Ngân hàng “kết duyên” với... Điện

08:12 | 02/10/2014

618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2014, lần đầu tiên hệ thống điện quốc gia đã có dự trữ, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên toàn ngành điện. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, phía sau kết quả đó có đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) luôn đồng hành, chia sẻ với ngành điện trong suốt quá trình triển khai, thi công các dự án điện.

Năng lượng Mới số 361

Cần vốn nhưng khó vay

Thông tin tại Hội thảo “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho hay: Trong 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn khoảng 1.251.500 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư thuần là 921.000 tỉ đồng, trả nợ gốc, lãi vay khoảng 330.500 tỉ đồng. Riêng đối với các dự án nguồn điện, để đáp ứng mục tiêu đầu tư theo Quy hoạch điện VII, dự kiến tổng nhu cầu vốn Tập đoàn cần thu xếp để đầu tư các dự án nguồn điện là rất lớn, ước khoảng 542.000 tỉ đồng, chiếm 58,8% tổng nhu cầu đầu tư thuần của EVN.

Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Công ty Mẹ - Tập đoàn và các tổng công ty phát điện chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp. Lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn điện đắt tiền… Trong khi đó khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi trong nước cũng như nước ngoài đang vấp phải rất nhiều khó khăn như các dự án nguồn điện có tổng mức đầu tư rất lớn nên phải thực hiện theo hình thức đồng tài trợ; tổng nguồn vốn ưu đãi không lớn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm cần khuyến khích đầu tư, do đó khả năng bố trí nguồn vốn cho các dự án điện của EVN bị hạn chế; Giá trị khoản vay ODA bị hạn chế theo chương trình của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam; việc chuẩn bị và giải ngân dự án thường kéo dài do liên quan đến nhiều cơ quan quản lý...

Ngân hàng “kết duyên” với... Điện

Ký kết hợp đồng tín dụng cho Thủy điện Lai Châu

Đặc biệt, với khoản vay song phương thì thủ tục thẩm định không thống nhất giữa các nhà tài trợ. Thường bị ràng buộc về nguồn gốc thiết bị (ví dụ JICA yêu cầu dự án phải có tư vấn Nhật Bản, tỷ lệ hàng hóa xuất xứ Nhật Bản...). Trong khi các khoản vay thương mại nước ngoài phải tuân theo tất cả các điều kiện của thị trường về lãi suất, thời gian, các loại phí, hồ sơ thủ tục…

Còn theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), việc thu xếp cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp một số khó khăn như vốn đầu tư cho các dự án điện lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao; ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; chính sách giá điện chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào ngành điện; tỉ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao hoặc tổ chức tín dụng phải cho vay trong một thời gian quá dài, tiềm ẩn rủi ro; một số dự án điện có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp, vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng như dự án điện hạt nhân, dự án điện mặt trời…

Vượt khó nhờ sự chia sẻ trách nhiệm

Ngành điện đang gặp khó khăn và thực tế để hoàn thành các mục tiêu phát triển hệ thống điện, ngành điện đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là sự sát cánh của ngành ngân hàng trong việc tài trợ vốn cho các dự án điện, góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện theo quy hoạch, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của EVN nói riêng, các doanh nghiệp ngành điện nói chung và tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện. Ví như Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NHTM, đặc biệt là 4 NHTMNN Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank bố trí đủ vốn để cho vay Dự án Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tổng số tiền các NH cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường tiền tệ có nhiều biến động, lãi suất tăng cao, việc huy động vốn của cả doanh nghiệp và NHTM đều trở lên khó khăn, căng thẳng, vấn đề lãi suất cho các khoản vay giữa ngân hàng và EVN nảy sinh nhiều bất đồng, dẫn tới nguy cơ phải dừng giải ngân với nhiều khoản vay, NHNN đã tổ chức họp bàn cùng các NHTM và EVN để tìm cách tháo gỡ. Quan điểm của NHNN: Các NHTMNN là những trụ cột của hệ thống ngân hàng, tuy là những đơn vị tìm kiếm kinh doanh lợi nhuận bằng cách đi vay để cho vay nhưng trong lúc nền kinh tế khó khăn cần thể hiện hơn nữa vai trò đầu tàu, tiên phong vì nhiệm vụ chính trị của đất nước. Hơn nữa, EVN là tập đoàn kinh tế Nhà nước, là khách hàng truyền thống lâu năm của ngành ngân hàng, bản thân cũng phải gánh vác nhiệm vụ chính trị cao cả là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, cung cấp điện cho hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số do đó cần sự chia sẻ, hỗ trợ vì mục tiêu chung.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NHTMNN cùng EVN bàn bạc, thống nhất trên tinh thần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kết quả là các NHTM đã hưởng ứng nhiệt tình, chia sẻ, đồng hành cùng EVN, giữ mức lãi suất cho vay ổn định. Thậm chí, trong giai đoạn thị trường khan vốn, lãi suất tăng cao, các NHTMNN đã không điều chỉnh tăng lãi suất cho vay và chia sẻ một phần lợi ích. Tuy nhiên, trong giai đoạn mặt bằng lãi suất hạ, cũng với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp điện lực được các NHTM xem xét miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ theo chủ trương của NHNN để từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, ngành ngân hàng còn cho vay, cấp bảo lãnh và cấp tín dụng đối với các dự án điện do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác là chủ đầu tư như các dự án điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Sông Đà…

Qua đó để thấy rằng, những kết quả mà ngành điện đạt được trong những năm qua có một phần đóng góp không nhỏ của Vietinbank, BIDV, Vietcombank và Agribank. Điều này cũng được ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN khẳng định tại lễ ký tín dụng tài trợ cho Dự án Thủy điện Lai Châu rằng, ngành điện sẽ khó có thể làm được điều đó nếu không có sự chung tay, giúp sức, chia lửa từ các tổ chức tín dụng trong nước trong việc thu xếp vốn cho các dự án, công trình điện.

Thanh Ngọc

 

  • el-2024