Năm 2021, doanh nghiệp công nghệ Đông Nam Á sẽ ra sao?

13:12 | 04/01/2021

124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau một năm 2020 có thể coi là ‘màu mỡ’ với giới công nghệ, năm 2021, các ông lớn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sự siết chặt từ giới chức trách.

Những luật lệ và quy định mới dành cho các hãng công nghệ

Năm 2021, Indonesia dự định thông qua luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, cho phép người dùng kiện các nền tảng kỹ thuật số nếu có sự cố lộ thông tin cá nhân. Trước đó, luật hiện hành cho phép công ty miễn trách nhiệm nếu thông tin người dùng bị thu thập bởi bên thứ ba bằng cách hành vi bất hợp pháp.

Nguyên nhân của động thái này có lẽ đến từ việc một số nền tảng kỹ thuật số thông dụng của Indonesia đã bị tấn công trong năm 2020. Theo đó, hacker đã tấn công Tokopedia và bán thông tin cá nhân của 91 triệu người dùng. Một số báo cáo cho biết dữ liệu của 2.9 triệu người dùng cũng bị xâm phạm.

Indonesia cũng tiếp tục thu 10% VAT đối với các công ty kỹ thuật số. Theo Reuters, đến tháng 10 năm nay, quốc gia này đã thu về 21.06 triệu USD từ 16 công ty công nghệ.

Grab và Gojek dẫn đầu, các startup kỳ lân khác có thể tiến hành IPO

Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia đang khuyến khích nền tảng công nghệ tài chính LinkAja phát hành cổ phiếu vào đầu năm sau. Theo thông tin, đây là công ty được thành lập từ một doanh nghiệp nhà nước và đã kêu gọi được 100 triệu USD vốn đầu tư vào tháng 11. Nền tảng thương mại điện tử Tokopedia cũng có tiềm năng tiến hành IPO sau khi nhận được đầu tư từ Google và Temasek.

Hai siêu ứng dụng Grab và Gojek cũng có cơ hội tiến hành giao dịch công chúng sau một năm phát triển thành công. Tuy nhiên hai đơn vị cần chú ý giải quyết vấn đề chống độc quyền đang tiềm ẩn nếu cam kết sát nhập. Trong viễn cảnh ấy, thực thể doanh nghiệp mới sẽ trở thành startup có giá trị cao nhất trong khu vực.

Các ứng dụng phục vụ xã hội trong đại dịch

Trong khi vaccine COVID-19 vẫn chưa ngã ngũ, các quốc gia Đông Nam Á đã tự xây dựng các ứng dụng nhằm theo dõi lịch sử y tế, tư vấn y tế từ xa và cả mã QR sức khỏe.

Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Y tế Việt Nam cho ra mắt Bluezone, ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp để ghi nhận các tiếp xúc gần. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm. Đến tháng 8/2020, đã có 20 triệu lượt tải về ứng dụng này.

Tương tự, Singapore cũng khởi động ứng dụng truy vết TraceTogether vào tháng 3 với kết quả hơn 3.4 triệu người sử dụng - 60% dân số quốc gia này. Thái Lan cũng lên kế hoạch ra mắt ứng dụng truy vết dịch dành riêng cho du khách nước ngoài với nỗ lực cứu vãn doanh thu ngành du lịch, thị trường chiếm 7% GDP toàn quốc.

Tuy nhiên các vấn đề về bảo mật dữ liệu cần được quan tâm. Vào tháng 10, cổng đăng ký mã QR y tế của Myanmar cho việc đi lại tại thủ đô Yangon trong thời kỳ phong tỏa toàn quốc đã bị tấn công hàng loạt. Trong khi đó, một số đơn vị chỉ trích ứng dụng truy vết của Thái Lan yêu cầu quá nhiều quyền hạn.

Với việc các quốc gia Đông Nam Á đang xem xét xây dựng hệ sinh thái du lịch toàn khu vực, nhu cầu về một nền tảng thông tin mã nguồn mở và có khả năng tương tác nhằm ghi nhận lịch sử y tế và tiêm chủng là một điều tất yếu. Do đó, các công nghệ truy vết và mã QR sức khỏe có lẽ vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Theo enternews.vn