Nghĩ thêm về cái ghế Quốc hội

08:23 | 28/07/2011

1,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thoạt nghe có hơi hướng chức tước này khác nhưng đơn giản người viết bài này chỉ khiêm tốn đề cập đến dũng khí của  không nhiều lắm vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong nhiệm kỳ của mình. Người xưa có thể mất đầu còn dám dâng lời nói phải, cái ghế so với cái đầu có nghĩa lý gì?

Xuân Ba

Lâu rồi tôi không nhớ cụ thể là kỳ nào, khóa mấy, nhưng lần QH bầu chức danh Bộ trưởng Bộ GTVT. Có kha khá những xì xào trong hành lang lẫn các phiên họp tổ rằng, ông Đào Đình Bình chắc chắn trúng cử vì trên (?) đã quyết, đã gợi ý rồi (?!). Các nhà báo theo dõi QH cũng mang máng điều đó. Nhưng bất ngờ khi công bố phiếu, cái ghế tưởng chắc đe ấy tuy khá cao nhưng lại thiếu 4 phiếu nữa mới là quá bán. Và nghiễm nhiên ông Lê Ngọc Hoàn khi ấy đang đương quyền Bộ trưởng Bộ GTVT lại phải chịu khó gánh tiếp thêm một nhiệm kỳ nữa. Mãi cho đến QH khóa sau, ông Đào Đình Bình mới được QH tín nhiệm bầu vào chức danh Bộ trưởng BGTVT!

Chợt nhớ thêm, nhiều kỳ họp có những ĐBQH “phản ứng tức thời” với Chủ tọa phiên họp. Đó là ĐB Lê Thị Nga (khóa ấy ĐB Nga bán chuyên trách ở Đoàn ĐB Thanh Hóa, sau này mới là ĐB chuyên trách) khi điều hành thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí (sửa đổi), vì thấy việc đại biểu phải máy móc bấm nút thông qua từng điều trong khi không có ý kiến tham gia gì nên Phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân khi đó điều khiển cuộc họp đã đề nghị Quốc hội cho thông qua từng cụm điều để đỡ tốn thời gian. Việc bấm nút thông qua đã được thực hiện. Nhưng ĐB Nga đứng lên phát biểu phê bình Phó chủ tịch QH điều hành thông qua Luật không đúng với Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vì luật này quy định QH thảo luận thông qua từng điều, từng chương chứ không quy định thông qua từng cụm điều! Thế là việc hy hữu đã xảy ra, QH lại đành phải quay lại như quy định vì QH đã ban hành luật thì không lý gì QH lại làm sai luật!

Đại biểu Quốc hội Đinh La Thăng và nhà báo Xuân Ba: Thân tình quá đi mất!

Thời điểm thông qua Luật Kinh doanh Bảo hiểm, khi đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ban soạn thảo giải trình các ý kiến thắc mắc và đóng góp của các đại biểu. Khi thấy không còn có ý kiến gì nữa, chủ tọa điều khiển (cũng Phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân) đề nghị QH bấm nút thông qua các điều như đã chỉnh sửa. Vừa thông qua xong thì ĐB Lê Đình Nguyên, đoàn Nghệ An đứng dậy yêu cầu Phó chủ tịch điều hành phiên họp xem lại vì sao ý kiến của ông chưa được Bộ trưởng giải trình mà đã cho thông qua!

Tất nhiên ý kiến đó cũng không có sức nặng chi lắm, nhưng cũng cho thấy một điều là cách làm luật của QH ở hội trường đáng phải bàn và cần phải sửa đổi nhiều điểm.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (khóa XII) được đông đảo cử tri ấn tượng nhận xét rằng: “Từ khi tham gia QH đến nay, sau mỗi phiên chất vấn ở QH, nói chung, công việc đều có chuyển biến nhất định. Nhưng chuyển biến sau ý kiến chất vấn Thủ tướng về vụ PCI là một trong những chuyển biến rõ rệt nhất. Tôi vẫn tiếp tục theo dõi diễn tiến vụ việc. Đáng tiếc là tiến độ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng còn quá chậm. Bên cạnh đó, ý kiến của một số đồng chí có trách nhiệm lại trái chiều nhau, khiến dư luận không khỏi phân vân. Có người nói, công việc điều tra theo yêu cầu của phía Nhật đã hoàn thành tới 90%. Có ý kiến lại nói phía Nhật chưa đưa ra được bằng chứng gì xác thực. Lại có người nói phía Nhật hãy đưa ra bằng chứng, có bằng chứng, chúng ta sẽ xét xử ngay (!?). Tôi thấy ý kiến này không ổn. Hàng xóm mách con mình ăn cắp của người ta thì trước hết mình phải hỏi con mình và xem nó có chứa đồ ăn cắp thật không, chứ không thể ung dung bảo hàng xóm là bao giờ ông đưa ra được bằng chứng tôi sẽ xử con tôi.

Ý kiến trái chiều ít nhất, nó cũng giúp lãnh đạo phân tích thêm những khía cạnh khác nhau của vấn đề, củng cố thêm lập luận, bổ sung thêm giải pháp cho quyết định cuối cùng. Theo tôi hiểu, cử tri không bầu và Đảng không cử một ĐB vào QH chỉ để vỗ tay. Cả lãnh đạo lẫn người dân đều cần tiếng nói phản biện, miễn là phản biện có tính xây dựng, không nhằm đả kích cá nhân và không vụ lợi”.

Không hiếm lần người ta đặt câu hỏi với ông Thuyết rằng, thời điểm nào được coi là thuận lợi để thông tin cho lãnh đạo ý kiến của mình? Ông cười, với ĐBQH thì thời điểm chỉ có một, đó là các phiên họp tổ hoặc thảo luận trên hội trường!

Mỗi năm QH họp 2 lần, tròm trèm trên dưới 1 tháng/kỳ. Như vậy suốt khóa QH, để thông tin kiến nghị đến những nơi cần đến, ĐB dành bao nhiêu thời gian và những kênh nào? Có lẽ đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có con số thống kê cụ thể mỗi ĐBQH đã chi dùng bao nhiêu thời gian cho hoạt động giám sát của mình? Với ĐB chuyên trách là bao nhiêu? Với ĐB bán chuyên trách (hiện nay tỉ lệ bán chuyên trách vẫn vượt trội) là ngần nào? Sự cần thiết của thống kê và phân tích những thống kê ấy để cử tri có quyền xót xa lẫn nghi hoặc đại loại, suốt cả một nhiệm kỳ làm nhiệm vụ dân cử, có không ít ĐBQH chất lượng hoạt động không mấy hiệu quả mà không ít những phản ứng chê trách là nghị… gật!

Mặc dù có nhiều kênh, nhiều phương tiện để ĐBQH thực thi nhiệm vụ, nhưng ĐBQH có cần “lobby” để tăng thêm hiệu quả của việc xây dựng Luật lẫn giám sát là hai chức năng chủ yếu quan trọng của ĐBQH? Mặc dù chuyện “lobby” (tạm hiểu là vận động hành lang) ở xứ ta (nói là không mấy thông dụng là chưa chính xác mà thường người ta dùng thứ phương tiện thông dụng quốc tế ấy để vun quén cho lợi ích cá nhân lẫn cục bộ địa phương hội đoàn?) hình như chưa được công nhận. Nhưng có lẽ cũng chả ai hoặc luật nào cấm đoán những ĐBQH với quyền hạn đặc biệt cùng với trách nhiệm cũng đặc biệt, đang trăn trở tìm mọi kênh, mọi phương tiện gì nữa ở mọi lúc mọi nơi để đề đạt bằng được những ý kiến xây dựng luật và bảo vệ pháp luật nhằm mục đích tối thượng ích nước lợi cử tri!

Các nhà báo nữ "quây" một vị đại biểu Quốc hội.

Đang thêm nhiều tình cảm ấn tượng tốt cử tri dành cho Quốc hội. Có lẽ đã qua cái thời trì trệ thụ động Chính phủ dọn món nào thì Quốc hội xơi món ấy. Hoặc QH thường hợp pháp hóa nhanh chóng quyết định của Chính phủ (!?). Không khí nghị trường của QH Khóa XII đã nóng lên với nhiều buổi các đại biểu tiến hành đối thoại, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, không né tránh những vấn đề nóng nổi cộm của đất nước. Quốc hội khóa XII từng ấn tượng trong cử tri cả nước bởi sự sáng suốt, bản lĩnh khi đưa ra những quyết định quan trọng như việc chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và một số lĩnh vực khác khi đất nước chưa hội tụ đủ những điều kiện triển khai thực hiện. Đây cũng là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, tạo phong cách làm việc mới, khiến hoạt động chất vấn trên nghị trường hiệu quả hơn.

Mặc dù thời gian kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII dành phần lớn cho công tác phê chuẩn nhân sự cao cấp, nhưng rất nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân đề nghị và mong muốn trở thành chương trình nghị sự ngay tại kỳ họp đầu tiên. Bởi đây là thời điểm và là cơ hội để thể hiện quan điểm trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế, nhân dân ta có được những thông tin khách quan, toàn diện về chủ quyền Biển Đông và điều quan trọng là tạo nên sự đồng tâm nhất trí trong toàn xã hội, từ lãnh đạo cho đến người dân. Vấn đề thời sự cấp thiết đang được cử tri quan tâm này liệu có trở thành một Nghị quyết tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII không? Trả lời câu hỏi này của nhiều nhà báo, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã khẳng định: “Vấn đề này tùy thuộc sự tham gia phát biểu của ĐBQH, lúc đó Đoàn chủ tịch mới xin ý kiến QH việc ra nghị quyết về Biển Đông. Điều này phụ thuộc vào ý chí và đề nghị của các ĐBQH. Chắc chắn ĐBQH sẽ tham gia”. Câu trả lời đó đã mở ra khả năng lớn để QH cập nhật một vấn đề thời sự cấp thiết, cũng là việc đánh giá cao tiềm năng và dũng khí của các ĐBQH!

Hình như đã thành cái lệ, vài kỳ họp đầu các khóa của QH, không khí nghị trường thường trầm lắng, rất hiếm những ý kiến tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, chưa bập vào ngay những vấn đề nóng nổi cộm của đất nước. Như lời phàn nàn của cử tri là ĐBQH hiền quá (!?). Có thể số ĐBQH mới chưa quen người thuộc việc? (khóa XIII này có 2/3 là các ĐB mới lần đầu trúng cử ĐBQH) hay nguyên nhân lý do nào khác? Xin dẫn ra đây hai ví dụ để bạn đọc tham khảo.

ĐBQH khóa XII Đoàn Gia Lai là cô R.Com Sa Duyên khi trúng cử ĐBQH, động thái đầu tiên, như cô bộc bạch là vội chạy lên phòng lãnh đạo và nói : “Chú ơi, cháu tham gia ĐB thì cháu phải làm vì và đôi khi cháu không biết làm gì cũng nên”. Lãnh đạo động viên: “Cháu cứ yên tâm. Thì cũng như ngày đầu cháu vào công tác tại cơ quan và đến nay cháu là Phó trưởng ban Kinh tế – Xã hội của Hội Nông dân tỉnh này thôi. Ngay từ những ngày đầu của Quốc hội khóa XII, bản thân tôi cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng vì lúc đó tôi chưa biết cách thức của một quy trình giám sát như thế nào và cả những băn khoăn đụng chạm đến các vị lãnh đạo của một số ngành hay tại địa phương nơi mình ứng cử v.v… Thế mà dần dần qua tự tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu các văn bản, tài liệu được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của lãnh đạo Đoàn ĐBQH, một thời gian sau R. Com Sa Duyên đã chững chạc tự tin trong công việc của mình. Còn một đại biểu nữa, cũng khóa XII là Hồ Thị Thu Hằng (Đoàn Vĩnh Long) đã tâm sự từ chính từ kinh nghiệm của mình như thế này: Sau một nhiệm kỳ tham gia ĐBQH, qua các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và tham gia các cuộc giám sát, tôi nhận thấy những ĐBQH mới cần được đào tạo có tính bắt buộc ngay sau có kết quả trúng cử, giúp đại biểu nhất là đại biểu trẻ nâng cao kiến thức, năng lực để có thể có hiệu quả ngay từ thời gian đầu! ĐB Hồ Thị Thu Hằng cũng đề nghị: Điều quan trọng là cần đổi mới cách dạy và học ngay từ trong nhà trường để có bước chuẩn bị các nhà chính trị trong tương lai: Trang bị kỹ năng mềm, trang bị kiến thức cơ bản về Quốc hội Việt Nam.

Về vấn đề này có lẽ xin kính chuyển đến những cơ quan có trách nhiệm trong đó có Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử của Quốc Hội.

X.B

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc