Ngành dầu mỏ Venezuela hiện giờ ra sao?

09:34 | 08/06/2019

|
(PetroTimes) - Lệnh cấm vận của Mỹ, giá dầu tụt giảm và xung đột chính trị-xã hội đã khiến ngành dầu mỏ của Venezuela, quốc gia nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, rơi vào khánh kiệt.
nganh dau mo venezuela hien gio ra sao
Nhà máy lọc dầu Amuay từng là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới

Trong một bài phóng sự ra ngày 5/6, tờ Le Figaro của Pháp cho biết Punto Fijo, nơi từng được coi là thủ phủ công nghiệp dầu lửa của Venezuela, nay là thành phố ma. Ngay cửa ngõ vào thành phố, hàng chục tòa nhà thương mại và công nghiệp đa phần còn mới nhưng trống không. Ở trung tâm thành phố, đa số các cửa hàng đóng cửa, không có điện.

Le Figaro mô tả: “Nhìn từ xa, khu trung tâm lọc dầu Amuay giờ chỉ là bộ khung sắt đen xì mà đa phần các nhà máy ngừng hoạt động. Ban đêm, cảnh tượng càng hoang tàn, không một ngọn đèn trên các phố”.

Nhà máy lọc dầu Amuay từng là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới. Từ chục năm nay khu lọc dầu này không được bảo dưỡng.

Trong những năm 1990, Amuay là đầu mối giao thông nhộn nhịp hoạt động 24/24 giờ. Giờ đây, trung tâm này chỉ hoạt động 10% công suất. Phần lớn số xăng dầu ít ỏi ra khỏi trung tâm lọc dầu này chỉ để cung cấp cho buôn lậu.

Không chỉ ở Punto Fijo. Sang bên phía đông của hồ Maracaibo, cảnh tượng tan hoang của ngành dầu mỏ còn rõ nét hơn. Hàng chục giếng dầu đều trong tình trạng ngừng hoạt động. Đâu đâu cũng là cảnh hoang tàn, đổ nát.

Mọi việc xuất phát từ khi dầu mất giá thê thảm vào năm 2014 từ gần 100 USD/thùng xuống còn chưa đầy 30 USD khiến nền kinh tế Venezuela vốn phụ thuộc gần như toàn bộ vào xuất khẩu dầu mỏ rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng xã hội kéo theo xung đột chính trị từ đó đến nay. Tiếp đến là lệnh cấm vận với ngành dầu mỏ của Venezuela cách đây vài tháng khiến những đồng tiền ít ỏi còn lại từ xuất khẩu dầu mỏ cũng bị tiêu tan. Tiền bán dầu dùng tài trợ cho các chương trình xã hội đã không đủ để tái đầu tư vào khai thác dầu. Sản xuất dầu lửa từ 3,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2000 giời chỉ còn từ 500.000 đến 700.000 thùng. Công suất lọc dầu cũng giảm xuống còn 1/10. Vì thế dẫn đến đất nước giờ đây không những không đủ dầu xuất khẩu mà còn không đủ để đáp ứng như cầu trong nước để chạy xe cho đến phát điện.

Trước tình hình thiếu nhiên liệu kinh niên, chính quyền Caracas mới đây đã phải thiết lập chế độ phân phối xăng dầu.

Venezuela cũng đã thông báo việc khôi phục lại hệ thống các nhà máy lọc dầu để giải quyết tình trạng khan hiếm trên. Nhưng để làm được điều đó phải có tiền trong khi số dầu xuất khẩu ít ỏi của nước này hiện chủ yếu dùng để trả nợ hoặc để đổi hàng hóa hay dịch vụ của nước khác.

nganh dau mo venezuela hien gio ra saoSự cố mất điện đã ảnh hưởng như thế nào tới ngành dầu mỏ Venezuela?
nganh dau mo venezuela hien gio ra saoNgành dầu mỏ Venezuela ra sao khi bị Mỹ cấm vận?

Nh.Thạch

AFP