Năng lượng tái tạo: Chi phí đầu tư cao nhưng thời gian vận hành lại thấp

14:45 | 13/03/2019

669 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát triển kinh tế nhưng sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là một nhu cầu thiết yếu đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến đời sống, xã hội, kinh tế... toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc phát triển năng lượng tái tạo đang đối mặt với không ít khó khăn, bất cập. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội thảo Phát triển Năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon tại Việt Nam về vấn đề này.  
nang luong tai tao chi phi dau tu cao nhung thoi gian van hanh lai thapHơn 2.000 MW điện mặt trời, điện gió bổ sung nguồn điện vào năm 2019
nang luong tai tao chi phi dau tu cao nhung thoi gian van hanh lai thapBàn giải pháp thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái
nang luong tai tao chi phi dau tu cao nhung thoi gian van hanh lai thapTP.HCM: Đã lắp đặt hơn 10.382 kWp điện mặt trời áp mái

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết tình hình chung về nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh nói chung và sự cần thiết giảm phát thải các-bon trong sự phát triển kinh tế?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Cùng với tốc độ phát triển nhanh của các nền kinh tế quốc dân trong khu vực, chúng ta chắc chắn về sự gia tăng nhanh của nhu cầu năng lượng của các quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Các dự báo cho thấy rằng dân số của các quốc gia ASEAN sẽ tăng từ 615 triệu người lên 715 triệu người giai đoạn 2014-2025 trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung sẽ tăng ở mức trên 5% cho cùng giai đoạn.

Theo tính toán của Trung tâm năng lượng ASEAN, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng bình quân 4,7%/năm và nhu cầu điện sẽ tăng lên gấp đôi từ 2014 đến 2025. Rõ ràng, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng một cách bền vững ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước trong khu vực, và đây chính là thời điểm để xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng với các mục tiêu rõ ràng và kế hoạch hành động được thiết kế tốt. Chính vì vậy, Bộ Công Thương Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt của Đại sứ quán Anh cùng các cộng sự đã tổ chức các cuộc trao đổi và Hội thảo với chủ đề phát triển nền kinh tế các-bon thấp, về tương lai năng lượng ít các-bon cho Việt Nam và khu vực.

nang luong tai tao chi phi dau tu cao nhung thoi gian van hanh lai thap
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các bon tại Việt Nam

Phóng viên: Trên cơ sở nhu cầu năng lượng và việc giảm phát thải các-bon trong nền kinh tế như trên, Thứ trưởng có thể cho biết, chúng ta đã có kế hoạch hành động như thế nào?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Hội nghị lần thứ 32 Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN diễn ra tại Thủ đô Viêng chăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) vào tháng 9/2014 đã vạch ra Kế hoạch hành động mới về Hợp tác năng lượng cho khu vực giai đoạn 2016-2025, với mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cán cân năng lượng ASEAN lên 23% vào năm 2025 và giảm cường độ sử dụng năng lượng xuống 20% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030 so với năm 2005. Các mục tiêu cụ thể này đã trở thành nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, chúng ta hiểu rằng đảm bảo nhu cầu năng lượng trong khi đảm bảo sự phát triển bền vững luôn luôn là một thách thức to lớn với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng từ 6-7%. Nhưng mặt khác, nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% cho giai đoạn 2000-2010 và trên 11% cho giai đoạn 2011-2016 (năm 2018 vừa qua là trên 10%). Dựa trên các thống kê, trước đây nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8-2,0 lần tốc độ tăng trưởng GDP (gần đây hệ số này đã có xu hướng giảm đi - một xu thế tích cực) và nhu cầu điện năng tăng cao liên tục nhiều năm như vậy tạo ra những sức ép lớn về đầu tư cho năng lực phát điện, truyền tải và phân phối của quốc gia.

Nhìn về tương lai, các dự báo chỉ ra rằng từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 - 7,5%/năm, và nhu vậy, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững. Theo Qui hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cũng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.

Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực.

nang luong tai tao chi phi dau tu cao nhung thoi gian van hanh lai thap
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái

Phóng viên: Cụ thể sẽ phát triển lĩnh vực này như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, v.v... Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối v.v... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu, v.v...

nang luong tai tao chi phi dau tu cao nhung thoi gian van hanh lai thap
Hệ thống điện gió

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, để hiện thực hóa ý tưởng và triển khai theo chủ trương là một việc hoàn toàn không đơn giản, nhất là trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức xuất phát từ cả chủ quan lẫn khách quan. Vậy Thứ trưởng có thể cho biết, những thách thức chúng ta đang phải đối mặt là gì trong việc phát triển năng lượng tái tạo?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 02 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên v.v...

Phóng viên: Vậy chúng ta sẽ phải làm như thế nào để giải quyết những bất cập, khó khăn trên, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Trong thời gian tới, chúng ta sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này. Và các cuộc Hội thảo, trao đổi giữa các cơ quan chức năng, các chuyên gia quốc tế và trong nước như Hội thảo Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon tổ chức ngày hôm nay là một ví dụ để tìm ra các giải pháp phù hợp mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế, Vương quốc Anh trong phát triển năng lượng các-bon thấp và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hay phát triển các dự án về năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh