Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Nga đấu với một phương Tây rệu rã

06:45 | 12/03/2014

16,616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc khủng hoảng tại Ukraina hiện nay là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, qua đó Tổng thống Putin đang muốn chứng minh rằng “liên minh phương Tây sẽ chỉ còn là một huyền thoại”.

Trong cuộc họp báo ngày 4/3, Tổng thống Nga Putin nói: “Ðây không phải lần đầu tiên mà các đối tác phương Tây của chúng ta làm vậy ở Ukraina. Họ ngồi bên kia cái ao (ý nói Đại Tây Dương)..., đôi khi họ cảm thấy như đang trong một cái phòng thí nghiệm và họ thử đủ cuộc thí nghiệm đối với những con chuột mà không hiểu rõ hậu quả”. Phát biểu này của ông Putin ám chỉ chuyện gì đã xảy ra ở Kiev chỉ là một cố gắng nguy hiểm mới của Mỹ trong việc thay đổi xã hội.

Các nhà phân tích cho rằng thông qua việc người Nga ở Crưm tuyên bố muốn ly khai khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga, ông Putin đã tạo cho chính phủ Obama một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất và cũng hóc búa nhất. Đồng thời, ông Putin đã tạo nên một thử nghiệm xem liệu cái “phương Tây” vốn lâu nay thường chống phá Nga có phải là một thực thể hay không. Cuộc khủng hoảng này sẽ chứng minh là liệu có một liên minh bất biến nối giữa Mỹ và châu Âu mà một tổng thống Mỹ có thể vận dụng để đối phó với các đe dọa cho chính các quốc gia châu Âu hay không.

Biếm họa về cuộc đối đầu Nga-Mỹ

Ðiện Kremlin nhận định rằng Mỹ, mệt mỏi sau gần 13 năm chiến tranh và một Liên minh châu Âu vốn suýt gục ngã vì một cuộc khủng hoảng kinh tế, sẽ không thể có nổi đoàn kết hay tài nguyên để chống cự lại một cách thực sự với Nga tại Ukraina. Ðiều ông Putin thực sự “cá độ” là nay phương Tây chỉ còn là một huyền thoại.

Trên website Politico tuần trước, chuyên gia bình luận quốc tế Ben Judah viết: “Phương Tây giờ không còn là một liên minh thánh chiến nữa. Nga nghĩ điều quan trọng nhất đối với phương Tây nay chỉ còn có tiền và Ðiện Kremlin biết hết những bí mật bẩn thỉu của châu Âu và Mỹ”.

Những đụng độ về ngoại giao trong cuộc khủng hoảng này đã cho thấy những nhận định của Nga là đúng. Ðã có những dấu hiệu bất hòa giữa Mỹ một bên và Ðức và Anh một bên về loại trừng phạt nào cần phải được thi hành để trừng trị Nga. Chả thế mà một tài liệu của chính phủ Anh, nay đã thành bia miệng cho thiên hạ, khi một phóng viên chụp hình được tài liệu này trong đó hứa hẹn: “Sẽ không đóng cửa trung tâm tài chính Luân Ðôn đối với người Nga”.

Với châu Âu, việc cấm vận kinh tế với Nga sẽ là con dao hai lưỡi bởi khối này phụ thuộc vào Nga hơn rất nhiều những gì Nga dựa vào EU. Cho nên ngay từ đầu, châu Âu đã lựa chọn cách không cấm vận kinh tế với Nga nhằm gây sức ép với Matxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

Trong khi đó, Mỹ lại muốn dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga. Với Matxcơva, các “trò bẩn” của Mỹ như cấm vận kinh tế, đóng tài khoản của các quan chức không ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Matxcơva. Nga là quốc gia có thể hoàn toàn tự túc về mọi thứ. Đầu từ thương mại của Nga vào Mỹ ít nhưng các doanh nghiệp của Mỹ làm ăn trên đất Nga thì rất nhiều.

Sự mâu thuẫn giữa châu Âu và Mỹ sẽ càng gia tăng sau ngày 16-3 tới đây, khi mà người dân Crưm đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Dường như khả năng vùng này sáp nhập vào Nga là điều không tránh khỏi. Khi đó, thật dễ có thể tưởng tượng một kịch bản trong đó một số các quốc gia châu Âu tuyên bố hủy cấm vận và kết thúc tình trạng khẩn trương rồi tìm cách tiếp tục giao thương bình thường với Nga. Trong khi đó ở bờ bên kia của “cái ao Ðại Tây Dương” hẳn là lời chỉ trích “đầu hàng” vang vọng vòng quanh thủ đô Washington. Lịch sử đã chứng minh điều này. Năm 2008, vùng Nam Ossetia và Abkhazie tách ra khỏi Gruzia thành hai quốc gia độc lập trong vòng ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, sự phản ứng của phương Tây khi đó cũng mạnh mẽ nhưng rồi sau đó lại đâu vào đó. Chỉ vài tháng sau cuộc xung đột Nga - Gruzia, Pháp vẫn ký bán cho Nga chiến hạm Mistral, như không có gì xảy ra. Vài tháng sau đó, Liên minh châu Âu phấn khởi với các quan hệ đối tác với Nga. Rồi đến lượt chính quyền mới của Mỹ cũng muốn khởi động lại mối quan hệ mới với Nga.

Một phương Tây rệu rã còn được thể hiện ở chính thái độ của Mỹ và EU đối với chính quyền mà họ vừa lập lên ở Kiev. Cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã bùng lên vào tháng 11/2013 khi người lúc đó là Tổng thống Viktor Yanukovich của Ukraina đột ngột từ chối ký vào “một thỏa thuận liên kết” với Liên minh châu Âu bao gồm một thỏa thuận mậu dịch tự do “sâu đậm và toàn diện”. Những người ủng hộ phương Tây xuống đường ở Kiev. Nhiều tuần lễ đối đầu và đụng độ kết thúc khi phe đối lập lật đổ ông Yanukovich.

Khi phe đối lập lên nắm quyền, EU ngần ngại muốn chờ cho có các cuộc bầu cử và một chính phủ thực sự được thành lập trước khi ký vào thỏa thuận mà họ đã năn nỉ ông Yanukovich ký. Sự nghi ngờ của EU đối với hàng lãnh đạo mới của Ukraina, đặc biệt là với những người biểu tình ở Quảng trường Maidan, đã lộ rõ trong câu chuyện mới tiết lộ tuần trước, lần này là giữa Ngoại trưởng Estonia và bà Catherine Ashton, Ngoại trưởng EU. Hai người được nghe bàn luận về một thuyết âm mưu trong số những người biểu tình ở Maidan là những tay súng bắn tỉa bí mật đã nhắm cả vào người biểu tình lẫn cảnh sát và đã được thuê bởi các đảng lúc đó là đối lập chứ không phải là do ông Yanukovich.

Những diễn biến mới này cũng sẽ tạo ồn ào thêm trong cuộc tranh cãi ở Mỹ về liệu có nên bán khí đốt rẻ tiền cho châu Âu hay không. Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết đang xem xét đề xuất của chính phủ Obama trong việc bán dầu cho một số nước châu Âu nhằm giảm áp lực từ Nga.

Và dù kết quả có làm sao chăng nữa, cuộc khủng hoảng này sẽ làm thay đổi đường hướng ngoại giao của Tổng thống Barack Obama. Giữa sự “chuyển hướng” sang châu Á đến những cố gắng liên miên chữa cháy cho vùng Trung Ðông, ông Obama đã bị đổ cho là bỏ quên châu Âu. Người Ba Lan, Séc và các quốc gia Ðông Âu khác đặc biệt cảm thấy điều này khi họ chứng kiến việc chính phủ Mỹ tìm cách xây dựng một liên hệ tốt với Matxcơva.

Cũng phải nói là cuộc khủng hoảng này, với hết chuyển hướng này sang chuyển hướng khác, ngay cả chỉ trong tuần qua, thành ra thật khó tiên đoán. Một cuộc đối đầu kéo dài giữa phương Tây và Nga sẽ thúc đẩy Matxcơva tiến gần đến với Trung Quốc hơn. Chả thế mà một nhà bình luận trên báo The Nation của Thái Lan đã nói thực sự thừa nước đục thả câu lúc này chính là Trung Quốc.

H.Phan