Nghịch lý thầy - thợ

09:59 | 08/01/2018

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc phân luồng trong bậc học phổ thông đã được đặt ra trong nhiều năm qua, song đến thời điểm này, hiệu quả vẫn chưa rõ rệt. Một lần nữa, câu chuyện thầy - thợ lại được đặt ra. 

Phân luồng - chuyện không mới

Trước đây, việc phân luồng giáo dục nhằm tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước đã được đề cập rất nhiều. Thậm chí, trong Chỉ thị về nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông và coi đây là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Trên thực tế, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo Bộ GD&ĐT, hằng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS và được “phân luồng” theo 4 hướng chính: học tiếp lên THPT, học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề, vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống.

nghich ly thay tho
Dạy nghề tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP HCM)

Theo một thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2015-2016, số học sinh tốt nghiệp THCS và lựa chọn học TCCN là 30.907 (tương đương 10% số lượng học sinh tốt nghiệp). Tuy nhiên, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”, như vậy, con số học sinh theo học TCCN hiện nay vẫn còn quá khiêm tốn so với chỉ tiêu đặt ra. Thậm chí, trong năm học 2015-2016, có đến 20 trường TCCN không tuyển được học sinh.

Tuy đã áp dụng phân luồng với 4 hướng cụ thể, song phần lớn học sinh tại các tỉnh, thành phố đều theo luồng học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70% (Hà Nội 75%, TP HCM 77%...), thậm chí có địa phương hơn 80%. Việc chọn luồng giáo dục thường xuyên cũng chỉ là một giải pháp của không nhiều học sinh.

Quan niệm “phi đại học bất thành nhân” vốn đã ăn sâu trong suy nghĩ của người dân và nếu chỉ áp dụng phân luồng một cách hời hợt như hiện nay thì việc học sinh ồ ạt dự thi đại học, bỏ qua các trường TCCN là điều khó có thể thay đổi. Dù con số cử nhân thất nghiệp đã đến mức báo động, nhưng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vẫn phải thốt lên tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 18-4: “Xin nhân dân ủng hộ, động viên con em tham gia học nghề để tìm được việc làm chính đáng. Đại học không phải là con đường duy nhất”.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, theo thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu ¡ tham gia xếp hạng của WB, trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94 điểm…

Thợ không nên, thầy chẳng tới

Năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Sự kiện này đã đem đến nhiều cơ hội cho các lao động trẻ Việt Nam, bởi AEC cho phép dịch chuyển tự do đối với lao động có trình độ cao trong 8 nhóm ngành nghề: kế toán, kiến trúc sư, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, giám sát. 8 nhóm ngành nghề này tuy chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) trong tổng số lao động dịch chuyển trong ASEAN nhưng đều là những công việc có mức lương cao. Lao động được ưu tiên dịch chuyển là lao động có tay nghề, chuyên gia và người có chuyên môn.

Tuy nhiên, theo Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), sau 2 năm Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đến nay chỉ mới có 109 kỹ sư, trong đó có 10 kiến trúc sư đủ điều kiện dịch chuyển, làm việc tại các nước ASEAN, nhưng chưa ai có được việc làm ở các nước trong khu vực.

Điều này cho thấy, công tác đào tạo sau phân luồng vẫn, nặng lý thuyết mà coi nhẹ thực tế. Bởi những ngành nghề AEC cho phép dịch chuyển là những nghề cần được đào tạo bài bản, mất nhiều thời gian chứ không phải là lối truyền nghề giản đơn.

Rõ ràng, đây là vấn đề hoàn toàn không mới. Bởi trước đây, dư luận đã nhiều lần bức xúc về việc sinh viên đại học chỉ đơn thuần là “học sinh lớp 13”, tiếp thu kiến thức trên giảng đường một cách thụ động, không tự nghiên cứu hay có kinh nghiệm thực tế.

Ngoài việc thực hiện có bài bản việc phân luồng, hướng nghiệp cần thay đổi cách đào tạo trong các trường trung cấp nghề, trường đại học nghề. Các trường không thể giữ mãi cách đào tạo nặng lý thuyết, mà phải chú trọng hơn nữa đến kỹ năng làm việc thực tế; thường xuyên cập nhật nghiên cứu mới vào chương trình thay vì “rập khuôn” những kiến thức cũ. Cuộc Cánh mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi bộ mặt thế giới, thay đổi cách nghĩ, cách làm từng ngày, từng giờ; và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ.

Chính vì thế, nếu không tự thay đổi mình ngay từ hôm nay thì việc dịch chuyển lao động trong khu vực vẫn là câu chuyện xa vời; không những thế, chúng ta sẽ tiếp tục cho “ra lò” những thế hệ lao động “thợ không nên, thầy chẳng tới”.

Trong Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 (VDF 2017) được tổ chức ngày 13-12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipines và bằng 87,4% của Lào.

K.An