Nga chế tạo công cụ thăm dò địa chấn nhỏ gọn có độ chính xác cao

15:12 | 01/10/2017

|
(PetroTimes) - Các nhà khoa học thuộc Học viện Vật lý và Công nghệ Matxcơva (MIPT) đã chế tạo thành công một công cụ thăm dò địa chấn độc đáo, theo thông tin chính thức của nhà trường ngày 29/9.
nga che tao cong cu tham do dia chan nho gon co do chinh xac cao
Thiết bị thăm dò địa chấn nhỏ gọn do Nga chế tạo

Thiết bị nhỏ gọn này có thể được coi là trạm địa chấn duy nhất có khả năng tìm kiếm các trầm tích hydrocarbon và các khoáng chất khác ở khoảng cách vài chục cây số từ bề mặt trái đất. Cốt lõi của thiết bị là các cảm biến địa chấn độc đáo có kích thước chỉ một micron.

Trạm địa chấn tí hon được thiết kế để lắp đặt ở đáy biển hoặc trên đất liền trong các cuộc khảo sát địa chấn về hydrocarbon.

Bản thân “trạm” là một mô-đun bịt kín có nguồn điện riêng, một bộ cảm biến địa chấn có độ nhạy cao hoàn toàn do Nga thiết kế chế tạo và một hệ thống thu nhận các tín hiệu từ lòng đất.

Trạm này, giống như nhiều hệ thống thăm dò địa chất khác, có khả năng tìm thấy các mỏ khoáng sản bằng cách “nghe” được dòng chảy của chúng hoặc phản chiếu các tín hiệu địa chấn được tạo ra bởi thiên nhiên hoặc bởi các tác động của con người.

Càng có nhiều cảm biến như vậy được đặt ở đáy biển hoặc tại các vùng chứa dầu trên đất liền thì các nhà địa chất càng dễ phân tích dữ liệu do các cảm biến địa chấn thu được và bức tranh toàn cảnh về lưu vực dầu khí càng rõ ràng hơn.

Các cảm biến này là những tế bào điện cực đặc biệt, phản ứng rất nhạy với sự thay đổi vận tốc chất lỏng mà chúng theo dõi. Khi sóng địa chấn đi qua chúng, có nghĩa là chất lỏng bắt đầu di chuyển, cho phép trạm địa chấn phản ứng được ngay cả với sự dao động yếu nhất trong lòng đất hoặc rất sâu dưới đáy biển. Đây là tính năng đặc biệt vượt trội so với những thiết bị tương tự của Nga và nước ngoài.

Theo các nhà khoa học, với độ nhạy gần như tuyệt đối, thiết bị này có thể ghi lại được cả những tín hiệu tần số rất thấp truyền qua các lớp đất đá từ những khoảng cách lớn nhất ở sâu trong lòng trái đất.

Một ưu điểm khác của hệ thống này là nó có thể đồng thời được sử dụng trên đất liền và ở đáy biển, ở độ sâu tối đa khoảng 500 m.

Với kích thước nhỏ gọn và độ phân giải cao, thiết bị này khác biệt hoàn toàn với tất cả các trạm địa chấn biển khác, thường có kích thước quá lớn để sử dụng trên đất liền.

Thiết bị này đã được thử nghiệm ở biển Azov, không xa ngôi làng Golubitskaya trên bán đảo Taman. Trong lần thử nghiệm ấy, nó đã xác nhận được độ chính xác và không chính xác của 17 trạm đo lường địa chấn trong vòng bán kính 500 km và phát hiện được 1 trận động đất nhỏ xảy ra cách nó 200 km.

Được biết, hiện Gazprom-Neft đã ký một thỏa thuận hợp tác với MIPT về việc chế tạo trạm đo lường địa chấn tí hon này để ứng dụng thực tiễn vào việc tìm kiếm các mỏ dầu khí thuộc dạng rất khó phát hiện.

Bá Thủy

RT