Ngành giáo dục “gỡ rối” thị trường sách tham khảo

06:44 | 22/04/2013

1,069 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay, hầu như tất cả các cấp học, môn học đều có rất nhiều loại sách tham khảo với đủ tên gọi từ sách bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng… Mỗi môn học đều có ít nhất vài cuốn hỗ trợ kiến thức đi kèm, điều đáng nói là gần đây nhiều sách biên soạn theo “chuẩn kiến thức mới” nhưng lại sai kiến thức tràn lan khiến thị trường sách tham khảo càng thêm bấn loạn.

Một sách giáo khoa “đính kèm” chục sách tham khảo

Bước vào các nhà sách, ai cũng có thể nhận ra chỉ riêng sách tham khảo cho môn Toán lớp 2, đã có hàng loạt tựa đề: “Nâng cao kỹ năng giải Toán 2”, “Toán nâng cao lớp 2”, “Giải bài tập toán 2”, “Chuyên đề bồi dưỡng và nâng cao Toán 2”, “Vở bài tập nâng cao tự luận và trắc nghiệm 2”, “Bài tập bổ trợ và nâng cao Toán 2”, “35 đề ôn luyện và phát triển toán 2”, “36 đề ôn luyện Toán 2”, “Bài tập Toán nâng cao 2”, “Luyện tập Toán 2 các dạng bài tập trắc nghiệm tự luận và đề kiểm tra”…

Còn môn Tiếng Việt, cũng phong phú không kém với các tựa đề: “150 bài văn hay lớp 2”, “Luyện tập làm văn 2”, “Bài tập trắc nghiệm và tự luận Tiếng Việt 2”, “Để học tốt Tiếng Việt 2”, “Tiếng Việt nâng cao 2”, “Tuyển chọn những bài văn miêu tả hay”, “Mẹ và bé cùng học Tiếng Việt 2”, “Mẹ dạy con học tốt Tiếng Việt 2”… Các loại sách này đều do các cơ quan xuất bản uy tín như NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Quốc gia TP HCM, NXB Giáo dục, NXB Văn học, NXB Đà Nẵng, NXB Mỹ thuật… phát hành.

Lướt qua nhà sách Vinabook (trên mạng Internet) nhiều người giật mình trước số lượng sách tham khảo (STK). Cấp trung học phổ thông (THPT) đứng đầu về lượng STK của nhà sách này, với 437 đầu sách khác nhau, giá bán từ 3.500-122.000 đồng/cuốn; tiếp đến là cấp THCS với 162 đầu sách, giá bán từ 3.000-60.000 đồng/cuốn; cấp tiểu học là 113 đầu sách...

Chọn sách tham khảo cho từng bậc học đang là bài toán khó cho cả phụ huynh và học sinh

Thực tế là có tới 35/57 nhà xuất bản trên cả nước đều có chức năng xuất bản STK với đủ quy mô khác nhau. Đại diện NXB Giáo dục cho biết, mỗi năm NXB Giáo dục phải gửi nhiều công văn đến Cục Xuất bản và Cục Bản quyền tác giả để báo cáo về các trường hợp NXB Giáo dục bị các NXB khác vi phạm bản quyền. Vi phạm phổ biến nhất là việc các NXB giải những câu hỏi gợi mở trong sách giáo khoa (SGK) để tổng hợp vào các STK. GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích: “Rất cần phân biệt rõ ràng giữa SGK và những loại không phải SGK. Điều khiến tôi rất bức xúc từ lâu nay là hàng loạt loại STK tràn lan trên thị trường và vì thiếu thông tin nên người dân bỏ tiền ra mua STK còn tốn tiền hơn mua SGK”.

Không ít NXB nghe tên chẳng hề “dính dáng” gì đến giáo dục, không có biên tập viên chuyên ngành, việc thẩm định không đảm bảo khiến nội dung sách thiếu “chuẩn” mà vẫn được cấp phép xuất bản. Đó là lý do không ít sách có sai sót những lỗi sơ đẳng, ví dụ như STK của học sinh lớp 1 viết “thước đo” thành “thướt đo”, “năn nỉ” thành “năng nỉ”, “giỗ” thành “dỗ”, hay đưa ra đề Toán vô cùng phản cảm như: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay”; hay có STK môn Toán lớp 2 có đến hàng chục trang liền nhau, nội dung chỉ xoay quanh việc mẹ mua, mẹ hái, mẹ bán, mẹ cho em mấy quả cam… Không chỉ “bấp bênh” về chất lượng, trong thời gian vừa qua, dư luận cũng tỏ ra bất bình khi phát hiện ra hàng loạt các cuốn STK dành cho thiếu nhi có nguồn gốc từ Trung Quốc, với những chi tiết làm lệch lạc kiến thức văn hóa, hình ảnh đất nước và vi phạm chủ quyền dân tộc. Có thể kể tới chi tiết in bản đồ Trung Quốc kèm hình “đường lưỡi bò” 9 khúc (sách “Tiếng Hoa dành cho trẻ em” - NXB Tổng hợp TP HCM), trường học Việt Nam cắm cờ Trung Quốc (bộ sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” - NXB Dân trí) hay bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (sách “Tiếng Việt lớp 1” tập Hai - NXB Giáo dục).

Trước thực trạng này, Văn phòng Quốc hội vừa ra thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 16. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận sẽ phải giải quyết 6 vấn đề lớn của giáo dục nước nhà trong năm 2013, đặc biệt là vấn đề tập trung quản lý chất lượng SGK, STK phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng, chuẩn mực về ngôn ngữ và lịch sử.

Bộ GD & ĐT “siết” sách tham khảo

Để chấn chỉnh tình hình này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 2372 về việc quản lý SGK và STK trong nhà trường, trong đó đã xác định rõ từng hạng mục SGK, STK, sách giáo viên, sách bài tập… Theo đó, ở loại SGK thống nhất do Bộ GD&ĐT ban hành từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có một bộ sách thống nhất trên cả nước, trên sách có ghi rõ tên tác giả, tổng chủ biên. Riêng cấp THPT đối với 8 môn học phân hóa (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ) có loại SGK biên soạn theo chương trình chuẩn và loại SGK biên soạn theo chương trình nâng cao (SGK nâng cao có ghi là loại nâng cao kèm theo tên sách). Cùng với SGK còn có tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao do Bộ GD&ĐT ban hành để dùng cho giáo viên và học sinh. Đối với môn học nâng cao của ban cơ bản, có thể dạy học theo SGK nâng cao hoặc SGK chương trình chuẩn kết hợp với sử dụng tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao.

SGK là tài liệu chính để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và là tài liệu chính để học sinh học tập. Sách giáo viên (GV) thì do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Mỗi môn học ở mỗi lớp có một loại sách GV (riêng 8 môn học phân hóa ở cấp THPT có 2 loại sách GV). Đối với một số môn học ở cấp tiểu học và môn Thể dục, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở cấp THCS và cấp THPT, Bộ GD&ĐT không ban hành SGK mà chỉ ban hành sách GV. Còn sách bài tập được quy định do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK, Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các tổ chức, cá nhân thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, GV, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành STK tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT quy định tuyệt đối không được lưu hành, sử dụng sách có nội dung không lành mạnh và sách có biểu hiện vi phạm pháp luật trong nhà trường và không được sử dụng sách có nội dung không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời, giáo viên, nhà trường phải kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên và thông báo đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn về các trường hợp phát hiện sách có sai sót ảnh hưởng đến dạy học và giáo dục; các loại sách không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; sách có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm về danh mục STK lưu hành trong đơn vị mình. Trường hợp phát hiện STK có sai sót, có nội dung không lành mạnh hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật, cần kịp thời báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.

Khánh An