Năm 2021 thu từ cổ phần hóa, thoái vốn không thể đạt 40.000 tỷ đồng

14:00 | 26/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong năm 2021 sẽ không đảm bảo theo kế hoạch thu 40.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trung ương nộp về ngân sách nhà nước.

Vừa qua, Báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp 10 tháng đầu năm, Cục Tài chính doanh nghiệp thông tin, kết thúc giai đoạn 2016 - 2020 còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2021 thu từ cổ phần hóa, thoái vốn không thể đạt 40.000 tỷ đồng
Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nằm trong danh sách cổ phần hóa

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty là 151 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2021, thoái vốn với giá trị 286,9 tỷ đồng, thu về 2.166 tỷ đồng.

Về tình hình bàn giao vốn về SCIC, 10 tháng đầu năm 2021, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Công ty CP Du lịch và Xúc tiến đầu tư, Công ty CP XNK Vật tư thiết bị ngành in và Công ty CP Phim Giải Phóng với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Liên quan đến khả năng đáp ứng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán cũng như khả năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư dẫn đến việc tổ chức công tác cổ phần hóa và tổ chức thoái vốn nhà nước không đạt như kỳ vọng.

”Dự kiến 2 tháng còn lại cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn còn ảnh hưởng nhất định đến công tác triển khai thực hiện (công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất...) cổ phần hóa, thoái vốn, do đó sẽ không đảm bảo theo kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trung ương nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2021 là 40.000 tỷ đồng”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay.

Về kế hoạch năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp dự kiến sẽ cân đối 10.000 tỷ đồng cho ngân sách địa phương từ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn trước chưa nộp về ngân sách nhà nước hoặc được giữ lại địa phương và 20.000 tỷ đồng cho ngân sách trung ương từ việc thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp thuộc danh mục thoái vốn.

Trước đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cho năm 2022 là 30.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng cho ngân sách trung ương, 10.000 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.

Đối với ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đề nghị chuyển số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc địa phương được giữ lại hoặc chưa nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định vào ngân sách địa phương để đảm bảo kế hoạch cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cho ngân sách nhà nước.

Đối với ngân sách trung ương, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh sách cụ thể các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn (như thoái vốn tại các doanh nghiệp do SCIC làm đại diện chủ sở hữu; cổ phần hóa Mobifone, VNPT, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
ajinomoto