Nga muốn thay đổi trật tự thế giới

13:50 | 11/07/2015

4,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc thành lập một ngân hàng và một quỹ tiền tệ chung, Nga và Trung Quốc muốn ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây bằng cách dựng nên một trật tự thế giới mới dựa trên các nước mới nổi (BRICS), trong đó Moskva và Bắc Kinh giữ vai trò lãnh đạo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tại thượng đỉnh khối BRICS ở Ufa, Nga ngày 9/7/2015

Thượng đỉnh của nhóm BRICS đã kết thúc hôm 9/7/2015 tại Ufa, Nga, với kết quả là khởi động việc thành lập một ngân hàng phát triển mới và một quỹ tiền tệ chung. Đây là sáng kiến quan trọng nhất của nhóm.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc khởi động ngân hàng và quỹ chung này từ lâu đã là một ưu tiên mang tính then chốt, và so với các hội nghị trước, điều này cũng thể hiện được tốt hơn tính thống nhất của nhóm.

Ngân hàng do nhóm BRICS sáng lập và được nhìn nhận như một sự lựa chọn khác ngoài Ngân hàng Thế giới để đáp ứng các nhu cầu về vay vốn tài chính.

Ngân hàng phát triển mới sẽ có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong vài năm tới. Ngân hàng này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm sau, hỗ trợ việc đối phó với những biến động tài chính cũng như cấp vốn vay cho các dự án phát triển hạ tầng.

Tổng thống Nga Putin đánh giá việc ra đời Ngân hàng phát triển mới là một bước đột phá lớn của nhóm BRICS.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Oulioukaïev không úp mở: “Khối BRICS chiếm gần 30% GDP toàn cầu cho nên phải có vai trò chính trị phù hợp với sức mạnh kinh tế”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về mục tiêu chống trật tự tài chính hiện hành rất rõ: “Điều rất quan trọng là các quốc gia BRICS phải bảo vệ chống lại các cuộc khủng hoảng và nỗ lực của những kẻ điều hành các hệ thống tài chính toàn cầu, đang lợi dụng ảnh hưởng của họ cho những mục tiêu chính trị”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Các quốc gia BRICS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tự tin khi đối mặt với những khó khăn này”. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff chia sẻ: “Những sáng kiến phát triển của các nước thành viên BRICS sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc thiết lập những mối quan hệ quốc tế kiểu mới”.

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 này của BRICS được giới quan sát quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là bước chuyển lớn, khẳng định vị thế của BRICS trong trật tự thế giới mới đa cực, với tiếng nói có trọng lượng về chính trị và tài chính mà hoàn toàn không dễ bị cô lập.

Các hãng tin lớn trên thế giới đã đưa ra nhận định đánh giá cao việc nhóm BRICS thành lập được Ngân hàng phát triển mới và Quỹ dự trữ tiền tệ chung. Giới quan sát cho rằng, việc thành lập hai thể chế tài chính của nhóm các nước mới nổi này đã đánh dấu quá trình chuyển đổi của khối BRICS trở thành một câu lạc bộ kinh tế, chính trị đầy thực chất của các nước phương Đông, đối trọng với trật tự thế giới mà các nước phương Tây đang chi phối.

Các quan chức thành viên của các nước thuộc BRICS cho rằng, Ngân hàng phát triển của khối này sẽ không áp đặt các điều kiện đối với các nước vay nợ như cách mà Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới vẫn làm.

Một chuyên gia phân tích Nga nhận định: “BRICS là một trong những dấu hiệu cho thấy sự hình thành của một thế giới mới không bị phương Tây chi phối”. Vấn đề, theo chuyên gia này là “Thế giới mới đó sẽ ra sao, không ai có thể nói bây giờ”.

Th.Long

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc