NATO xuất hiện mắt xích yếu

06:55 | 18/06/2015

1,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thất bại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc bầu cử ngày 7/6 đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào cảnh bấp bênh. Là chốt chặn của NATO tại vùng chiến lược nằm giữa hai lục địa Âu - Á và đất Trung Đông Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ nay trở thành mắt xích yếu.

Năng lượng Mới số 431

Cuộc bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-6 là một thất bại đau đớn cho đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) và nhất là cho Tổng thống Erdogan. Mất đa số tuyệt đối, chỉ còn 40% dân biểu với 258 ghế trên 550, nhà lãnh đạo bàn tay sắt này không thể sửa đổi Hiến pháp để gia tăng quyền lực. Đảng AKP có nguy cơ tan từng mảnh, trong khi lần đầu tiên đảng cánh tả Dân chủ Nhân dân của cộng đồng Kurdistan vượt qua ngưỡng 10%, vào được Quốc hội với 80 dân biểu.

NATO xuất hiện mắt xích yếu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara, ngày 11/6/2015

Đây là một thất bại thê thảm của nhân vật gần như độc quyền lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ suốt 12 năm qua. Tổng thống Erdogan đã nỗ lực đi vận động thuyết phục cử tri bầu cho đảng cầm quyền. Ông có mặt tại 81 cuộc mít tinh tại 81 thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ. Sở dĩ ông Erdogan phải dấn thân vào cuộc bầu cử Quốc hội vì tham vọng làm tổng thống toàn quyền của ông bị đe dọa nếu ông không đủ đa số để sửa đổi Hiến pháp. Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ Đại nghị, với Quốc hội gồm 550 dân biểu chỉ định lãnh đạo là thủ tướng, còn tổng thống chỉ giữ vai trò tượng trưng. Từ cơ chế đó, và sau khi là thủ tướng từ năm 2003 đến 2014, Erdogan lại tính sửa hiến pháp để chuyển sang chế độ tổng thống nhằm tăng cường vai trò của mình. Muốn như vậy, đảng AKP của ông phải đạt được “siêu đa số” hai phần ba, là tối thiểu 367 ghế, thay vì chỉ cần 276 ghế dân biểu của một đa số thông thường là 50%.

Ngay sau cuộc bầu cử, giới quan sát đã nêu ra một số nguyên nhân thất bại của Erdogan. Thứ nhất, đảng thiên tả HDP của sắc dân Kurd tranh thủ được hậu thuẫn của nhiều thành phần thiểu số khác ngoài dân Kurd nên chiếm được hơn 13% số phiếu, tăng gấp đôi so với tỉ lệ 6.58% của lần bầu cử trước. Lý do thắng lợi đầu tiên của đảng HDP chính là từ chiến lược tranh cử của Erdogan. Ông muốn thu hút lá phiếu của dân Kurd cho đảng AKP của mình nên lấy một rủi ro lớn khi mở ra hồ sơ nhạy cảm là gia tăng quyền hạn của dân thiểu số người Kurd.

Cộng đồng Kurd có nhiều chủ trương khác biệt, từ bảo vệ quyền lợi đến đòi tự trị và thậm chí kết hợp với dân Kurd tại các nước lân bang để đấu tranh vũ trang cho nền độc lập của một quốc gia Kurd. Khi Erdogan ve vãn dân Kurd thì ông tạo cơ hội cho các lãnh đạo ôn hòa người Kurd tiến vào hình thức đấu tranh nghị trường nhằm có đại biểu trong Quốc hội để giữ thế đối lập. Nhiều người Kurd thuộc khuynh hướng bảo thủ hay cực đoan cũng ngả theo chiến lược ôn hòa đó.

Nguyên nhân thứ hai là, đảng HDP của dân Kurd còn khai thác sự bất mãn của các thành phần thiểu số khác, kể cả phụ nữ, để thành đảng đại diện cho khuynh hướng thiên tả trong xã hội với những đòi hỏi về công bằng, bảo vệ môi sinh, bình đẳng tính phái, phúc lợi cho dân nghèo, v.v... Một sự bất mãn quan trọng nhất chính là tình hình kinh tế khó khăn và tinh thần chuyên quyền của ông Erdogan sau khi lãnh đạo quá lâu.

Nguyên nhân thứ ba là, phản ứng quốc gia dân tộc của người Thổ khi thấy Erdogan o bế dân thiểu số người Kurd. Họ dồn phiếu cho đảng Phong trào Quốc gia (MHP) thuộc cánh hữu và không muốn liên minh với đảng AKP.

Sau cùng, trong sự bất mãn chung vì kinh tế khó khăn, cử tri càng thất vọng với thủ đoạn Erdogan là gây phân hóa giữa các chính đảng để bảo vệ quyền lực cá nhân. Không những Tổng thống Erdogan bị thua cuộc mà ông còn làm cho đảng AKP bị mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Đây đúng là một thất bại kép.

Các cuộc mặc cả để thành lập chính phủ liên minh vẫn đang tiếp diễn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một chiến lược có vẻ hợp lý cho Erdogan và đảng AKP chính là liên minh với đảng HDP của dân Kurd. Nhờ đa số gần 54%, liên minh cầm quyền AKP-HDP có thể giải quyết tiến trình hợp tác giữa dân Thổ và người Kurd một cách hòa bình thay vì rơi vào hoàn cảnh nội chiến và ly khai. Khốn nỗi, Erdogan đã gây bất mãn quá lớn nên không đảng nào còn muốn liên hiệp với đảng AKP nữa và lãnh đạo Selahattin Demirtas của đảng HDP muốn giữ thế lãnh đạo đối lập.

Giải pháp kia cho đảng AKP là liên minh với đảng MHP thuộc cánh hữu. Nhưng việc hợp tác gặp trở ngại là những hứa hẹn của Erdogan cho dân Kurd và một chính phủ liên hiệp AKP+MHP sẽ kích động phản ứng cực đoan trong cộng đồng Kurd, với rủi ro sẽ là bạo động và nổi dậy.

Giải pháp thứ ba cho đảng AKP là bấm bụng hợp tác với đối thủ truyền thống là đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) thuộc cánh tả để hai đảng có nhiều phiếu nhất sẽ nắm được đa số gần 65%, nhưng đây là điều gần như bất khả giữa hai đảng có quá nhiều dị biệt về ý thức hệ. Trong khi đó, hai đảng còn lại là CHP (bảo thủ) và MHP (Kurd thiên tả) lại thiếu 64 ghế để có đa số và còn kịch liệt đối nghịch về hồ sơ Kurd.

Trong vòng 45 ngày, nếu không tìm ra giải pháp dung hòa cho một chính trường quá phân cực như vậy, Tổng thống Erdogan có thể giải tán Quốc hội, và có 90 ngày để tổ chức bầu cử nữa. Erdogan có vẻ không muốn xóa bài làm lại, nói rằng ông chấp nhận “phán quyết” của các cử tri. Một người sáng lập đảng AKP là cựu Tổng thống Abdullah Gul cũng cảnh cáo rằng, nếu Erdogan xóa đi làm lại thì sẽ khiến dân chúng càng khinh ghét đảng cầm quyền hơn. Nhưng từ nay đến đó, đảng AKP vẫn có thể cầm quyền mà phải mặc cả từng hồ sơ với đảng MHP để có thêm 18 dân biểu cho đủ đa số. Với kết quả là nhiều bất ổn và chính phủ liên hiệp có khi bị Quốc hội bất tín nhiệm và dân chúng sẽ lại đi bầu nữa.

Tuy nhiên, trong khung cảnh bất ổn đó, đáng quan tâm nhất cho các nước khác, trước tiên với Mỹ, chính là vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Là một nước Tây Á tiếp giáp với khu vực Đông Nam châu Âu và ba mặt Địa Trung Hải, Biển Aegea, Hắc Hải. Chung quanh có 8 nước, từ nam lên bắc là Iraq, Syria, Iran, Azerbaijan, Armenia, Georgia, Bulgaria và Hy Lạp. Vị trí địa dư giữa hai cõi Âu - Á và trục nam - bắc tiếp cận với Trung Đông khiến Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt và cũng là thành viên Hồi giáo duy nhất của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ giữ vị trí bản lề ngăn ảnh hưởng của Nga từ Georgia qua Ukraina tới các nước Đông Âu hay Trung Âu xuống đến Hắc Hải và Địa Trung Hải.

Sự tình còn phức tạp hơn, vì Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một bản lề trong thế giới Hồi giáo Trung Đông, giữa tình trạng hỗn loạn của Iraq và Syria, sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và thế tranh chấp giữa Iran với Arập Xê út.

Tổng thống Erdogan cũng khai thác vị trí của mình giữa những mâu thuẫn trùng điệp ấy để can dự vào Syria, Iraq, hoặc để mặc cả với Arập Xê út lẫn Mỹ. Tại Syria, Erdogan còn quỷ quái đến độ yểm trợ các lực lượng dân quân Hồi giáo chống lại chế độ ở Damascus hơn là ngăn chặn sự bành trướng của tổ chức IS. Nhưng mâu thuẫn lớn nhất của ông là vừa muốn hòa giải với dân Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa đối đầu với các nhóm vũ trang người Kurd tại các nước khác. Erdogan muốn tận dụng tư thế cường quốc Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ để trục lợi với các phe lâm chiến và gây khó chịu không ít cho chính quyền Barack Obama.

Bây giờ, “nhờ” Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mắt xích yếu nhất trong cả một chuỗi phòng thủ đa diện của NATO - vừa Nga vừa Hồi giáo - giữa một khu vực đầy súng đạn. Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào tình trạng thường xuyên bất ổn của hơn 40 năm về trước. Thời đó, nếu có bị loạn lạc, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể trông cậy vào sự yểm trợ của Mỹ để bảo vệ an ninh. Ngày nay tình hình đã đổi khác. Quan hệ giữa Erdogan và chính quyền các nước phương Tây gần đây gặp trục trặc vì quan điểm của nước này trong cuộc chiến chống IS, với Syria và Iran. Mới nhất ngày 11/6, ông Erdogan đã cáo buộc phương Tây oanh kích người Arập và người Thổ tại Syria, đồng thời hậu thuẫn các nhóm khủng bố người Kurd.

H.Phan