Nạn báo cáo láo tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc

07:18 | 25/12/2015

800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi tờ South China Morning Post dẫn thừa nhận của một số quan chức tại tỉnh Hắc Long Giang về việc làm sai lệch dữ liệu kinh tế nhiều năm gần đây đến mức nghiêm trọng, dư luận trong và ngoài Trung Quốc đã có những phản ứng khác nhau.

Bởi đây không phải lần đầu tiên dư luận, đặc biệt là giới chuyên môn nghi ngờ số liệu kinh tế do Trung Quốc công bố thời gian gần đây.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang điều tra các số liệu tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh bởi những chỉ tiêu về đầu tư đã được thổi phồng, tăng ít nhất 20%, lên ít nhất 10 tỉ NDT/năm trong 2 năm qua (Hắc Long Giang), còn doanh thu tài chính đạt 847 tỉ NDT, gấp đôi so với thực tế (Liêu Ninh).

nan bao cao lao tang truong kinh te o trung quoc
Nhà đầu tư Trung Quốc mệt mỏi vì chứng khoán giảm mạnh

Nhưng những con số kể trên vẫn còn kém xa so với thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh và tỉnh Quý Châu bởi mức tăng trưởng của họ lần lượt là 11% và 10,7%, lớn hơn so với mức tăng trưởng của đặc khu hành chính Hongkong. Tờ China Daily còn đưa tin, một huyện của tỉnh Liêu Ninh đã báo cáo doanh thu tài chính hằng năm cao hơn con số thực tế tới 127%.

Tân Hoa xã coi việc khai khống và nâng số liệu kinh tế tại các tỉnh vùng Đông Bắc là đặc biệt nghiêm trọng bởi làm giảm sự tín nhiệm của giới đầu tư thế giới, không những làm sai lệch kế hoạch và quyết định của trung ương và địa phương, mà còn tạo nguy cơ tham nhũng, gây ảnh hưởng xấu tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Theo giới kinh tế, số liệu thống kê kinh tế của trung ương và địa phương luôn chênh nhau và vấn nạn này đang tạo ra những hậu họa khôn lường.

8 năm trước (2007-2015), khi Thủ tướng Lý Khắc Cường còn là Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, ông đã từng nói: GDP là do con người tạo ra, do đó không phải là số liệu thống kê đáng tin cậy. Khi Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố GDP quý III/2015 của nước này đạt mức 6,9% (con số tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 2009), giới chuyên môn đã đặt nhiều câu hỏi bởi họ nghi ngờ Bắc Kinh làm sai số liệu sau hàng loạt con số gian dối diễn ra trong quá khứ.

Và tờ Wall Street Journal đã công bố báo cáo của Hãng tư vấn Anh Capital Economics khẳng định, GDP của Trung Quốc chỉ đạt 4,5%. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cũng đồng tình với đánh giá của hãng tư vấn kể trên. Theo chuyên gia Danny Gabay, Giám đốc Hãng tư vấn tài chính Fathom, GDP của Trung Quốc trong quý III/2015 chỉ tăng khoảng 3%. Ngân hàng Barclay's cũng đưa ra con số 3%.

Trong khi đó, tờ Huffington Post dẫn lời doanh nhân, nhà tư vấn đầu tư Phil Davis thẳng thắn tuyên bố, tại sao Trung Quốc lại tuyên bố GDP đạt 6,9%, trong khi một loạt chỉ số kinh tế yếu kém. Còn nhà kinh tế Huw McKay của Hãng Westpac cho rằng, Bắc Kinh đã thổi phồng GDP lên mức 7% hồi quý II/2015, mặc dù thị trường chứng khoán đảo lộn; đồng thời nhấn mạnh “văn hóa sùng bái GDP” đã ăn sâu vào chính quyền các cấp của Trung Quốc.

Tờ Financial Times từng dẫn số liệu thống kê của nhà kinh tế Harry Wu đến từ Viện Nghiên cứu độc lập The Conference Board, theo đó từ năm 1978 đến năm 2012, GDP của Trung Quốc chỉ đạt mức trung bình 7,2%/năm, khác xa so với con số 9,8%/năm do Bắc Kinh công bố chính thức. Giới truyền thông từng dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), theo đó NBS đã hiệu chỉnh các số liệu để tăng GDP của năm 2004 lên 16,8%, khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, vượt qua Italia. Tới năm 2006, Bắc Kinh chính thức công bố, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, vượt qua Pháp và Anh. Và từ năm 2007, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) với tổng giá trị GDP tính theo PPP là 10.000 tỉ USD.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, giả mạo, bóp méo, thổi phồng các dữ liệu để làm đẹp con số tăng trưởng là căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa tại Trung Quốc. Bởi với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), những người đứng đầu chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan hữu quan đều muốn làm đẹp các con số kinh tế, để làm hài lòng trung ương. Bên cạnh đó là phương pháp thống kê tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn lạc hậu. Do đó, việc đưa ra con số tăng trưởng kinh tế chính xác là nhiệm vụ bất khả thi trong tình hình hiện nay.

Số liệu thống kê cho thấy, lượng hàng hóa cả xuất lẫn nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đều giảm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 197,2 tỉ USD và đây là mức giảm tệ hơn so với dự đoán của giới chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,7%, xuống mức 143,1 tỉ USD và đây là tháng sụt giảm thứ 13 liên tiếp.

Giới đầu tư thế giới lo ngại trước tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn tăng trưởng 6,9% trong quý III/2015, tốc độ tăng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đến nay.

Đông Ngàn-Từ Sơn

Năng lượng Mới 485

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc