Nghề báo - năng khiếu và bằng cấp

07:15 | 17/06/2016

2,104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây dễ đã gần 20 năm, khi có mấy phóng viên xin đi học thạc sĩ báo chí, ông tổng biên tập một tờ báo lớn đã nói thẳng ra rằng, anh chị nào đi học cũng hoan nghênh.

 Nhưng trước hết mời anh chị đi khỏi tờ báo này. Đây là tờ báo hằng ngày cần nhà báo viết nhanh, viết hay, chứ không phải là viện nghiên cứu hay trường đại học. Nhưng rồi vài năm trở lại đây hội đồng khoa học cấp trên liên tục yêu cầu các báo phải tham gia tổng kết, nghiên cứu một số đề tài khoa học. Lại yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải là tổng biên tập, phó tổng biên tập, có học vị tiến sĩ, ít nhất thì cũng phải là thạc sĩ. Bói đâu ra cán bộ như thế. Ông tổng biên tập năm nào ghé thăm tòa báo cười buồn: “Thế là lỗi tại mình. Hồi ấy giá kể cứ để anh em đi làm tiến sĩ thả phanh” (!).

nghe bao nang khieu va bang cap
Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trung tâm đào tạo đội ngũ nhà báo lớn nhất nước ta

Ấy là nhà báo lão thành nói đùa cho vui. Hiện ở nhiều tờ báo có hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ. Nhưng phải nói thật lòng, có quá nhiều “ông trạng” báo không biết viết báo. Trong bối cảnh có phần loạn chuẩn về đào tạo sau đại học ở nước ta, có sự đóng góp của việc đào tạo sau đại học báo chí. Vẫn biết ở các trường đại học báo chí, các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí rất cần có giảng viên, cán bộ có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Và thực tế có không ít giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ có đóng góp xứng đáng cho nghiên cứu khoa học, mà theo chúng tôi, đã đáp ứng được ba cái mới: đặt ra những vấn đề mới, đưa ra những lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.

Tuy nhiên, số nhà báo - nhà khoa học thực học, thực tài ấy như sao buổi sớm quá hiếm. Với tình trạng thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo có phần ồ ạt như hiện tại thì đúng như một giáo sư khả kính đã nhận xét: chủ nghĩa bằng cấp đã tràn vào khắp ngõ ngách cuộc sống, trong đó có cái “ngõ” báo chí, nơi cần nhất là thực tài, là người có năng khiếu. Năng khiếu sẽ chắp cánh cho tài năng, nghề nào cũng cần năng khiếu, nhưng đối với nhà văn, nhà báo, thì năng khiếu là vấn đề quyết định. Nhà thơ Tố Hữu có lần đã nói, đại ý, nhà báo phải có ba bằng đại học: đại học văn hóa, đại học chính trị và đại học đường đời. Đại học đường đời là đi vào cuộc sống để phản ánh trung thực cuộc sống. Muốn viết hay thì phải sống hay, sống đẹp. Muốn viết hay phải có ngón nghề.

Cái ngón nghề ấy có được là do năng khiếu. Xưa nay, ở xứ ta cũng như thế giới, các nhà báo lừng danh không phải ai cũng được đào tạo cơ bản. Những năm đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, xuất hiện hàng loạt các cây bút lẫy lừng, phần lớn đều tự học, người sau học người trước, thầy nghề đầu tiên thường là những nhà biên tập. Nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng (1912-1939) mất khi mới 27 tuổi nhưng đã để lại một gia tài đồ sộ: 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự và nhiều vở kịch, truyện ngắn xuất sắc. Khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Hà Nội, ông mới 14 tuổi. Sau 2 năm đi làm ở các sở tư, năm 16 tuổi ông chính thức bước vào con đường làm báo, viết văn và nhanh chóng thành danh. Còn có thể kể đến các nhà báo, các cây phóng sự tài ba: Tam Lang, Vũ  Bằng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… Trong đó đáng kể nhất về chuyện học hành chỉ có cụ Ngô Tất Tố - “ông đầu xứ Tố”. Trong khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ, Ngô Tất Tố qua được kỳ đệ nhất, nhưng đến kỳ đệ nhị thì bị hỏng.

Đương nhiên mỗi thời mỗi khác. Thời nay các phóng viên đầu quân cho các tòa soạn hầu hết có bằng đại học, nhiều người có hai đến ba bằng đại học. Lại giỏi ngoại ngữ, tinh thông tin học và các phương tiện khác. Và đều đặn mỗi năm lại ra lò hàng chục thạc sĩ báo chí, hàng chục công trình nghiên cứu khoa học về báo chí. Nhưng cái thiếu nhất lại là những tác phẩm lớn, những cây viết có uy tín. Lò phóng sự, lò bình luận ở các tòa báo cứ vơi dần theo năm tháng. Có nơi một thời rợp trời những tên tuổi làm nên thương hiệu tờ báo. Nay thì, buồn thay, độc giả chả còn biết tìm ai để đọc. Dẫu có liên tục quảng bá, tiếp thị, chiêng trống phèng phèng, cờ hoa rợp đất, nhưng chẳng đọng lại được gì trong tâm thức công chúng.

Có lẽ nhận rõ yêu cầu quan trọng nhất đối với người làm báo là năng khiếu, cho nên mấy năm nay khi tuyển sinh đại học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như một số cơ sở đào tạo khác rất coi trọng môn thi năng khiếu. Nhiều cơ quan báo chí khi tuyển dụng phóng viên đều “chấm người, chấm bài” cụ thể, không nặng về lý lịch, bằng cấp. Đấy là cái cách nên làm để có “nguồn lực chất lượng cao” cho các tòa soạn. Cái cách ấy để đưa cái sở trường, sở đoản về đúng chỗ của nó. Để khắc phục tư tưởng “trọng danh hơn thực”, để cho “con phượng thì múa, con nghê thì chầu”, bớt đi nỗi lo nhầm sân, nhầm chiếu.

 

Hải Hà

Năng lượng Mới 532

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc