Ngôi đền “lạ” ở Hải Dương

20:40 | 17/10/2017

5,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lớn giúp vua Lê Đại Hành giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981. Trải qua hơn 1.000 năm, với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi đền vẫn trường tồn cùng “tuế nguyệt” và trở thành một địa chỉ tâm linh của du khách thập phương.

Chúng tôi đến đền Cao (thuộc thôn Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) vào một ngày hè nắng đến cháy da cháy thịt. Tuy nhiên, khi bước vào khuôn viên của đền, không khí chợt dịu mát hẳn bởi được bao bọc bằng rừng cây cổ thụ.

Đền Cao nằm trên đỉnh núi Thiên Bồng, giữa quần thể có 99 ngọn núi bao bọc vùng đất này. Còn rừng lim cổ thụ lại bao bọc toàn bộ di tích đền Cao với hàng trăm cây lim, trong đó có 54 cây lim đại thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

ngoi den la o hai duong
Cụ Nguyễn Văn Tặng bên gốc lim cổ thụ từng bị cháy đã được chính tay cụ dập lửa cứu cây

Anh Phan Văn Đức, Tổ trưởng Tổ Quản lý khu di tích đền Cao (thuộc Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh) kể. Vào thời Đinh ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có một gia đình chồng tên là Vương Đức Tĩnh, vợ là Đào Thị Thanh, lấy nhau mãi mà không có con. Gia cảnh khó khăn, họ dời quê hương đến Dược Đậu trang (nay là thôn Đại, xã An Lạc) sinh cơ lập nghiệp. Vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh chẳng mấy chốc làm ăn tấn tới, khá giả nhưng họ vẫn canh cánh chưa có mụn con. Ông bà thành tâm lập đàn giữa trời, dâng lễ chay cung kính mong trời phù hộ ban phước cho họ có con.

Nửa đêm hôm ấy, bà Thanh nằm mơ, được thần báo mộng: “Gia đình nhà ngươi có phúc dày, trời cao đã biết. Nay trời ban cho một bọc 5 trứng, 3 trứng vàng, 2 trứng xanh đầu thai vào nhà người làm con quý tử”. Một hôm đang tắm trên dòng Nguyệt Giang, bà thấy sóng nước cuồn cuộn, chợt có con giao long ngũ sắc nổi lên cuốn chặt lấy bà 5 vòng, bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Một lát sau, giao long biến mất, mưa gió tự nhiên tạnh hẳn.

Từ đó, bà Thanh thấy trong người khang khác, rồi bà mang thai. Đủ tháng, đủ ngày, bà sinh ra một bọc 5 trứng, sinh 3 con trai, 2 con gái đặt tên là: Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, con gái đặt tên Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Vợ chồng ông bà Vương Đức Tĩnh nuôi con ăn học chu đáo. Ông bà mất trong lần về thăm quê, để lại 5 người con.

Đền Cao nằm trên đỉnh núi Thiên Bồng, giữa quần thể có 99 ngọn núi bao bọc vùng đất này. Còn rừng lim cổ thụ lại bao bọc toàn bộ di tích đền Cao với hàng trăm cây lim, trong đó có 54 cây lim đại thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Lúc bấy giờ giặc Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Vua Lê Đại Hành đem quân đi đánh giặc, qua Dược Đậu trang, 5 anh em họ Vương đến xin ứng thí tài năng với mong góp sức đánh đuổi kẻ thù cứu nước, cứu dân. Nhà vua phong chức tướng quân cho 5 anh em để cầm quân ra đánh giặc và lập nhiều chiến công. Sau khi khải hoàn về kinh đô, nhà vua truyền cho 5 vị tướng họ Vương cùng về triều để ban thưởng. 5 vị tướng xin ở lại, đến khi mãn tang cha mẹ thì cùng trở về triều bái yết.

Vào đêm 24 tháng Giêng năm Mậu Dần, dông tố nổi lên, sấm chớp chói lòa, 5 vị tướng quân liền hóa về trời. Nhà vua biết tin vô cùng đau xót, tiếc thương liền sai quan triều đình về tận nơi làm lễ phúng viếng và ban lệnh truyền bảo nhân dân bản trang lập đền thờ ở các nơi thánh hóa, hương hỏa thờ phụng. Các triều đại phong kiến sắc phong và nhân dân tôn các ngài làm “Thượng đẳng phúc thần”.

