đối với người mắc bệnh tiểu đường - bao gồm tăng độ nhạy insulin, chống lại chứng viêm, stress ôxy hóa và kháng insulin. Không chỉ là một trong những nguồn cung flavonoid dồi dào nhất, cam còn chứa anthocyanin - một phân nhóm flavonoid phổ biến trong các loại trái cây và rau củ màu đỏ, tím hoặc xanh dương. Nghiên cứu cho thấy anthocyanin có thể chống lại stress ôxy hóa, bệnh tim và viêm.

Người bị tiểu đường cần lưu ý gì khi ăn cam?

Ðể giữ mức đường huyết trong phạm vi bình thường, bệnh nhân tiểu đường nên giới hạn lượng tinh bột - đường (carb) tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 50%-60% trong tổng lượng calo nạp vào cơ thể. Ví dụ, nếu chế độ ăn cần bổ sung 2.000 calo/ngày, thì người bệnh chỉ nên nạp từ 1.000-1.200 calo từ carb, tức khoảng 250gr-300gr carb/ngày. Tùy thuộc vào vóc người và mức độ vận động, lượng cam tiêu thụ ở mỗi người sẽ khác nhau. Song mức an toàn là 3-4 phần cam mỗi ngày (1 phần bằng 140gr hoặc nửa trái cam). Còn trong trường hợp bị hạ đường huyết, bạn có thể uống khoảng 120ml nước cam để đưa lượng đường huyết trở lại mức bình thường.

Lưu ý, tuy nước cam ép nguyên chất chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng lại thiếu chất xơ cần thiết để điều chỉnh lượng đường trong máu. Hơn nữa, nước cam ép cũng có GI cao, dễ làm tăng đường huyết, nên lời khuyên cho người bệnh là nên ưu tiên ăn cam cả múi.

Bệnh nhân tiểu đường không nên ăn cơm nóng

Các nhà khoa học Ba Lan cho biết ăn cơm để nguội thay vì cơm nóng có thể trì hoãn quá trình làm tăng đường huyết ở người bị tiểu đường.

Trước đó, các chuyên gia tại Ðại học Poznan đã so sánh mức đường huyết của 32 bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 sau khi họ dùng 2 kiểu bữa ăn khác nhau. Tuy cùng cung cấp 46gr carb, nhưng một bữa ăn là dùng cơm ngay khi vừa nấu chín còn một bữa là dùng cơm nguội được hâm nóng. Kết quả cho thấy so với nhóm ăn cơm nóng, nhóm ăn cơm nguội hâm lại có mức đường huyết ổn định hơn đáng kể, với chỉ số đường huyết tăng lên cũng ít hơn và thời gian đạt đỉnh ngắn hơn.

Trong một thử nghiệm tương tự hồi năm 2015, tiến hành trên những người không bị tiểu đường, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy việc ăn cơm để nguội bớt ít khiến đường huyết tăng vọt hơn cơm nóng.

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo điện tử Cần Thơ

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]