Ngành than: Nhiều nỗ lực trong năm 2013

07:00 | 30/12/2013

1,645 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như vậy là cánh cửa năm cũ đang dần khép lại đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) qua một năm lao động hăng say, nỗ lực vượt khó ở nhiều giai đoạn. Những chỉ tiêu, nhiệm vụ cuối cùng của năm 2013 đã và đang được người thợ mỏ giàu truyền thống hoàn thành nốt để chuẩn bị cho kế hoạch năm 2014.

Năng lượng Mới số 286

Ổn định tổ chức

Năm 2013 đầy những khó khăn đang dần khép lại. Đến thời điểm này, nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã và đang kết thúc những chỉ tiêu, nhiệm vụ cuối cùng của năm 2013 và bắt đầu lên kế hoạch cho năm 2014. Điều đáng mừng, ngành than năm nay đã giữ ổn định về mặt tổ chức, tư tưởng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) chính tại tỉnh Quảng Ninh.

Cũng như năm 2012, 2013 là năm Vinacomin đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngay từ những ngày đầu ra quân, Tập đoàn có những quyết tâm rất lớn để nhìn nhận, đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước khi xây dựng kế hoạch SXKD đầu năm. Cụ thể là những giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt từng tháng, từng quý với mục tiêu duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Công nhân phân xưởng Đào lò số 5 tại vỉa 10CB mức -80 mỏ than Mạo Khê

Thực tế, có lẽ chỉ người trong ngành mới thấu hiểu hết được nỗi gian truân, khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Điều kiện khai thác ngày càng sâu, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, lao động nặng nhọc, độc hại, tỷ lệ rủi ro cao khiến việc tuyển dụng lực lượng lao động hầm lò đang là nhu cầu hết sức cấp bách. Diễn biến năm 2013 vẫn là tình trạng suy thoái kinh tế thế giới và trong nước mà trực tiếp là thị trường tiêu thụ than và các sản phẩm khoáng sản khác trong ngành trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Song, tín hiệu vui năm nay là khối lao động thợ lò được ổn định và cá biệt một số đơn vị có mức tăng hơn năm trước; riêng khối khai thác lộ thiên, lao động mặt bằng thu nhập, ngày công bắt buộc phải giảm do tiêu thụ khó khăn và thời tiết bất lợi... Các ngành khác như khoáng sản, điện, cơ khí được xem như có sự ổn định, giữ đủ việc  làm cho người lao động.

Ngay trong tháng 10, chỉ đạo của Tập đoàn là phải đẩy nhanh tiêu thụ để giảm tồn kho; chuẩn bị tốt chủng loại than cám 5 cho các hộ điện và xuất khẩu Trung Quốc; cám 1-2-3-4 cho xi măng nội địa và đi thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đưa ra các giải pháp siết chặt chi phí, rà soát lại hoạt động sản xuất của những đơn vị khai thác; ngăn chặn phòng ngừa thất thoát than, hạn chế tai nạn lao động; sắp xếp tổ chức và tái cơ cấu được 6 đơn vị, cổ phần hóa 3 đơn vị thành viên; giảm đội ngũ phòng, ban xuống còn không quá 20 bộ phận trong công ty hạng I và từng bước giảm lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp...

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Những kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2013 của Vinacomin tuy con số còn khiêm tốn nhưng trong hoàn cảnh thực tế kinh tế ảnh hưởng suy thoái hiện nay, điều đó là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và cán bộ,  CNVC toàn ngành. Theo các chuyên gia kinh tế, thì Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục tháo gỡ những bất cập đang tồn tại để ngành Than phát triển bền vững.

Đơn cử, Vinacomin được giao trọng trách là 1 trong 3 trụ cột chính bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng lại đang bị hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó tồn tại nhiều nghịch lý như: trong khi giá than trong nước bị khống chế bán giá thấp, thì ngược lại, các chính sách: thuế, phí ngày càng cao. Ngoài nộp các khoản thuế như các hoạt động kinh doanh khác như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, ngành than còn phải nộp thuế tài nguyên hiện vẫn còn cao.

Nhận xét về ngành than, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng: Về lâu dài ngành than cần phải có những bước đột phá mạnh hơn nữa. Mà vấn đề ở đây là không thể một mình ngành than mà cần phải có sự chung tay, giúp sức của cả hệ thống chính trị trong việc áp dụng những cơ chế, chính sách phù hợp đối trong việc đảm bảo đủ vốn đầu tư xây dựng mỏ mới, mở rộng mỏ cũ; giảm thuế xuất khẩu than; giảm các loại thuế, suất môi trường; thông thoáng hơn trong việc cấp phép thăm dò các mỏ mới… thì ngành than mới đảm nhận tốt vai trò là một trong ba trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo đủ sản lượng than cho quy hoạch điện VII mà Chính phủ đã phê duyệt.

Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động

Năm 2013 có nhiều công trình, dự án tiêu biểu của ngành than đã chính thức đi vào hoạt động. Việc Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê ra đời đã mang ý nghĩa rất lớn cho kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Mỗi năm nhà máy cung cấp khoảng 2,86 tỉ kWh điện thương phẩm và làm tăng nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, đóng góp đáng kể nguồn điện vào biểu đồ phát triển điện năng, khắc phục phần nào sự thiếu hụt điện hằng năm.

Công ty Than Khe Chàm (Vinacomin) đã tiến hành khai thác tấn than đầu tiên tại mỏ mới Khe Chàm III. Ðây là mỏ mới hoàn toàn, do các đơn vị ngành than tự thiết kế, thi công toàn bộ. Ðến nay, tấn than đầu tiên đã được kéo lên từ mức âm 300m, công ty đang đẩy mạnh khai thác tại các khu vực, phấn đấu sớm đạt công suất thiết kế.


Mạnh Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps