Ngơ ngác Tây Thành

14:53 | 05/07/2011

1,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tây thành là thành Tây Đô – Thành nhà Hồ để phân biệt với Đông Đô. Bí ẩn Tây thành là chữ của bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong một lần đến Thành nhà Hồ.

Xuân Ba

Đã gần 7 thế kỷ qua đi mà Thành nhà Hồ vẫn chắc khừ, vẫn là bí ẩn khiến mai hậu ngơ ngác! Phiên họp buổi sáng ngày 27/6/2011, Hội nghị lần thứ 35 Ủy ban Di sản Văn hóa thế giới UNESSCO tổ chức tại Paris, Pháp, Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Bí ẩn lẫn ngơ ngác có lẽ là những dòng sau trong “Toàn thư” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Cổng chính phía nam của Thành nhà Hồ với chiều cao 10m, rộng 38m được ghép bằng những phiến đá xanh

“Mùa xuân năm Đinh Sửu, niên hiệu Quang Thái thứ 10, tức là năm 1397, tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn, Phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào lập nhà tông miếu dựng đàn xã tắc mở đường phố có ý muốn dời đô. Việc 3 tháng thì xong…”

Việc 3 tháng thì xong? 3 tháng vừa thiết kế lẫn thi công một công trình đá, một tòa thành đá chu vi 4 cây số vuông cao 10m, 4 vòm cổng bằng những khối đá đồ sộ. Cửa Nam thành: rộng 38m, cao từ 7-10m. Chỉ một tấm đá ở của Tây mà đã dài 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,3m. Độ nghiêng mặt thành và chân móng trơ trơ với tuế nguyệt gần 700 năm nay như thế nào mà chỉ có 1,5 độ! Chưa kể hào sâu 5m, rộng 50m, bao quanh thành cắm chông. 20 nghìn m3 đá để xây thành và hơn 100 nghìn m3 đất đã đào đắp!

Người ta đã lật giở nhiều chính sử khác ngoài “Toàn thư” thì không có tài liệu, cứ liệu nào khác ngoài 3 tháng thì xong ấy cả!

Đôi rồng đá cụt đầu chính giữa thành

Lần ấy, tôi được ngồi với PGS.TS Kikuchi Seiichi Đại học Chiêu Hòa Nhật Bản phụ trách nhóm khảo cổ tại Thành nhà Hồ. Công việc nghiên cứu, khảo cổ thì nhiều nhưng vị PGS.TS ấy cho biết họ cũng đang góp phần giải mã việc 3 tháng thì xong ấy! Kết thúc chuyến công tác, nhóm khoa học Nhật Bản đã có lời giải. Lời giải ấy là tài năng của tác giả Thành nhà Hồ, ông Vua Hồ Quý Ly và tài khéo công sức của dân binh Đại Việt thuở ấy. Tất nhiên, đến thời điểm này, phiên họp buổi sáng ngày 27-6-2011 của Hội nghị lần thứ 35 Ủy ban Di sản Văn hóa thế giới tổ chức tại Paris, Pháp, Thành nhà Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Việt Nam cũng như quốc tế cũng chẳng thể nào biết được bao nhiêu dân binh Đại Việt đã được huy động để xây Thành nhà Hồ? Cũng như không thể biết được đá xanh từng viên, từng tảng đồ sộ ấy từ đâu (Núi Nhồi gần thành phố Thanh Hóa cách Thành nhà Hồ gần 60km hay ở nơi nào) được vận chuyển về xây thành bằng phương thức gì? vv… và vv… Chỉ biết Thành nhà Hồ gần 7 thế kỷ qua bao tao loạn lẫn biến thiên mưa, nắng nhiệt đới mà còn lại một hiện trạng thế này cũng đủ nể ngại! Và người ta có quyền liên tưởng lẫn suy diễn, thời điểm hoàn thành Thành nhà Hồ thuở ấy, ngôi thành quách bằng đá xanh duy nhất ở Đông Nam Á hoành tráng đến thế nào? Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến ông con Hồ Nguyên Trừng. Thôi thì ông bố tài năng đã đành một nhẽ, nhưng Hồ Nguyên Trừng (người đã khẳng khái trả lời vua cha “thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo”) sau khi cha con bị giặc Minh bắt sang Bắc Kinh, Hồ Nguyên Trừng với cái tài chế ra súng thần công kiểu mới đã được nhà Minh trọng dụng và thăng cho chức Thượng thư Bộ Công (tương đương Thứ trưởng). Ngoài tài khéo ấy, Hồ Nguyên Trừng còn là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị trong đó có cuốn “Nam ông mộng lục” được giới nghiên cứu văn chương sau này đánh giá rất cao.