Hơn 1.000 năm qua, quần thể di tích vẫn trầm mặc soi bóng xuống dòng Nguyệt Giang thơ mộng.

Cụ Nguyễn Văn Tặng, 80 tuổi, ở thôn Đại là một trong những người có nhiều năm làm công quả ở đền Cao. Cụ dẫn chúng tôi đi tham quan từng gốc lim cổ thụ ở quanh khu vực đền. Cây nào cũng già mốc thếch, hốc hác, u sần. Nhiều gốc cây bị rỗng ruột, bị sâu bệnh, nhiều chỗ bị chặt, bị gãy, bị cháy qua nhiều năm mà vẫn chưa liền sẹo được.

Nhiều “cụ” lim còn “cõng” trên thân thể già nua những cây đa sống ký sinh to vật vã. Mặc dù vậy, các “cụ” lim vẫn trường tồn cùng “tuế nguyệt” để che chở cho ngôi đền thiêng và tỏa bóng mát, dưỡng khí cho làng.

Cụ Tặng dẫn chúng tôi đến một gốc cây lim cổ nằm cạnh đền giới thiệu: “Cây này cũng có hàng trăm năm rồi. Đây là dấu tích của vết cháy của mấy chục năm về trước, chính tôi lúc đó đã chạy lên dập lửa dưới gốc cây. Đến mấy chục năm sau “vết thương” vẫn chưa thể liền được”.

Nói xong cụ lại khoát tay chỉ sang một cây lim cổ to hơn ở cuối sân đền bảo: “Cây nào cũng già lão cả rồi. Từ hồi tôi còn bé, chúng tôi đã thấy những cây lim này đã to cao như vậy”.

Chúng tôi đi đến chỗ cây lim già to cao sừng sững, chắc là cao nhất trong số những cây lim ở đây. Tôi áng chừng nhìn từ mặt đất đến ngọn cây cũng phải vài chục mét, đường kính gốc lim này phải 2 người ôm mới trọn. Trên thân cây trồi ra một cái bướu rất to, người thì bảo trông giống mặt hổ, người lại bảo trông giống mặt cáo.

Bên dưới gốc lim cổ thụ dựng một tấm bia, có biểu tượng một cây cổ và ghi dòng chữ “Cây di sản Việt Nam”. Bên cạnh là một ngôi mộ cổ. Cụ Tặng giới thiệu: “Đây là mộ cụ tổ khai sinh ra 12 họ của làng gọi là “Thập nhị gia tiên”. Chúng tôi coi rừng lim này là báu vật của cả làng. Ai cũng tự hào”.

Theo cụ Tặng, trong ngọc phả đền Cao còn giữ có một truyền thuyết kể lại rằng: Vào thời Giao Chỉ, giặc nhà Hán sang xâm lược nước ta. Chúng lùng sục khắp nơi, giết sạch đàn ông, con trai ở các vùng quê. Tuy nhiên ở An Lạc có một người đàn ông đã may mắn trốn chạy vào rừng sâu thoát thân.

Hồi đó, giặc Hán lấy cớ ép 12 cô gái trong làng làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 loại hoa với điều kiện, khi nào cây lên xanh tốt thì phải theo hầu. Hằng ngày 12 cô gái này đã bí mật mang cơm tiếp tế cho người đàn ông sống sót kia. Chính người đàn ông này đã nghĩ ra cách bày cho 12 cô gái đun nước sôi tưới quanh gốc hoa để cây cứ khô héo rồi chết dần. Giặc vốn tin chuyện phong thủy nên khi thấy hoa chết dần thì cho rằng vùng đất không tốt. Vì vậy, chúng cũng nhanh chóng thu quân để chuyển sang vùng đất khác.

Sau khi giặc rút quân, người đàn ông đó đã lấy cả 12 cô gái làm vợ. 12 cô gái đẻ con đều mang họ mẹ. Chính vì vậy 12 dòng họ khác nhau ra đời gồm: Dương, Phạm, Lê, Nguyễn, Mạc, Hoàng, Bùi, Đỗ, Cao, Lỗ, Tạ, Đào và phát triển cho đến ngày nay. Nhiều người cho rằng, cái bướu lớn ở thân cây cổ thụ này chính là hiện thân của vị ân nhân đã từng cứu giúp ông tổ 12 dòng họ thoát khỏi vòng vây của giặc. Vì lẽ đó, ngay dưới gốc cây lim, dân làng lập một ban thờ nho nhỏ, hương khói quanh năm.

Dân làng Đại và cả xã An Lạc đều coi rừng lim là “báu vật” và không tiếc công sức, thậm chí tính mạng để bảo vệ “báu vật” vô giá này.

Cũng theo cụ Nguyễn Văn Tặng, dân làng Đại và cả xã An Lạc đều coi rừng lim là “báu vật” và không tiếc công sức, thậm chí tính mạng để bảo vệ “báu vật” vô giá này. Chuyện bảo vệ rừng lim cổ cũng hết sức gay cấn, ly kỳ.

Những năm 50-60 của thế kỷ trước, lúc này rừng lim còn 60 cây. Khi ấy, chính quyền đã cho phá bỏ một số di tích đền chùa. Rừng lim này cũng nằm trong chủ trương bị đốn hạ. Nhân dân trong làng, trong xã đau đớn, xót xa khi chứng kiến những cây lim cổ thụ khổng lồ bị chặt hạ. Khi mới chặt được 6 cây, chẳng ai bảo ai các cụ già ở làng Đại cùng đông đảo người dân An Lạc đã thay nhau, mỗi ngày có 2-3 cụ lên ôm một gốc cây để ngăn không cho chặt cây.

Các cụ thẳng thắn, hiên ngang tuyên bố: “Cưa rừng lim thì phải cưa chúng tôi trước”.

ngoi den la o hai duong
Nhiều du khách thắp hương vái "cụ" lim cổ nhất ở đền Cao

Ngoài cắt cử lực lượng hằng ngày lên ôm cây ngăn không cho chặt phá, các cụ còn bàn nhau cử một đoàn gồm các bô lão cơm nắm cơm đùm kéo lên tỉnh, lên Trung ương để đệ đơn kiến nghị không chặt phá rừng lim. Vì với người dân An Lạc, rừng Lim không chỉ là lá phổi xanh mà còn là một phần máu thịt đã quá đỗi quen thuộc và thân thiết trong đời sống tín ngưỡng tâm linh.

Trước sự kiên trì, kiên quyết giải thích thấu tình đạt lý, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký văn bản chỉ đạo tạm dừng việc chặt phá rừng lim ở đây. Tin vui báo về khiến người dân trong làng, trong xã vui mừng đến rơi nước mắt. Các bô lão và dân làng đã bảo vệ thành công rừng lim cổ. Để đến hôm nay, nhân dân và du khách thập phương mới có dịp chiêm ngưỡng rừng lim cổ tỏa bóng mát sum suê che chở mưa nắng cho di tích và du khách về chiêm bái.

Chúng tôi hỏi: “Tại sao dân làng mình lại quyết bảo vệ rừng lim, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ rừng cây?”. Cụ Tặng giải thích: “Vì rừng cây này gắn với truyền thuyết về sự ra đời của 12 dòng họ của làng mà tôi vừa kể trên. Thứ nữa, rừng cây có từ lâu đời, gắn bó gần gũi mật thiết đối với đời sống của dân làng tôi từ bao đời nay và rừng lim lại ở đền Cao linh thiêng nên chúng tôi phải bảo vệ di sản của cha ông. Nếu mất rừng lim cũng có nghĩa là mất đi biểu tượng, tín ngưỡng và “linh hồn” của cả làng, của từng dòng họ nơi đây”.

Anh Phan Văn Đức, Tổ trưởng Tổ Quản lý khu di tích đền Cao cho chúng tôi biết: Ngoài không quản công sức, tính mạng để bảo vệ rừng lim cổ khỏi bị chặt phá, các ngành chức năng từ địa phương đến các cơ quan chuyên môn cũng ra sức tôn tạo, bảo vệ, bảo tồn nguồn gen vô cùng quý giá của rừng lim này.

Cụ thể, đối với 54 cây lim trong diện tích rừng 1,2ha được quy vào rừng đặc dụng, loại rừng dùng để bảo tồn thiên nhiên và được kiểm lâm bảo vệ chăm sóc. Mặt khác, năm 2000 các ngành chức năng đã tiến hành trồng nâng cấp mở rộng diện tích rừng lim lên 12ha, với mật độ hơn 300 cây/ha ở khu vực phụ cận vành đai tiếp giáp với rừng lim cổ.

Đặc biệt, từ khi được công nhận “Cây di sản Việt Nam”, rừng lim cổ thụ đã được chính quyền địa phương, Ban Quản lý Di tích Chí Linh và nhân dân, ngành chức năng chuyên môn chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, qua quan sát chúng tôi thấy có một số cây lim cổ thụ đã bị mục ruỗng và một số cây bị chết cành, thân cây bị thương, bị sâu, bị mối ăn dần; dưới gốc một số cây lim bị rác lấp kín. Những nguy cơ này nếu không được quan tâm và có chế độ chăm sóc tốt hơn sẽ trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của rừng lim cổ thụ.

Mặt khác, qua tìm hiểu, các nhà khoa học cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi nhằm bảo vệ rừng lim cổ thụ di sản này đó là cần sự chung sức bảo tồn cây quý của cả cộng đồng. Cần thường xuyên theo dõi sâu bệnh, nấm mốc và chữa trị kịp thời, định kỳ, làm vệ sinh khu vực dưới tán, phòng chống gió bão làm gãy cành lay gốc. Thường xuyên quan sát, theo dõi phần thân cây bị thối ruỗng để có biện pháp xử lý; không nên lấn chiếm không gian sống của cây; nghiên cứu làm hàng rào bao quanh khu vực để chống lấn chiếm đất đai quanh đền, nơi sinh sống của các cây lim cổ.

ngoi den la o hai duong

Đền Cao dựa lưng vào dãy núi Voi, trước mặt là dòng Nguyệt Giang. Đây là một ngôi đền độc đáo, được xây dựng từ thế kỷ X và được trùng tu lại nhiều lần. Hiện đền mang kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc đền kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, 1 gian hậu cung, mái ngói rêu phong với những đầu đao cong vút, trên mái là bức phù điêu lưỡng long chầu mặt trời. Trước sân đền có thờ voi đá, ngựa đá rất uy linh. Bên phải đền về phía tây là khu Từ Chỉ, nơi diễn ra các nghi lễ linh thiêng và độc đáo như: Lễ xin Trùm, lễ dâng hương Thập nhị gia tiên, lễ rước truyền thống…

ngoi den la o hai duong
Một góc rừng lim cổ thụ bao quanh đền Cao

Rừng lim cổ thụ ở đây trước kia trải rộng đến tận tỉnh Quảng Ninh. Hiện ở huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) vẫn còn 2 cây lim cổ thụ. Rất có thể đây là “hậu duệ” của rừng lim mà Vua Ngô Quyền khi xưa đã sai quân chặt cây, vót nhọn đầu rồi bọc sắt cắm xuống cửa sông Bạch Đằng đánh giặc Nam Hán và làm nên chiến thắng lịch sử năm 938.

Khoảng 10 năm trước, các nhà khoa học Viện Khoa học Lâm nghiệp có tiến hành các biện pháp xác định tuổi của các cây lim ở Đền Cao. Kết quả cho thấy 54 cây lim còn đến nay có tuổi khoảng trên dưới 700 năm. Đây là rừng lim có tuổi thọ cao nhất nhì Việt Nam hiện nay.

Còn Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đánh giá cây lim to nhất ở đền Cao có đường kính lên đến 1,3m, cao trên 20m và có độ tuổi hơn 800 năm. Cây bé nhất có đường kính trên 0,3m, độ tuổi hơn 200 năm. Ngày 25-2-2011, 54 cây lim cổ thụ tại đền Cao đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”.

Yên Chi - Việt Cường

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps