Nên quan tâm đường sắt như xe buýt

09:37 | 02/01/2014

856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi năm, ngành đường sắt hụt thu hàng trăm tỉ đồng do nhiều đoàn tàu thu không đủ chi. Để bù lỗ, ngành đường sắt mong muốn được Nhà nước trợ giá vé như xe buýt.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban Kinh doanh vận tải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), thời gian qua giá xăng dầu liên tục biến động, nhiều doanh nghiệp vận tải phải thực hiện chính sách tăng giá vé, giá cước hàng hóa để bù đủ chi phí, trong đó có cả loại hình vận tải hành khách công cộng là xe buýt. Mặc dù giá vé tỉ lệ thuận với giá xăng dầu nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn kêu lỗ. Giá cước vận tải đường sắt không tăng, để duy trì hoạt động ngành đường sắt phải bù lỗ. Từ việc thu không đủ chi đã dẫn đến việc, mỗi năm ngành đường sắt hụt thu hàng trăm tỉ đồng do nhiều đoàn tàu chạy trên các lộ trình vắng khách, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Trước những khó khăn, cuối tháng 11/2013, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin dừng hoạt động 5 đôi tàu khách địa phương và 1 tàu hàng do kinh doanh không đạt hiệu quả. Đây là 5 đôi lỗ nhiều nhất trong tổng số 180 đôi tàu đang khai thác của ngành đường sắt. Cụ thể, năm 2011, tổng doanh thu 5 đôi tàu khách và 1 tàu hàng trên chỉ đạt xấp xỉ 82 tỉ đồng, nhưng tổng chi phí giá thành lại lên tới trên 310 tỉ đồng. Năm 2012, doanh thu các đôi tàu này đạt xấp xỉ 89 tỉ đồng nhưng chi phí giá thành lại tới trên 369 tỉ đồng. Sau khi cân đối theo tỷ trọng thu/chi từng mác tàu theo tuyến đường, ngành đường sắt đã phải bù đắp cho các tuyến tàu kể trên khoản kinh phí thiếu hụt do doanh thu thấp hơn chi phí khoảng 186 tỉ đồng.

Để giảm gánh nặng hoạt động, ngành đường sắt mong được quan tâm như xe buýt.

Cũng theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến tàu Liên vận quốc tế Việt Nam và Trung Quốc đã có từ những năm 1955. Hiện nay, hai nước vẫn đang duy trì hai đoàn tàu qua lại với hành trình Hà Nội - Bắc Kinh và Gia Lâm - Nam Ninh. Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2013, lượng khách quá ít, thậm chí nhiều chuyến tàu chạy trống không bù đủ chi phí chạy tàu do giá vé quá cao, thủ tục xuất nhập cảnh và hải quan rườm rà, phức tạp chính là rào cản khiến tuyến tàu này luôn vắng khách.

Mặc dù rất nhiều tuyến đường sắt cứ chạy tàu là mất tiền, nhưng ngành đường sắt vẫn phải bù lỗ để duy trì. Lý giải về nghịch lý “biết lỗ vẫn làm” này, ông Nguyễn Hữu Tuyên cho biết: “Đây là những đoàn tàu mang tính chất xã hội hóa nên phải chạy thường xuyên để phục vụ nhu cầu dân sinh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ duy trì bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và an ninh quốc phòng. Còn nếu ngành đường sắt chỉ là doanh nghiệp thuần túy thì khi sản xuất kinh doanh "thu không đủ chi" sẽ phải dừng hoạt động để tránh phá sản. Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn phải duy trì hoạt động tuyến bởi Tổng Công ty là một doanh nghiệp Nhà nước với tài sản là của nhân dân”.

“Đoàn tàu còn là cầu nối, tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, nông sản, vật tư, thiết bị… cho nhân dân tại những khu vực vận tải đường bộ khó khăn hoặc không thể tiếp cận do cơ sở hạ tầng còn kém” - ông Tuyên nhìn nhận.

Trước việc phải bù lỗ để duy trì chạy tàu, phương án giải quyết đặt ra là sao ngành đường sắt không tăng giá vé để giảm lỗ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuyên cho rằng, tăng giá vé thì cũng chỉ trong chừng mực và đây là việc làm rất dễ. Điều chỉnh giá vé thì người dân sẽ phải chịu, mà dân đã quá khó khăn thì tăng giá vé sẽ chẳng giải quyết được tình hình.

Nói về việc không thể dừng hoạt động các đội tàu kinh doanh kém hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Tuyên cho rằng, ngành đường sắt đầu tư được một hệ thống đường ray đã rất tốn kém, nếu bỏ các tuyến tàu thì chẳng khác nào tự co hẹp thị trường. Để tiếp tục duy trì các đoàn tàu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, trên cơ sở nhu cầu đi lại của hành khách, ngành sẽ xem xét phương án tổ chức chạy tàu hợp lý, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tiện ích, dịch vụ trên tàu thậm chí nghiên cứu điều chỉnh giá vé, giá cước để tăng doanh thu nhưng vẫn đảm bảo ổn định và thu hút thêm hành khách đi tàu. Ngành đường sắt mong muốn được Nhà nước trợ giá vé như xe buýt.

Hùng Đô

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc