Ngân hàng “thờ ơ”, doanh nghiệp nông thôn “đói” vốn

07:06 | 29/04/2013

554 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong bản Kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khu vực nông thôn đang được Viện Khoa học quản trị DNNVV (thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam) lấy ý kiến các chuyên gia trước khi trình các cơ quan thẩm quyền xem xét, vấn đề vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV khu vực nông thôn hé lộ những vấn đề đáng băn khoăn.

 

Tài sản thế chấp giá trị thấp, DNNVV rất khó tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng.

Hơn 85% DNVVV nông thôn “khát” vốn

Theo Viện Khoa học quản trị DNNVV, Viện đã tiến hành khảo sát 1.523 DNNVV ở nông thôn trên cả nước. Đáng ngạc nhiên là có đến 85,31% doanh nghiệp cho biết họ còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và chỉ có 14,69% doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù Việt Nam có một số lượng lớn các tổ chức tài chính nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV nông thôn vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ lãi suất cao là chủ đề nóng nhất khi thảo luận về dịch vụ ngân hàng, ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp (siêu nhỏ, nhỏ và vừa) hoạt động trong các ngành nghề. Tỉ lệ lãi suất năm 2011 là 20-25%, giảm xuống còn 17-18% trong năm 2012. Gần đây tỉ lệ lãi suất của các ngân hàng quốc doanh là 14-16%. Tuy thế phần lớn DNNVV vẫn không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Nhiều DNNVV có năng lực có thể đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng, có kế hoạch kinh doanh khả thi thì ngần ngại khi vay với tỉ lệ lãi suất cao. Họ quyết định chờ đợi thêm hoặc tìm kiếm nguồn tài chính khác thay thế. Trong khi đó, ngân hàng lại coi các DNNVV sẵn sàng vay với tỉ lệ lãi suất cao là quá rủi ro. Đa số các doanh nghiệp này hoạt động phi sản xuất, có tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán. Chính vì vậy khoảng cách giữa ngân hàng và DNNVV ngày càng lớn. DNNVV không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng để duy trì, mở rộng hoạt động trong khi ngân hàng lại không thể giải ngân nguồn vốn sẵn có.

Ngân hàng quốc doanh “ngó lơ” DNNVV

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học quản trị DNNVV, các ngân hàng mà DNNVV có mối quan hệ tương đối đa dạng, trong đó gồm ngân hàng thương mại quốc doanh BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, và các ngân hàng cổ phần tư nhân Sacombank, Anbinhbank, Dong A bank.

Theo một số DNNVV được phỏng vấn, ngân hàng  cổ phần tư nhân cho vay với tỉ lệ lãi suất cao hơn nhưng chính sách và thủ tục cho vay vốn linh hoạt hơn. Do vậy DNNVV muốn tiếp cận những ngân hàng này hơn. Ngân hàng quốc doanh hướng đến đối tượng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp Nhà nước hơn là DNNVV khu vực tư nhân. Một số DNNVV được khảo sát cho biết cũng từng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ tín dụng nhân dân.

Khó khăn lớn nhất với 69,16% doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn là đối tượng cho vay bị hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hầu như ít có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng. Hoạt động thông tin về chương trình cho vay của ngân hàng cũng chưa rộng rãi nên doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin. Có đến 32,16% doanh nghiệp nhận thấy hạn chế này.

Bên cạnh đó, thủ tục pháp lí phức tạp, tốn kém thời gian cũng gây khó khăn cho 45,49% doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn. 45,49% số doanh nghiệp được hỏi đồng ý với nhân định này. Theo các doanh nghiệp, họ phải hoàn tất quá nhiều giấy tờ trong bộ hồ sơ như sao y, công chứng, điền vào biểu mẫu... để hoàn thành thủ tục vay vốn từ ngân hàng. Ngân hàng đề ra yêu cầu và thủ tục khắt khe liên quan đến quyết định cho vay khiến các DNNVV khó có thể đáp ứng.

Dường như nhiều ngân hàng thương mại không có một bộ thủ tục đơn giản cho DNNVV mà họ áp dụng tiêu chuẩn chung như với những doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, nhiều DN và hiệp hội cho biết nhiều ngân hàng ưu tiên những doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp lớn. Các ngân hàng cổ phần tư nhân hướng nhiều hơn đến DNNVV và thủ tục ít phức tạp hơn, mặc dù tỉ lệ lãi suất của họ thường cao hơn.

Nhà nước đã ban hành một số chính sách, chương trình hỗ trợ và phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho DNNVV, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề nông thôn và ngành nghề có định hướng xuất khẩu. Thế nhưng DNNVV khó có thể tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi này. Một số DNNVV và hiệp hội được phỏng vấn cho hay tỉ lệ lãi suất của các khoản vay ưu đãi này khi thông qua hệ thống ngân hàng tương đương với lãi suất thị trường.

Trở lại khác là yêu cầu về thế chấp của ngân hàng khá khắt khe, doanh nghiệp khó đáp ứng được chiếm tỉ lệ 41,38%. Đa số các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa thì việc chứng minh sở hữu tài sản là không dễ dàng. DNNVV thường không có tài sản cố định giá trị cao để thế chấp như bất động sản có sổ đỏ, thay vào đó họ chỉ có thể thế chấp đất nông nghiệp đi thuê có thời hạn, nông trại, rừng, ao hồ có giá trị thấp.

DNNVV cũng không có tài sản cố định có giá trị cao để thế chấp ngân hàng. Trong khi đó ngân hàng lại không đa dạng hóa các loại hình tài sản có thể được thế chấp, bao gồm các khoản phải thu, trang thiết bị hoặc dựa trên dòng tiền mặt dự trù trong kế hoạch kinh doanh.

Điều tra của Viện Khoa học quản trị DNNVV cho rằng: Hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng hết các yêu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vẫn là một thách thức lớn đối với phần lớn doanh nghiệp được khảo sát.

Lương Thu Mai