Nếu ngành điện không muốn tụt hậu...

08:35 | 08/05/2018

334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là người luôn theo sát sự phát triển của ngành điện, Giáo sư - Viện sĩ (GS.VS) Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về một số vấn đề mấu chốt trong lĩnh vực đào tạo nhân sự của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

PV: Ông đánh giá như thế nào về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của EVN?

neu nganh dien khong muon tut hau
GS.VS Trần Đình Long

GS.VS Trần Đình Long: Nhìn chung, mỗi giai đoạn phát triển, về cơ bản nguồn nhân lực của EVN đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh, vận hành hệ thống điện. Cụ thể, với những mốc quan trọng như lần đầu tiên đưa công nghệ truyền tải siêu cao áp 500kV vào Việt Nam, ứng dụng công nghệ SCADA/EMS vào hệ thống điện, gần đây là xây dựng hạ tầng đo đếm thông minh phục vụ kinh doanh điện năng hay trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực… EVN đều đã có sự chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực, làm chủ các công nghệ mới.

Tuy nhiên, để đón đầu, đuổi kịp những thành tựu khoa công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là xây dựng một tập đoàn kinh tế hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, EVN cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

PV: Theo ông, EVN cần phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

GS.VS Trần Đình Long: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Đầu tiên là yếu tố đầu vào. Ngay từ việc tuyển chọn, EVN và các đơn vị thành viên phải thực hiện một cách nghiêm túc quy trình tuyển dụng. Quy trình cũng cần phải rất chặt chẽ, hiệu quả. Tập đoàn nên có các yêu cầu cụ thể với từng vị trí chức danh, trong đó đặc biệt chú trọng đến chuyên môn, nghiệp vụ. Không nên tuyển chung chung rồi sau đó nơi nào thiếu thì phân bổ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCNV phải được chú trọng và tổ chức thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, cán bộ quản lý… phải được tiếp cận kịp thời với những thông tin mới, công nghệ mới, nếu không sẽ bị lạc hậu.

Hiện nay, một số đơn vị thuộc EVN đã có cách làm hay trong khâu tuyển dụng đầu vào, điển hình là Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0). Khi có nhu cầu về nhân sự, A0 sẽ làm việc với các trường đại học, từng bộ môn để đặt hàng từng vị trí, với số lượng và những yêu cầu cụ thể. Từ đó, các giảng viên sẽ lưu ý, thông tin lại cho đơn vị về các ứng viên. Dù quyết định cuối cùng là của A0, nhưng nguồn thông tin từ chính cơ sở đào tạo cũng góp phần rất quan trọng, giúp các đơn vị tuyển chọn được những nhân lực có chất lượng tốt.

Thứ hai là công tác đào tạo, bồi dưỡng. Ngành điện là một ngành có hàm lượng khoa học công nghệ rất cao, liên tục có những ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCNV phải được chú trọng và tổ chức thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, cán bộ quản lý… phải được tiếp cận kịp thời với những thông tin mới, công nghệ mới, nếu không sẽ bị lạc hậu.

neu nganh dien khong muon tut hau
Sửa chữa “nóng” trên lưới điện đang mang điện

Bên cạnh việc chủ động tổ chức các lớp, các khóa bồi dưỡng, đào tạo, EVN và các đơn vị trực thuộc cũng cần có các giải pháp, tạo được phong trào tự học, tự trau dồi, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi CBCNV.

Thứ ba là việc bố trí, sắp xếp lại lao động. Công nghiệp 4.0 được tự động hóa ở mức rất cao. Kéo theo đó, một lực lượng lớn lao động phổ thông sẽ bị dư thừa, do công việc đã có máy móc thay thế. Riêng ngành điện, hiện nay với việc hiện đại hóa hệ thống hạ tầng đo đếm, ứng dụng công nghệ điều khiển xa… một bộ phận công nhân trước đây làm nhiệm vụ ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, trực vận hành tại các trạm biến áp sẽ dư thừa. Phải sắp xếp lực lượng này vào vị trí nào, đào tạo ra sao để họ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc mới, phát huy được năng lực là một “bài toán” không dễ đối với các nhà quản lý của EVN.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo nguồn nhân lực của EVN?

GS.VS Trần Đình Long: Phải khẳng định rằng, thời gian qua EVN đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho CBCNV-LĐ. Tập đoàn và các đơn vị đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; cho CBCNV-LĐ đi học tập kinh nghiệm ở các đơn vị trong nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới…

Tuy nhiên, khi công nghệ về tự động hóa, số hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống điện, EVN cần phải đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không sẽ tụt hậu. Tôi rất mừng được biết, HĐTV EVN đã phê duyệt Đề án đào tạo chuyên gia. Đây là việc làm rất cần thiết, bởi với hệ thống điện lớn như hiện nay, EVN cần có đội ngũ chuyên gia nắm bắt, làm chủ được công nghệ mới, làm chủ được hệ thống thiết bị, có kỹ năng phân tích, chẩn đoán, nghiên cứu giải quyết một cách hiệu quả những tình huống phức tạp xuất hiện trong thực tế…

PV: EVN đang triển khai chương trình đào tạo trực tuyến (E-learning). Theo ông, phương thức đào tạo này có phù hợp với một ngành đặc thù như ngành điện?

GS.VS Trần Đình Long: Hình thức đào tạo và nâng cao nghiệp vụ rất đa dạng, phong phú. Từ lớp ngắn hạn đến dài hạn, từ việc đào tạo tại chỗ đến đào tạo từ xa, đào tạo qua truyền hình, đào tạo trực tuyến… Mỗi hình thức sẽ có một ưu/nhược điểm riêng.

Cùng với Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc cần có những “đặt hàng” tương đối cụ thể với các trường về số lượng nhân lực ở từng lĩnh vực, để các trường có định hướng trong công tác tuyển sinh cũng như quá trình đào tạo.

Với E-Learning, tôi cho rằng, đây là một giải pháp tốt và cần khuyến khích, nhân rộng, bởi nó là vừa là xu thế trong giai đoạn phát triển của nền công nghiệp 4.0, vừa tiết kiệm chi phí cho đơn vị. Vấn đề quan trọng nhất là phương thức tổ chức, nội dung bài giảng, hệ thống công nghệ, các phương tiện kỹ thuật để học viên có thể nắm bắt bài giảng một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, cần lưu ý, ngành điện là một ngành kỹ thuật đặc thù, nên với những nội dung đào tạo liên quan đến các thiết bị, cần cầm tay chỉ việc, nên ưu tiên hình thức đào tạo trực tiếp. Học viên cần được trực tiếp can thiệp vào các thiết bị, tự tay làm việc trên thiết bị. Những nội dung này, hình thức E-learning sẽ khó phát huy hiệu quả.

PV: Song song với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, EVN đang quản lý một số trường cao đẳng, dạy nghề... Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo tại các cơ sở này?

GS.VS Trần Đình Long: Không chỉ riêng các trường nghề trực thuộc EVN, mà công tác đào tạo nghề ở Việt Nam hiện nay nói chung vẫn còn yếu. Đa số sinh viên được đào tạo khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

neu nganh dien khong muon tut hau
Dùng thiết bị “siêu âm” tìm vị trí phóng điện trên lưới điện cao áp

PV: Vậy, ông có thể “hiến kế” để EVN nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở này?

GS.VS Trần Đình Long: Đối với các trường trực thuộc EVN, phục vụ nhu cầu của EVN thì Tập đoàn nên đặt các “đầu bài”, đưa ra yêu cầu cụ thể về nhu cầu nhân lực ở từng giai đoạn cho từng cơ sở đào tạo. Cùng với Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc cũng cần có những “đặt hàng” tương đối cụ thể với các trường về số lượng nhân lực ở từng lĩnh vực, để các trường có định hướng trong công tác tuyển sinh cũng như quá trình đào tạo. Hơn nữa, những học viên khi vào học sẽ yên tâm và nỗ lực hơn khi biết tương lai có thể sẽ được gắn bó với EVN.

Nhà trường phải thường xuyên nắm bắt các thông tin, chủ động cập nhật vào các chương trình đào tạo cho sát thực tế của ngành điện, giúp sinh viên khi ra trường có thể nắm bắt ngay được công việc, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

PV: Cùng với việc quản lý các cơ sở đào tạo, EVN đang triển khai thành lập trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

GS.VS Trần Đình Long: Đây là một chủ trương rất đúng và cần thiết. Đối với một tập đoàn lớn như EVN, việc có một cơ sở vừa nghiên cứu, vừa đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng và cấp thiết. Trung tâm này không phải là một nơi để các cán bộ, các giảng viên về đây nghiên cứu khoa học hay tổ chức giảng dạy như một cơ sở đào tạo, mà là nơi để đưa ra các chủ trương, định hướng, giúp cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của Tập đoàn ngày càng hiệu quả hơn.

Điều quan trọng là, sau khi thành lập EVN phải vận hành ra sao để trung tâm hoạt động hiệu quả, không xảy ra tình trạng chạy theo quá nhiều nhiệm vụ khác không liên quan đến mục tiêu ban đầu. Trên thực tế, ở một số đơn vị cũng đã xảy ra hiện tượng thành lập các trung tâm nghiên cứu, nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây ra tình trạng lãng phí.

PV: Ông có điều gì muốn gửi đến thế hệ CBCNV-LĐ EVN hôm nay và mai sau?

GS.VS Trần Đình Long: Xã hội hiện nay đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nếu không nỗ lực, tự trau dồi đạo đức, tự nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chúng ta sẽ tụt hậu. Do vậy, mỗi CBCNV-LĐ EVN hằng ngày, hằng giờ phải nỗ lực học tập, bắt kịp xu thế phát triển của xã hội nói chung, ngành điện nói riêng.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

Ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1): Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

neu nganh dien khong muon tut hau

Ngay từ tháng 1-2018, EVNGENCO 1 đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể về sắp xếp, bố trí lại lao động; tập trung xây dựng mô hình tổ chức lao động khoa học; có cơ chế khuyến khích lương hợp lý, tạo động lực, thúc đẩy người lao động sáng tạo, tái tạo sức lao động, thu hút và giữ được người tài, nhân lực chất lượng cao… Tổng công ty sẽ xây dựng cơ chế đánh giá kết quả công việc minh bạch và thực hiện trả lương theo hiệu quả, năng suất và chất lượng lao động trên cơ sở áp dụng hệ thống BSC & KPI.

Đặc biệt, EVNGENCO 1 sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo người lao động sát với nhu cầu thực tế. Tổng công ty cũng sẽ rà soát, đánh giá trình độ năng lực của lực lượng lao động, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao năng lực xử lý các tình huống trong sản xuất, làm chủ hệ thống điện; giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo chuyên gia, xây dựng cơ chế khuyến khích chuyên gia phát huy được vai trò của mình trong thực tiễn sản xuất - kinh doanh…

Ông Dương Thanh Tuyên - Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang: Nâng cao tay nghề cho lực lượng sửa chữa, bảo dưỡng

neu nganh dien khong muon tut hau

Công ty xác định, đây là chủ đề không chỉ thực hiện trong 1 năm, mà là cả quá trình với mục tiêu tổ chức, sắp xếp, tái cơ cấu tổ chức sản xuất. Năm 2018, công ty sẽ tập trung vào các ngành nghề chính là sản xuất điện và sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Trong những năm qua, 2 lĩnh vực này được công ty tích cực áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, trong đó sản xuất điện gần như tự động hóa hoàn toàn với công nghệ hiện đại.

Trong sửa chữa bảo dưỡng, công ty có kế hoạch nâng cao tay nghề cho cán bộ, công nhân, đáp ứng mục tiêu sửa chữa thiết bị hiệu quả nhất. Ngoài ra, công ty tập trung mọi nguồn lực vào thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh chính sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Với công suất đặt của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang là 342MW, số CBCNV là 130 người, bình quân 0,3 người/MW, đây là định mức hợp lý, tới hạn, không thể giảm tiếp về số lượng. Để nâng cao năng suất lao động, công ty sẽ rà soát, sắp xếp lại nhân lực hợp lý hơn, đồng thời xây dựng văn hóa chuẩn mực, nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho CBCNV làm việc với sự phân công, định mức khoa học, hợp lý.

Ông Phạm Quốc Bảo -Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC): Xây dựng lực lượng chuyên gia đầu ngành

neu nganh dien khong muon tut hau

Với EVNHCMC, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những điều kiện tiên quyết, đáp ứng yêu cầu vận hành, phát triển lưới điện thông minh - một trong những yếu tố cấu thành đô thị thông minh mà TP HCM đang thực hiện.

EVNHCMC đã ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020, với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Riêng năm 2018, tổng công ty sẽ chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tập trung xây dựng và đào tạo lực lượng chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về quản trị doanh nghiệp, vận hành lưới điện thông minh như điều khiển xa, đo xa, hotline…

Đặc biệt, việc tiếp cận các công nghệ mới đòi hỏi nhân lực chất lượng cao phải có trình độ ngoại ngữ. Do vậy, EVNHCMC đã và đang phối hợp với các chuyên gia, các trường đại học hàng đầu tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động; từng bước hình thành lực lượng kỹ sư đáp ứng tiêu chuẩn kỹ sư ASEAN.

Hải Anh

Hồng Hoa

  • el-2024