Ngày đầu tiếp quản ngành điện miền Nam

00:29 | 01/05/2015

1,530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành điện miền Nam nói chung và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) nói riêng đều rất tự hào với truyền thống của 40 năm xây dựng và phát triển của tổng công ty từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong những ngày đầu lịch sử đó, vượt qua bao khó khăn, thách thức do hệ thống lưới điện cũ kỹ, chắp vá, những người làm điện miền Nam đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện mà Đảng, Chính phủ giao phó.

Năng lượng Mới số 416+417+418

Cuộc tiếp quản trách nhiệm và thân thiện

Vào trung tuần tháng 4-1975, khi quân ta đang ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn, thì trong Chiến khu miền Đông, ngày 26-4-1975, Ban Công Nghiệp R đã tổ chức xong Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định (phiên hiệu K9) gồm 7 thành viên. Đồng chí Mười Sơn làm Trưởng tiểu ban, đồng chí Lê Thành Phụng, Phó tiểu ban và 5 đồng chí khác làm Ủy viên (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Tiên phụ trách Đội trưởng Đội Điện nước).

Ngày đầu tiếp quản ngành điện miền Nam

Đồng chí Phạm Khai - áo nâu nhạt đứng đầu, Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam (1976) khảo sát thực địa

Tiểu Ban A quân quản Sài Gòn Gia Định gồm có 7 ngành: Điện - Nước - Công nghiệp nhẹ - Cơ khí - Lương thực Thực phẩm - Hóa chất - Địa chất.

Bộ phận Điện có 61 người do đồng chí Nguyễn Văn Tiên làm Đội trưởng, các đồng chí Lưu Phương Chính và Mai Bửu Đàn làm Đội phó.

Sáng 1-5-1975, lúc 7 giờ 30, Tiểu ban Quân quản K9 do đồng chí Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV) tại số 72 Hai Bà Trưng, để chỉ đạo việc quân quản. Các viên chức cũ của CĐV bao gồm tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, các giám đốc và phó giám đốc các Nha đã tập trung đầy đủ.

Sau khi công bố lệnh quân quản, đồng chí Phụng đã chỉ định tôi thay mặt Ban Quân quản K9 tiếp quản CĐV tổ chức cuộc họp và kêu gọi những người phụ trách CĐV cộng tác đảm bảo nguồn điện hoạt động bình thường.

Trong cuộc họp đầu tiên này, sau khi nghe báo cáo tình hình, Ban Quân quản yêu cầu bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của thành phố. Triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường. Sửa chữa ngay những đường dây bị hư hỏng vì bom đạn trong thành phố (xong trong hai ngày 2 và 3-5) và sửa đường dây Sài Gòn - Mỹ Tho (tại khu vực Thủ Thừa) xong trước ngày 4-5. Riêng việc sửa chữa đường dây và Nhà máy Đa Nhim sẽ có kế hoạch sau. Phối hợp với anh em quân quản tổ chức canh gác các vị trí quan trọng, đề phòng kẻ địch phá hoại.

Ngay sau đó các công việc được khẩn trương triển khai thực hiện. Chúng tôi thống nhất phân công đồng chí Mai Bửu Đàn về Nhà máy Thủ Đức, đồng chí Lưu Phương Chính về Nhà máy Chợ Quán để lãnh đạo hai nhà máy đang hoạt động và là hai nguồn phát chủ lực cung ứng điện cho Sài Gòn Gia Định và một số vùng phụ cận. Báo cáo ngay lên Ủy ban Quân quản thành phố và Bộ Điện và Than về tình hình nhiên liệu sắp cạn để cấp trên chi viện kịp thời. Ngày 4-5-1975 đồng chí Hoàng Quốc Việt đến thăm Điện lực sau khi nắm tình hình đã chỉ đạo cắt giảm điện ngay mới có thể tiếp tế kịp vì miền Bắc không có dầu dự trữ, phải khẩn cấp yêu cầu Liên Xô giúp đỡ. Chấp hành lệnh của đồng chí Hoàng Quốc Việt, chúng tôi lệnh cho cắt tiết giảm điện tới ngày 30-5 nhưng may quá, ngày 14-5 tàu dầu Liên Xô đã vào cảng Sài Gòn!

Về công tác tư tưởng, chúng tôi biết rằng cần phải làm cho anh em CNVC thấy rõ rằng, cách mạng đã về, cuộc đời anh em ắt sẽ đổi thay, từ kẻ làm thuê, anh em sẽ trở thành người làm chủ có trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng ngành… Anh em cần phải hiểu rõ tình hình hiện tại và nhiệm vụ của mình để có thể chuyển biến thật sự. Từ nhận thức đó, chúng tôi tổ chức ngay các buổi học tập để anh em yên tâm làm việc. Chúng tôi đã tổ chức được 13 buổi học tập tại Trung tâm Điện lực Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa và Mỹ Tho. Sau các buổi sinh hoạt này anh em rất phấn khởi và hứa sẽ cố gắng làm việc thật tốt để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm vận hành tốt dòng điện miền Nam.

Để cải thiện đời sống cho người lao động ngành điện, không chỉ có vận động về nhận thức tư tưởng mà cần có những biện pháp và hành động cụ thể chăm sóc đời sống vật chất cho họ. Biết thành phố lúc này thiếu gạo, nhiều gia đình không đủ gạo ăn, chúng tôi tổ chức 2 lần cho xe đi Cần Thơ mua gạo về bán lại cho anh em theo giá đã mua. Thấy nhà ăn tập thể của anh em ở 72 Hai Bà Trưng chỉ là những mái tôn che tạm bên lề đường Nguyễn Siêu, chúng tôi đề nghị di chuyển nhà xe vào Chợ Quán lấy chỗ làm nhà ăn tập thể. Anh em rất hoan nghênh. Thấy nhiều gia đình anh em công nhân điện quá nhếch nhác, có nhà không cột, chỉ là một tấm bạt che tạm phủ thêm nilon, lá chằm… cột nhờ vào hai nhà bên cạnh… Chúng tôi đã cho thống kê số nhà quá ọp ẹp và trực tiếp lên gặp đồng chí Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố xin giúp đỡ. Chỉ 5 ngày sau quân quản Điện lực đã nhận được văn bản cấp cho 295 gian nhà tại khu Thương phế binh cũ ở Thủ Đức, vừa đủ để đơn vị cấp cho anh em khó khăn và chủ động di chuyển nhà cho anh em về nơi ở mới. Sau này nhiều anh em đã nói thật cảm động: “Nhờ có cách mạng, anh em mới có được cơm ăn và nhà ở!”.

Những ngày đầu tiếp quản còn có biết bao chuyện phức tạp mà đáng nhớ. Chuyện bảo vệ các cơ sở vật chất của ngành điện chẳng hạn. Chính nhờ tổ chức được các tổ tự vệ canh gác và phát động được tư tưởng công nhân luôn cảnh giác bảo vệ đơn vị mà anh em đã góp phần phát hiện được một phụ nữ mang mìn vào định phá trạm Minh Phụng, phát hiện một tên thợ xấu dùng nguyên liệu dỏm để sửa máy phát SACM ở Bà Quẹo với ý đồ phá hoại. Cũng nhờ liên hệ chặt chẽ với công an thành phố và nhờ sự phát hiện của công nhân, chúng ta đã bắt gọn một tên gián điệp được cài lại ở Nhà máy Đèn Chợ Quán.

Cũng chỉ sau ít ngày quân quản, ngày 8-5-1975, Đoàn Cán bộ chuyên ngành điện của Trung ương do Bộ cử vào chi viện K9 (do đồng chí Lê Ba, Thứ trưởng, làm Trưởng đoàn) đã được Tiểu ban Quân quản Sài Gòn Gia Định giới thiệu tới Điện lực để cùng chúng tôi đẩy mạnh việc tiếp quản ngành. Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để đoàn thâm nhập nắm tình hình để sau này lo điều hành công việc chuyên môn cho tốt. Còn chúng tôi, những người trực tiếp làm nhiệm vụ quân quản từ đầu thì lo đương đầu, đối phó với mọi phát sinh xảy ra trong ngành.

Những ngày đầu thành lập Công ty Điện lực miền Nam

Sau những ngày quân quản Sài Gòn, đoàn cán bộ tiếp quản ngành điện do Bộ Điện và Than cử vào chi viện cho miền Nam đã hình thành xong bộ máy tổ chức quản lý điều hành hệ thống CĐV, Nhà nước cũng đã cho thành lập Tổng cục Điện lực do đồng chí Lê Ba làm Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng, đồng chí Trương Văn Đẩu làm Tổng cục phó.

Những hoạt động của ngành điện lúc này thật vô cùng khó khăn, phức tạp do các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có đồ dự phòng thay thế, muốn nhập cảng thì không có ngoại tệ hoặc bị Mỹ cấm vận, bao vây… lưới điện miền Nam chưa hình thành xong, nhiều vùng chưa hề có điện, hoạt động sản xuất, phân phối điện còn manh mún, chắp vá, nhiều địa phương còn tùy tiện quản lý điều hành các trung tâm điện lực theo cách riêng của mình. Bộ Điện và Than lúc đó đã quyết định rút đồng chí Lê Ba về Bộ và cử tôi vào thay thế. Nhiệm vụ chính của tôi là phải trụ lại miền Nam trong 2 hoặc 3 năm để ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tạo sự hòa hợp để phát huy sức mạnh của cả hai đội ngũ cán bộ mới và cũ nhằm bảo đảm sản xuất và phân phối điện năng bình ổn để phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế cũng như ổn định đời sống cho đồng bào các tỉnh ở miền Nam.

