Năng lượng toàn cầu và những con số đáng chú ý

07:00 | 01/07/2018

975 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/6/2018, Tập đoàn BP công bố "Đánh giá thống kê năng lượng thế giới" (BP Statistical Review of World Energy) trình bày dữ liệu cập nhật mới nhất của mình về tình hình năng lượng trên thế giới. Đây là lần đầu tiên báo cáo thường niên này đưa thêm các số liệu về điện.

85,2% nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu

Vào tháng 3/2018, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã báo cáo rằng, mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu vào năm 2017 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo của mình, BP cho rằng mức tăng thực chất là 2,2% và xác nhận rằng, tất cả các nguồn năng lượng đã được sử dụng vào năm ngoái trên thế giới, bao gồm cả than (+ 1%, do nhu cầu tăng ở Ấn Độ). Theo BP, đây lần đầu tiên kể từ năm 2013, toàn bộ các nguồn năng lượng trên thế giới đều được sử dụng.

nang luong toan cau va nhung con so dang chu y
Năng lượng toàn cầu và những con số đáng chú ý

Trong tổng mức tiêu thụ đó, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 85,2%, giảm rất ít so với mức 85,5% của năm 2016. Dầu vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu (34,2%), với mức tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2017.

Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ngoại trừ thủy điện đặc biệt tăng mạnh (+ 16,6%) nhưng vẫn chỉ chiếm 3,5% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của thế giới vào năm 2017. Tỷ trọng năng lượng hạt nhân vẫn tương đối ổn định (4,4% trong năm 2017).

Đánh giá thống kê của BP về năng lượng thế giới đã cung cấp các dữ liệu chi tiết về dầu khí. Tiêu thụ dầu và khí đốt tự nhiên tăng lần lượt 1,4% và 2,7% trong năm 2017.

Hỗn hợp điện vẫn bị thống trị bởi điện than

Sản lượng điện thế giới tăng 2,8% trong năm 2017. Đa phần mức tăng này đến từ các nước mới nổi trong khi sản xuất điện ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) vẫn tương đối ổn định từ năm 2010. Năng lượng tái tạo và than lần lượt chiếm 49% và 44% tổng mức tăng của năng lượng điện toàn cầu trong năm 2017.

Tuy nhiên, than vẫn còn lâu mới là nguồn cung cấp điện lớn nhất cho thế giới: nhiên liệu này chiếm tới 38% sản lượng điện thế giới, tương đương mức của năm 1998 mặc dù có sự sụt giảm nhẹ trong những năm gần đây. Tỷ trọng năng lượng “phi hóa thạch” thậm chí còn thấp hơn mức của 20 năm trước, sự gia tăng của năng lượng tái tạo (chiếm 25% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2017) chỉ bù đắp được một phần cho sự sụt giảm của năng lượng hạt nhân (giảm 10% vào năm 2017).

Một bước thụt lùi lớn

Lượng phát thải CO2 toàn cầu liên quan đến sử dụng năng lượng tăng 1,6% trong năm 2017 sau 3 năm liên tiếp ở mức ổn định. Sự suy giảm cường độ năng lượng đã chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự gia tăng về nhu cầu than đã ảnh hưởng đến lượng phát thải này.

Sự thay đổi này, được BP mô tả là “bước lùi lớn”, khẳng định khoảng cách rất quan trọng giữa các tham vọng thể hiện ở Hội nghị COP21 về chống biến đổi khí hậu và xu hướng hiện tại. IPCC (nhóm các chuyên gia liên chính phủ về thay đổi khí hậu) ước tính rằng, để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris tại COP21 thì thế giới cần phải giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu 40-70% vào năm 2050 (so với mức của năm 2010) và nền kinh tế toàn cầu phải gần như trung hòa được lượng khí carbon trong nửa sau của thế kỷ XXI.

S.P