Ngành y đã thay đổi sau những biến cố?

12:12 | 26/02/2014

1,677 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tâm thức của nhiều người hiện nay, nói đến bệnh viện, bác sĩ như nói đến một vấn đề ung nhọt của xã hội, đặc biệt là thời gian qua khi xảy ra liên tiếp những vụ việc gây “chấn động” dư luận mà không cần phải kể ra, ai cũng “nằm lòng” như chuyện của chính mình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đã từng thốt lên: “Vụ Cát Tường gây đau đớn cho cả ngành y”. Thế nhưng khó khăn đôi khi lại là cơ hội cho nên sau vụ Cát Tường cùng nhiều vụ việc “nổi cộm” khác, ngành y có dịp xốc lại chính mình và lấy đó là động lực, “bàn đạp”, là bài học xương máu để đưa ngành y tiến xa hơn, hoàn thiện hơn đúng với hình ảnh mà ngành đã được tặng: “Lương y như từ mẫu”.

Chăm bệnh nhân như… người nhà

Đến các bệnh viện hiện nay, một điều dễ nhận thấy có một sự thay đổi lớn trong cách giao tiếp, ứng xử giữa nhân viên y tế với bệnh nhân: hòa nhã, lịch sự, nhiệt tình, khác hẳn trước đây. Nếu như trước đây, chưa bàn đến chất lượng khám chữa bệnh, đó là nguyên nhân đầu tiên và chính yếu nhất làm cho mối quan hệ này không có sự đồng cảm, thiếu tôn trọng lẫn nhau, minh chứng là 50% trong 1000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế đều phản ánh về thái độ của cán bộ y tế thì giờ lại là “cầu nối”, mang lại hòa khí ấm áp cho đôi bên.

Thực ra trong ngành y, không phải lúc nào, không phải nhân viên y tế nào cũng là nguyên nhân mang lại mối bất hòa như vậy, nhưng số người hách dịch, trị bệnh trên tinh thần ban ơn không ít đã làm cho thiện cảm đối với ngành y mất dần đi, thay vào đó là một sự “bằng mặt không bằng lòng”, định kiến giữa người bệnh và thầy thuốc. Câu chuyện này đến nay đã khác.

Điển hình nhất là Bệnh viện Xanh Pôn, nơi được nhiều bệnh nhân phản ánh là “quá đáng” trong cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân chữa trị theo bảo hiểm. Trước kia và hầu như lúc nào cũng vậy, mỗi lần đến bệnh viện Xanh Pôn là một lần bức xúc vì chứng kiến cảnh nhân viên y tế dằn hắt, nặng lời với bệnh nhân dù chỉ ở một việc rất đơn giản, dù người bệnh có khi đáng tuổi cha chú của nhân viên y tế và dù cái sai của sự việc đã rõ mồn một thuộc về bác sĩ.

Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân trong vụ sập cầu ở Lai Châu.

Những lần như vậy thực ra đáng buồn là đếm các ngón trên hai bàn tay không biết bao nhiêu lượt vẫn chưa hết đến nỗi nó trở thành chuyện “nhỏ”, chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” ở bệnh viện. Có lần, trong cái nóng oi ả của mùa hè lại thêm hơi người hầm hập, làm cho không khí trong bệnh viện trở nên ngột ngạt, bí bách, một bệnh nhân gần 80 tuổi tưởng như sắp ngất ở hành lang vì ngồi chờ khám quá lâu. Vậy mà khi đến lượt bà vào khám, bà lại bị bác sĩ đuổi quầy quậy ra ngoài để khám chen ngang cho một bệnh nhân khác không lấy số (số thứ tự khám bệnh). Hỏi ra sau này  mới biết đó là người quen của bác sĩ.

Thế mà, khi ấy thay vì một lời giải thích mềm mỏng, dễ nghe những mong sự cảm thông ở bà cụ, bác sĩ lại nặng lời, lớn tiếng mắng xa xả bà cụ nào là: “Bà ra ngoài ngay, bao giờ tôi gọi bà mới được vào”; “Bà không thấy tôi đang làm gì đây à”. Nào là: “Bà không ra ngoài là tôi cho bà chờ thêm đấy”; “Bà đừng tưởng có mỗi bà mệt. Tôi cũng đang mệt như bà đây” v.v…  

Còn hôm nay câu chuyện đã khác, đã là một thái độ mà bệnh nhân mong mỏi bấy lâu ở bác sĩ – nhã nhặn, nhiệt tình, chu đáo. Có thể chưa phải tất cả các bác sĩ, nhân viên y tá đều vậy, nhưng từ dấu hiệu theo thời gian nhân lên sẽ trở thành thái độ khám chữa bệnh chung của môi trường bệnh viện.

Chỉ vừa mới đây thôi, chứng kiến một bệnh nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm cấp cứu ở bệnh viện Xanh Pôn, mới thấy tình cảm giữa những người khoác áo trắng với bệnh nhân thực sự đã thay đổi. Mặc dù có người nhà đưa vào, nhưng bệnh nhân Nguyễn Thị An ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội vẫn được các y tá, điều dưỡng viên tận tình bế lên đặt nhẹ nhàng vào xe đẩy rồi đẩy đi khắp nơi làm các xét nghiệm, chụp chiếu theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Đã vậy trong lúc đẩy xe, y tá, điều dưỡng viên còn động viên, an ủi thân tình như người nhà để bà An đỡ lo lắng, quên đi những đau đớn do bệnh tật mang lại.

Ngạc nhiên hơn, khi làm thủ tục nhập viện tại Khoa Nội II, một điều dưỡng viên với dáng vẻ chất phác, nhiệt tình đã chu đáo dặn dò từ bữa ăn, giấc ngủ, đặc biệt khi mang chăn, màn, gối… đến cho bà An, còn nhẹ nhàng dặn đi dặn lại: “Với những đồ dùng này, bà nhớ hộ con là không phải mất đồng phí nào nhé. Còn với tấm chăn này, quần áo bệnh nhân này, bà không lo lạnh đâu vì trong phòng có máy sưởi. Chỉ khi nào ra khỏi phòng thì bà nhớ mặc ấm, quàng khăn cẩn thận kẻo đã ốm càng thêm ốm bà ạ”.

Những câu dặn dò từng li từng tý, sự quan tâm, chăm sóc tưởng như chỉ có ở những người cùng máu mủ ruột già của nữ điều dưỡng viên thực sự đã làm xúc động bao người xung quanh. Họ dành cho chị ánh mắt trìu mến, cảm phục và yêu hơn màu áo trắng tinh khôi mà chị đang khoác!

“Phải có nhau chúng ta mới tồn tại”

Đến Bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cũng có một sự thay đổi lớn giữa tình thầy thuốc và bệnh nhân, đặc biệt  ở những khoa vẫn được coi là “nóng” như phòng khám cấp cứu, Khoa sản, Khoa Kế hoạch hóa gia đình…

Nếu như trước đây, giao tiếp, ứng xử của một số bác sĩ ở đây đối với bệnh nhân như của bề trên với cấp dưới, như sự ban ơn của người mạnh đối với người yếu, như mẹ ghẻ đối với con chồng… nhất là ở cách nói trống không, kẻ cả, hách dịch và bao giờ cũng kèm theo câu: “Nhớ chưa”; “Nghe chưa” thì bây  giờ là thái độ mà đến nỗi nhiều bệnh nhân phải ngỡ ngàng vì thân thiện.

Nếu người nào đã từng đến Khoa Kế hoạch hóa gia đình nằm ở tầng 3 tòa nhà nằm ngay cổng Tràng Thi, sẽ không thể  nào quên sự nhiệt tình, cẩn thận của một nhân viên chuyên làm nhiệm vụ tư vấn về kế hoạch hóa gia đình. Sự nhiệt tình, cẩn thận ấy cho thấy không những đó là tố chất của một người làm tư vấn mà còn là sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc của một người phụ nữ thấu hiểu, đồng cảm với nỗi vất vả của người phụ nữ trong chuyện thai sản. Thực ra tinh thần làm việc và tình cảm dành cho bệnh nhân của nữ nhân viên này không phải bây giờ mới vậy sau những “biến cố” của ngành y mà từ trước tới nay vẫn thế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân ở bệnh viện Việt Đức dịp cận Tết Giáp Ngọ.

Thậm chí nhiều bệnh nhân sau khi đến đây ra về phải công nhận một điều: “Ở trong khoa, chị là một trong những người dễ chịu nhất, làm bớt căng thẳng, nỗi lo lắng, sợ hãi của bệnh nhân”. Vậy mà, chị rất khiêm tốn, kiên quyết đề nghị không được công khai danh tính của chị lên báo với lý do: “Việc làm của tôi là hết sức bình thường, không có gì nổi trội hay đặc biệt để rồi phải đưa lên báo. Tôi phải cố gắng nhiều nữa để làm sao ranh giới giữa thầy thuốc và bệnh nhân không còn và để tất cả mọi người hiểu ra rằng: “Phải có nhau chúng ta mới tồn tại”.