Được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1962, bẵng đi những năm dằng dặc tao loạn gian khó, Thành Hồ tưởng như đã bị quên lãng. Gần sát trọng điểm Phà Kiểu, Phà Công nhưng may mắn làm sao, dưới đạn bom thời chống Mỹ, Thành nhà Hồ ít bị hư hại. Lùi xa nữa, chắc cũng có triều đại nào đó can dự vào việc phá Thành nhà Hồ (có lẽ Hồ Quý Ly không ít kẻ thù và sử từng chép là Ngụy Hồ?), nhưng chưa sao lục ra được? Tưởng như đã bị quên lãng là cách nói, giặc và bom đạn thời chiến tranh phá một thì biến thiên mưa, nắng nhiệt đới cộng với những ngớ ngẩn chủ ý lẫn vô tình của con người phá mười! Đâu xa, đôi rồng đá chính giữa thành, thuở tôi học trường huyện vẫn còn đầu mà sau này đã bị cưa cụt mất đầu, đuôi cũng bị đập cụt. Bọn đạo tặc ngu lẫn ác nghe đồn tưởng có vàng ngọc chi đó yểm bên trong?! Có kha khá những tảng đá xây thành bị đào, bị nạy lên đem làm cầu ao hoặc đem nung vôi. Tôi dám chắc thời ấy tư duy lẫn ý thức bảo vệ Di tích Quốc gia chưa được riết róng nghiêm nhặt như bây giờ. Nếu không có những chuyện “thánh hành” (thần thánh nào đó thì không biết?), nhưng có mấy người chặt đá xây thành đem nung vôi đột nhiên bị bệnh ốm chết hay gãy tay, gãy chân đã khiến cho việc coi sóc bảo vệ Thành nhà Hồ đâm nhàn! Việc xây cất rồi lấn chiếm diện tích thành cũng đã diễn ra…

Đến những năm 90 của thế kỷ trước thì đã vợi đi việc xây cất lẫn chiếm do huyện Vĩnh Lộc hành động quyết liệt. Rồi năm 2006, Thành nhà Hồ lập hồ sơ trình UNESCO…

Đoạn đường còn sót lại của Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Mùa xuân năm nay, tôi may mắn được theo ông Phạm Sanh Châu, Vụ Văn hóa đối ngoại – UNESCO (Bộ Ngoại giao) dẫn đoàn ngoại giao 21 quốc gia thành viên thường trực Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO về thăm Thành nhà Hồ thì việc xây cất lẫn lấn chiếm đã tiệt hẳn. Thế mà trong buổi làm việc với địa phương, cũng có những câu hỏi của đại diện đoàn ngoại giao một số nước thẳng thắn với chính quyền tỉnh Thanh Hóa là có không việc xâm hại di tích Thành nhà Hồ? Nhiều hơn cả vẫn là những câu hỏi đặt ra liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị thành nhà Hồ nếu như được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Bữa đó, mọi người có cảm giác Thành Hồ có được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới không, một phần quan trọng phụ thuộc vào thái độ quan điểm của 21 vị khách trong đoàn mà có ai đó nói vui là “21 loạt đại bác” này! Tất nhiên, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam dường như đọc được điều đó đã thẳng thắn trấn an ngay, dù có hay không trở thành di sản văn hóa nhân loại, thì chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vẫn cần tiếp tục nghiên cứu những bí ẩn của Thành nhà Hồ cũng như tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di tích để nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách gần xa.

… Mưa bụi lay phay giăng mờ trên mặt thành cổ. Mái tóc bà Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam do mưa bụi bám hay sương khói thời gian làm mờ trắng khi thăm thực địa Thành Hồ. Cái xuýt xoa của bà như trái với sự nghiêm nhặt của một chuyên gia hàng đầu của UNESCO về văn hóa. Chất giọng khi sôi nổi khi trầm ngâm khi bà chia sẻ rằng, những phiến đá rất lớn kia khi gắn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người? Rồi bà tự trả lời ngay, đây chính là một trong rất nhiều sự độc đáo bí ẩn của Thành nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu… Ấn tượng trước lúc lên xe, ông Phạm Sanh Châu có trả lời vừa thân mật, vừa… ngoại giao với một quan chức xứ Thanh khi được hỏi Thành nhà Hồ đang ở đâu trong tiến độ công nhận của UNESCO rằng, xây dựng hồ sơ Thành nhà Hồ, đề cử trở thành Di sản Văn hóa thế giới là cái cách chúng ta tri ân triều đại nhà Hồ nói chung và Vua Hồ Quý Ly nói riêng…

… Phạm vi bài báo không cho phép biên ra ở đây những cải cách đổi mới về kinh tế, những hạn điền, hạn nô những bỏ tiền đồng tiêu tiền giấy… mà các sử gia lẫn các nhà kinh tế hiện đại đã từng thở dài tấm tắc là tiến bộ, là đi trước thời đại.

Con lăn bằng đá dùng để vận chuyển vật liệu xây Thành nhà Hồ

Cũng cần nói qua mặt học thuật trước tác độc đáo của Hồ Quý Ly. Riêng việc Hồ Quý Ly biên tập lại Tống Nho soạn sách “Minh Đạo” gồm 14 thiên gọi Chu Công là “Tiên thánh”, Khổng Tử là “Tiên sư”. Cho sách “Luận Ngữ” có một số chỗ đáng ngờ khó tin. Nói Hàn Dũ là nhà Nho ăn trộm (đạo văn). Nhận xét Chu Đôn Di, Trình Hiệu, Chu Hy, Dương Thi, Lý Diên Niên… những học giả Trung Hoa sừng sững ấy là những kẻ tuy học rộng nhưng tài kém không chú ý đến thực tế, chuyên đánh cắp văn chương của người xưa… Hồ Quý Ly chủ trương giải nghĩa “Thư kinh, Thi nghĩa” bằng chữ Nôm. Viết tựa sách “Thi nghĩa” bằng quốc ngữ theo ý riêng độc đáo của mình không theo quan điểm của Chu Hy mà các thức giả lẫn học giả đương thời lấy làm mẫu mực! Quan điểm học thuật độc đáo như một thứ cách tân sáng tạo ấy đã khiến sử thần Ngô Sĩ Liên cáu bẳn lẫn cả hoang mang: “Đạo của Tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được. Hậu Thánh sinh ra nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về Ngài thì thực không biết lượng sức mình! Người sau mà có trước tác thì cũng chỉ mở mang cho rộng thêm, tô chuốt cho bóng thêm có thế mà thôi, sao Quý Ly lại dám chê bai bàn cãi? (Toàn thư. Bản kỷ nhà Trần. Quyển VIII. Trg 185-190. Sdd.)”. Các nhà nghiên cứu phê bình lý luận đương đại có lẽ sẽ có ý kiến xác đáng về vấn đề này nhưng thử dẫn ra hai nhà nho ở hai thế kỷ đã nhận xét về học thuật của Hồ Quý Ly. Một là ông vua Tự Đức đã phê “Vị phi toàn phi” (chưa chắc đã hoàn toàn sai). Hai là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhà đại khoa này có lẽ với khí chất ngang thẳng xứ Quảng cộng với thứ tiết tháo thực (chứ chẳng phải suông chung chung mà ta thấy thiên hạ cứ gán bừa cho các nhà nho) đã tìm ở tiền nhân Hồ Quý Ly một sự đồng tình không khoan nhượng. Cụ Huỳnh gay gắt như thế này: “Phải nhận thấy cái án Tống Nho mà Hồ Quý Ly là cái thiết án (tức cái án ăn cắp) rất xác đáng! Cái gọi là thiết án ấy là lối học giáo điều nô lệ tầm chương trích cú nhai văn nuốt chữ mà đầu óc tê liệt không suy nghĩ chẳng sáng tạo ra điều gì mới mẻ!”. Cụ Huỳnh từ đó mà suy ra rằng lối học mót, học theo kiểu nô lệ đắm đuối với Tống Nho ấy đã lan tràn từ đời Hậu Lê trở về sau là khởi nguyên nạn xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ XV và đi liền đó là họa diệt chủng về văn hóa!

Đành một nhẽ lĩnh vực nào cũng cần phải rành rẽ ra thứ đó. Nhưng trộm nghĩ, có lẽ cũng phải biết ơn UNESCO của Liên Hiệp Quốc bằng việc công nhận Thành nhà Hồ là Di sản Văn hóa của nhân loại cũng đã gián tiếp ghi nhận những cái tài khéo độc đáo của ông Vua Hồ Quý Ly tác giả Thành nhà Hồ. Trong đó có cả cái độc đáo tài khéo trong trước tác học thuật của Hồ Quý Ly mà đến tận bây giờ giới học giả nước Nam lẫn phương Đông đã và đang tốn không biết bao nhiêu giấy mực cùng những tổn phí hội thảo cãi nhau này khác hăng lắm? Và có lẽ chúng ta cũng nên giật mình, Hồ Quý Ly chỉ làm vua đứng đầu triều Hồ vẻn vẹn có 7 năm. Bảy năm trời là cái thứ chớp mắt nhẹ của lịch sử. Thế mà đã để lại cho hậu thế bao nhiêu những bí ẩn lẫn ngơ ngác?

Sau nữa, xin biết ơn tiền nhân đó để lại cho huyện nghèo quê tôi tòa thành đá kỳ vĩ. Thành nhà Hồ sẽ nối liền, sẽ làm chặng trung chuyển một quần thể du lịch cho du khách những là Hang cỏ thần (cách đó 30km) động Hồ Công (một hang đá nổi tiếng dưới triều Hồ Quý Ly nên có tên ấy. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã tự tay đề bốn chữ to bằng cái đấu lên vách đá “Thanh Kỳ Khả ái” – (Xứ thanh kỳ lạ đáng yêu). Xuôi xuống mạn nam 7 cây số là Vĩnh Hùng, nơi phát tích và là quê hương của mười hai vị Chúa Trịnh. Đi tiếp 3 cây số nữa là hang động Kim Sơn mới phát lộ. Dẫu bây giờ du khách đến quê tôi hẵng còn thưa thớt nhưng việc Thành nhà Hồ trở thành Di sản thế giới như là dấu hiệu của sự phát đạt về du lịch cho huyện nghèo Vĩnh Lộc vậy.

Theo Năng lượng Mới