Công việc lúc này thật bề bộn. Song việc đầu tiên mà Tổng cục Điện lực phải làm là thu gom tất cả các trung tâm điện lực địa phương về một đầu mối quản lý, tạo ra nề nếp làm việc mới, thu được tiền điện về cho Tổng cục và đảm bảo điều hòa hệ thống sản xuất và kinh doanh. Đích thân tôi đã phải đi tới các tỉnh vận động lãnh đạo đồng ý đưa các trung tâm điện lực về cho ngành quản lý.

Một số cán bộ quản lý các trung tâm điện lực ở các tỉnh như Cửu Long, Sông Bé, Vũng Tàu đã tha hóa, biến chất, tự tung tự tác biến mình thành ông chủ tha hồ kinh doanh điện năng làm giàu cho cá nhân hoặc tự đặt ra cách thức quản lý lộn xộn, thiếu minh bạch để tư túi hoặc phục vụ quyền lợi địa phương và cục bộ. Chúng tôi phải nhờ tới Tỉnh ủy và công an các địa phương mới bắt giữ và đưa ra tòa được những tên xếp sòng điện lực hung bạo và phách lối như Mười Tấn ở Cửu Long…

Cùng với sự chi viện cán bộ từ miền Bắc, chúng tôi chọn lựa các cán bộ chủ chốt của ngành đưa về lãnh đạo các đơn vị. Các sở điện lực được hình thành, các ban lãnh đạo các nhà máy phát điện, các cụm phát điện diesel đều đã hoạt động tốt. Chúng tôi đề nghị Bộ cho đổi tên Tổng cục thành Công ty Điện lực miền Nam và hình thành xong bộ máy Ban Giám đốc công ty. Các Phó giám đốc công ty lúc này được phân công lãnh đạo trực tiếp từng mặt hoạt động khác nhau. Cùng lúc này Đoàn cán bộ chuyên viên của Bộ và Xí nghiệp Đông Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục hồi hoạt động cho Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, các cán bộ và công nhân của ngành ở phía nam cũng sửa chữa và phục hồi xong đường dây tải điện từ Đa Nhim về thành phố. Nguồn điện được bổ sung đã giúp cho công ty đỡ phải đối phó với tình trạng thiếu điện gay gắt, phải cắt điện tiết giảm luân phiên.

Để sử dụng và phát huy nguồn lực các chuyên viên kỹ thuật giỏi của CĐV, phục vụ định hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp cho miền Nam là vựa lúa của cả nước, tôi quyết định cho thành lập một đoàn quy hoạch phát triển điện nông thôn phục vụ nông nghiệp và cử PTS Hoàng Hữu Nghĩa làm Trưởng đoàn đi về các tỉnh khảo sát và đề xuất mô hình mẫu quy hoạch phát triển điện năng dành cho mỗi tỉnh. Hoạt động của đoàn được các tỉnh đánh giá rất cao và lãnh đạo các tỉnh hết sức ủng hộ. Chỉ một thời gian sau công ty đã in tặng mỗi tỉnh một cuốn Quy hoạch điện làm cẩm nang cho các cán bộ lãnh đạo chủ chốt theo dõi và định hướng phát triển ngành điện lâu dài tại địa phương mình. Qua thực tế hoạt động, được các địa phương nồng nhiệt hoan nghênh, các cán bộ chuyên gia của CĐV thấy mình được đóng góp tài năng trí tuệ nên càng phấn khởi đem hết khả năng phục vụ và cũng là dịp để hòa hợp vào đội ngũ mới. Tỉnh An Giang sau đó đã trở thành tỉnh phát triển điện năng tốt nhất nhờ vận dụng tích cực cẩm nang Quy hoạch phát triển điện năng mà công ty đề xuất.

Trải qua một thời gian làm việc vất vả, căng thẳng, vượt qua nhiều thách thức cam go, Công ty Điện lực miền Nam đã hình thành được guồng máy hoạt động nhịp nhàng, các sở điện lực cũng đã phát huy tác dụng tốt tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy đã tới lúc cần tách khâu xây dựng ra riêng liền đề nghị Bộ cho thành lập Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 2 và điều động ông Hoàng Tư Canh về làm Giám đốc, ông Mai Cao Văn làm Phó giám đốc. Công ty này ban đầu còn kiêm nhiệm cả khâu thiết kế.

Nhân sự ổn định, tổ chức đã đi vào nề nếp, các hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện được triển khai nhịp nhàng, đời sống CBCNV ngành Điện cũng đã bảo đảm hơn, số nhân viên của CĐV cũ đã bắt kịp hoạt động mới và an tâm phục vụ thì cũng là lúc Bộ điều động tôi về nhận nhiệm vụ mới: Trưởng ban Quản lý công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ là ông Bùi Văn Lưu được Bộ quyết định cử làm Giám đốc thay tôi cho tới lúc được nghỉ hưu sau một đời gắn bó với ngành điện.

Thạch An

(Ghi theo lời kể của ông Trần Tự Kinh - Nguyên cán bộ quân quản Điện lực miền Nam và ông Phạm Khai - Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam)

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps