“Ngoại giao bốn sao”

06:55 | 24/08/2014

1,868 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ đang áp dụng một chính sách ngoại giao linh hoạt: Dùng các viên tướng cấp cao cho các vấn đề đối ngoại liên quan đến an ninh quốc phòng. Sự xuất hiện liên tục các viên tướng đeo lon 4 sao trong các chuyến công du nhiều nước đã cho thấy điều đó, như sự kiện Ðại tướng Lục quân - Tổng tham mưu trưởng quân lực Hoa Kỳ Martin Dempsey đến Việt Nam vừa rồi (sau khi đến Bắc Kinh cuối tháng 4/2014).

Nói về CINC

Không thuần túy bàn về hay nói đến các vấn đề giới hạn trong khuôn khổ quốc phòng, họ còn đưa ra những nhận định và bình luận vốn dĩ thuộc lĩnh vực của dân ngoại giao chuyên nghiệp, theo cách giống như họ là nhà ngoại giao khoác áo nhà binh. Các ý kiến của họ có giá trị ảnh hưởng nhất định đến bảng tổng phổ chính sách ngoại giao của Washington. Với tư cách “tư lệnh vùng chiến thuật”, được gọi là CINC (commanders-in-chief), họ hiểu biết tường tận các chuyển động an ninh khu vực và ý kiến của họ luôn được tổng thống chú ý.

Nói thêm về CINC. Dù được thành lập một phần từ năm 1947 nhưng CINC cùng sức ảnh hưởng của họ chỉ bắt đầu lan rộng sau năm 1980, khi 5 nhân viên Mỹ chết trong nỗ lực bất thành nhằm cứu các con tin tại Tehran. Tướng David Jones - lúc đó là Tổng tham mưu trưởng - đã than phiền rằng, thảm kịch trên hẳn không xảy ra nếu ông có quyền ra lệnh cử một nhóm phi công thiện chiến hơn.

Quốc hội phản hồi bằng việc cho thông qua Ðạo luật tái tổ chức Bộ Quốc phòng Goldwater-Nichols năm 1986, nâng thêm quyền hạn cho Tổng tham mưu trưởng: Trở thành cố vấn quân sự cho tổng thống. Ðạo luật cũng yêu cầu thống nhất cách thức sử dụng nguồn vũ khí, huấn luyện, chiến lược từ tất cả bộ phận để thành “các bộ tư lệnh chiến đấu hợp nhất” - thuật từ dành cho các bộ tư lệnh nằm dưới sự điều khiển của CINC. Mục đích chính là giám sát các hoạt động quân sự Mỹ tại từng khu vực khác nhau trên thế giới, CINC bắt đầu hoạt động mạnh thời Bill Clinton, mạnh hơn vào thời George W. Bush và rất mạnh trong thời Barack Obama…

“Ngoại giao bốn sao”

Đô đốc tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Samuel J. Locklear trong chuyến kinh lý lần đầu tiên đến Hà Nội vào tháng 12-2013

Không như các tướng tư lệnh bộ binh, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến (phải báo cáo cho các thư ký dân sự do tổng thống chỉ định), CINC được quyền tường trình trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống. Nơi họ phối hợp làm việc rất chặt không phải là Bộ Ngoại giao mà là Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ. Vai trò của CINC còn được mở rộng khi họ có thể tổ chức các hội thảo về môi trường, chăm sóc y tế, gỡ mìn, bảo mật thông tin, buôn lậu ma túy và giữ gìn an ninh xã hội…

Ghế Tư lệnh trưởng CINC được đề xuất từ Bộ trưởng Quốc phòng, rồi tổng thống đề cử lên Quốc hội và cuối cùng được chuẩn y từ Thượng viện. Chuỗi mệnh lệnh được truyền từ tổng thống xuống Bộ trưởng Quốc phòng rồi xuống các tư lệnh trưởng.

Tổng tham mưu trưởng (còn được gọi là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân) có thể truyền mệnh lệnh tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng xuống các tư lệnh trưởng đồng thời đưa ra ý kiến hoặc lời khuyên cá nhân nhưng tổng tham mưu trưởng không có quyền đưa ra mệnh lệnh quân sự xuống các bộ tư lệnh. Nói cách khác, tổng tham mưu trưởng không được yêu cầu các tư lệnh bên dưới thực hiện một chiến dịch quân sự.

Các bộ tư lệnh vùng

Quân đội Mỹ có 9 bộ tư lệnh, được tổ chức theo yếu tố địa lý hay chức năng, gồm Bộ tư lệnh Bắc Mỹ (NORTHCOM), Bộ tư lệnh Nam Mỹ (SOUTHCOM), Bộ tư lệnh trung tâm (CENTCOM), Bộ tư lệnh châu Âu (EUCOM), Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM), Bộ tư lệnh châu Phi (AFRICOM), Bộ tư lệnh chiến lược (STRATCOM), Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) và Bộ tư lệnh vận tải (TRANSCOM). Ở đây xin nói về một số “tư lệnh vùng” đáng chú ý…

Bộ tư lệnh Thái Bình Dương có chỉ huy sở tại Trại H. M. Smith và một số địa điểm ở Hawaii, nhân sự khoảng 4.000 người, cùng chừng 2.500 người khác làm việc tại các văn phòng rải rác. PACOM giám sát 43 quốc gia và 30 lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Ðông Nam Á, với 300.000 quân đóng chủ yếu ở Hawaii, Hàn Quốc và Nhật Bản. PACOM thành lập năm 1947. Tư lệnh trưởng hiện là Ðô đốc Samuel J. Locklear. PACOM kiểm soát đến hơn 50% bề mặt địa cầu, trên một diện tích gần 272 triệu km2 (gần 60% dân số thế giới). Ðây là một trong những “bộ tư lệnh vùng” quan trọng nhất của quân đội Mỹ.

Bộ tư lệnh châu Âu đóng tại Trại Patch ở Stuttgart-Vaihingen (Ðức) với khoảng 3.000 người nữa làm việc chủ yếu ở Ðức, Italia và Tây Ban Nha. Ðịa bàn thuộc EUCOM quản lý là một diện tích 54 triệu km2 thuộc 89 nước ở châu Âu, châu Phi và Trung Ðông, với 109.000 quân. EUCOM thành lập năm 1952. Tư lệnh trưởng hiện là tướng Philip M. Breedlove.

Bộ tư lệnh Nam Mỹ có tổng hành dinh tại Miami với nhân sự khoảng 1.200 người, thêm 1.900 người làm việc tại các văn phòng ở Puerto Rico, Arizona và Honduras. SOUTHCOM “cai quản” 19 nước Trung Mỹ và Mỹ Latinh, cùng 13 quốc gia Caribê. SOUTHCOM thành lập năm 1963. Tư lệnh trưởng hiện là tướng John F. Kelly.

“Ngoại giao bốn sao”

Tổng tham mưu trưởng, Đại tướng lục quân Hoa Kỳ Martin Dempsey

Bộ tư lệnh trung tâm đóng tại căn cứ không quân MacDill tại Tampa (Florida, Mỹ) với nhân sự 1.050 người, cùng 450 người khác rải rác ở Mỹ và Bahrain. CENTCOM “giám sát” 25 quốc gia, từ Mũi châu Phi, Trung Ðông đến Trung Á. CENTCOM thành lập năm 1983. Tư lệnh trưởng hiện là Ðại tướng Lloyd J. Austin. CENTCOM thường theo dõi các điểm nóng và không có một địa bàn nhất định được khoanh vùng theo yếu tố địa lý. Một số nước đang thuộc quyền kiểm soát của CENTCOM gồm Afghanistan, Bahrain, Ai Cập, Iran, Iraq, Jordan, Kazakhstan, Kuwait, Kyrgyzstan, Lebanon, Oman, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, Syria, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Yemen… Các vùng biển quốc tế chẳng hạn Hồng Hải, vịnh Ba Tư và vài phần phía Tây thuộc Ấn Ðộ Dương cũng thuộc CENTCOM (riêng Syria và Lebanon đã được “chuyển giao” cho Bộ tư lệnh châu Âu, từ tháng 3-2014).

Bộ tư lệnh Bắc Mỹ đóng tại căn cứ không quân Peterson (Colorado), thành lập vào tháng 4-2002; Tư lệnh trưởng hiện là tướng Charles H. Jacoby Jr. NORTHCOM ra đời nhằm phản hồi trước sự kiện 11-9-2001; do đó, nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ lãnh thổ Mỹ và những vùng tiếp giáp như Alaska, Puerto Rico, Canada, Mexico.

Bộ tư lệnh châu Phi đóng tại trại Kelley Barracks (Stuttgart, Ðức), chịu trách nhiệm các hoạt động quân sự và quan hệ quân sự với 53 nước châu Phi. AFRICOM thành lập năm 2007. Tư lệnh trưởng là tướng David M. Rodriguez.

Các tướng tư lệnh vùng và Nhà trắng

Theo nguyên tắc, các “tư lệnh vùng” không được Lầu Năm Góc cho phép liên hệ với các cơ quan khác thuộc Chính phủ Mỹ. Tháng 7/1998, Tổng tư lệnh Henry H. Shelton từng tỏ ra không hài lòng khi Wesley Clark (Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh châu Âu) thảo luận việc không kích Nam Tư với Phó cố vấn An ninh quốc gia James Steinberg.

Ðể kiểm soát chặt chẽ CINC, Shelton yêu cầu họ báo cáo hàng giờ trong thời gian lưu lại Washington. Quy định này tồn tại đến nay. Tướng Zinni cũng gặp trường hợp gần tương tự. Nói với một Tiểu ban Thượng viện, Zinni đã bày tỏ sự bất bình trước ý tưởng của Nội các Clinton về việc cấp tiền cho phiến quân Iraq lật đổ Saddam Hussein. Sau vụ này, Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen cấm Zinni tham gia các cuộc phỏng vấn có ghi âm.

Tình trạng xung đột giữa các “tư lệnh vùng” với Washington hiện vẫn xảy ra. Tháng 3/2013, tướng Lloyd Austin được chọn làm Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh trung tâm (CENTCOM), thay thế tướng James Mattis, người vốn bất đồng với Nhà Trắng trong việc xử lý vấn đề Iran.

Tờ The Guardian cho biết, James Mattis - với quan điểm cứng rắn - đã không hài lòng với Hội đồng An ninh quốc gia khi tin rằng con đường ngoại giao không là cách tốt để buộc Iran từ bỏ vấn đề hạt nhân. Gần đây hơn, tướng tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh châu Âu kiêm tư lệnh NATO Philip Breedlove cũng bất đồng với Nhà Trắng quanh vấn đề Ukraine. Breedlove nói rằng cách xử lý của Nhà Trắng là không “đủ đô” để răn đe Nga và rằng Mỹ nên hỗ trợ nhiều hơn cho Chính phủ tạm quyền Ukraine (thời điểm tháng 3-2014).

Với Ðô đốc Samuel J. Locklear, vị Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) này cũng không thỏa mãn với kiểu “mềm dẻo” trong chính sách xoay trục châu Á của Nhà Trắng. Washington Times cho biết, trong cuộc hội thảo hải quân tại Virginia vào tháng 1/2014, tướng Locklear nói rằng: “Sự thống trị lịch sử của chúng ta mà hầu hết những người có mặt trong phòng này từng cảm nhận đã bắt đầu giảm dần, chẳng còn hồ nghi gì nữa… Trung Quốc đang trỗi dậy, tất cả chúng ta đều biết điều đó… Chúng ta cần phải nghĩ về tất cả khả năng có thể xảy ra, không chỉ đối với những gì mà chúng ta đối phó vài năm qua…”. Tướng Locklear tỏ ra nóng ruột trước sự triển khai khá chậm trong chính sách xoay trục của Nhà trắng nhằm kiềm hãm sức mạnh Trung Quốc, đặc biệt việc Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Mạnh Kim