Không chỉ Khoa Kế hoạch hóa gia đình mà Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em cũng là nơi ngày càng dành được nhiều thiện cảm của bệnh nhân. Và phải nói ngay rằng thiện cảm ấy không phải xuất phát từ sự hàm ơn bác sĩ, y tá mà đơn giản bắt đầu từ “trái tim” trước sự ân cần, nhiệt tình của họ.

Cách đây khoảng 10 năm, ngay trước cửa của Khoa Sơ sinh và trên tường trong Khoa, dán một nội quy với nội dung đại ý: Các nhân viên trong khoa phải giải thích cặn kẽ, cẩn thận tất cả các câu hỏi mà gia đình bệnh nhi đặt ra. Không được cáu gắt, mất lịch sự dù trong hoàn cảnh nào. Bây giờ, nội quy ấy không còn nhưng rõ ràng, tinh thần làm việc đó như đã ăn sâu vào nếp nghĩ, tâm thức của những người làm việc ở đây để rồi nó như phản xạ tự nhiên, không cần phải nhắc nhở bằng cách hiển hiện bản nội quy dán trên tường.

Là một trong những khoa làm việc vất vả nhất Bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em do đặc thù bệnh nhân là trẻ sơ sinh, phải chăm sóc, điều trị 24/24 tiếng nên từ bác sĩ đến các điều dưỡng, y tá ở đây làm việc cực kỳ vất vả. Đã nhiều người không chịu nổi phải xin chuyển sang khoa khác hoặc cơ quan khác.  

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và tặng quà cho bệnh nhân ung thư ở Đà Nẵng.

Đối với những người ở lại, chứng kiến một ngày làm việc của họ phải nói rằng quần quật suốt cả ngày, xoay mình như chong chóng mà không bao giờ hết việc, lúc nào cũng trong tình trạng… căng như dây đàn. Thế mà, như THs.BS Trần Diệu Linh, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, với vai trò là một lãnh đạo đồng thời trực tiếp điều trị, cấp cứu  nhiều ca bệnh nguy hiểm, có cảm giác thời gian dành cho riêng mình chị cũng không có đến nỗi làm gì cũng phải… tranh thủ, khi giải thích về sức khỏe, bệnh tình của trẻ sơ sinh, dù áp lực công việc đến cỡ nào, dù thời gian quý giá hơn vàng bao nhiêu… chị vẫn bình tĩnh, tận tình với gia đình bệnh nhân.

Bởi cũng là người làm mẹ, chị hiểu sự sốt ruột, lo lắng đến mất ăn mất ngủ của bậc làm cha làm mẹ đối với con mình, chưa kể đến đó lại còn là trẻ sơ sinh, sức khỏe yếu ớt để chống đỡ với bệnh tật. Có lần, một bà mẹ trước tình trạng bệnh của con mình đã quá lo lắng hỏi chị: “Em hỏi thật chị và cũng muốn chị trả lời thật cho em, liệu con em có sống được không?”. Giọng trầm lắng chị đã trả lời chân tình: “Để trả lời có hay không đều nằm ngoài dự đoán của chị. Chỉ có điều, hai chị em mình sẽ cùng cố gắng để làm sao bé nhà em có sức khỏe tốt nhất”. Câu trả lời ấy không đơn thuần chỉ là về y học mà còn là lời động viên, khích lệ đầy tình người của một người thực sự “lương y như từ mẫu”!

Không thể để ngành y đơn độc

Để có một sự thay đổi lớn trong giao tiếp giữa thầy thuốc - bệnh nhân hôm nay, thực sự là một công cuộc lớn của ngành Y tế, trước hết là sự quyết đoán, nỗ lực của người đứng đầu ngành quyết tâm lấy lại hình ảnh, y đức vốn có của những người làm nghề cứu người.

Chỉ có điều để công cuộc cách mạng ấy thực sự hiệu quả và trở thành phổ biến trong ngành y, như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ rất thật tại kỳ họp Quốc hội thứ 13 diễn ra vào năm ngoái rằng: “Sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức. Chính vì vậy, Bộ Y tế mong nhận được sự chia sẻ của các ban ngành, nhân dân chung tay với ngành nâng cao đạo đức nghề nghiệp”.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc